20h ngày 23.7 (giờ địa phương), đập thủy điện Xe Pian - Xa NamNoy bị vỡ khiến 6 bản làng thuộc huyện Sanamxay (tỉnh Attapeu, phía đông Lào) bị ngập hoàn toàn.
Ngày hôm sau (24.7), lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Chính phủ Lào và nhiều nước trên thế giới có mặt để khắc phục hậu quả, tìm kiếm người mắc kẹt tại những vùng ngập nặng. Nhiều người dân cho biết do nước lũ đổ về quá nhanh, khiến họ không kịp trở tay.
Chiều 24.7, trực thăng được huy động để đưa người bị cô lập tại các bản thuộc huyện Sanamxay ra ngoài, mặt khác chở lương thực tiếp tế cho người dân, ở những vùng không thể tiếp cận bằng đường thủy.
Lực lượng cứu hộ quốc tế gồm các nước Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore... cũng vào cuộc giúp chính phủ Lào. Trong ảnh, đội cứu hộ mặt nước của Trung Quốc đang tìm kiếm người mất tích tại bản May, Sanamxay sáng 27.7. Ngoài cử các đội cứu hộ, các nước còn giúp đỡ về vật chất nhằm giúp Lào vượt qua khủng hoảng tồi tệ.
Một nhóm cứu hộ Thái Lan khác có mặt tại nhiều bản làng bị ngập nặng. Tuy nhiên, sau nhiều ngày, từ 24.7 đến 3.8, vẫn không tìm thêm được thi thể nào. Báo cáo của quan chức tỉnh Attepeu cho biết, thống kê đến hết ngày 2.8, sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian - Xe NamNoy khiến 9 người chết và trên 1.000 người mất tích.
Chiều 3.8, nhiều đội cứu hộ vẫn ngụp lặn trong nước để tìm kiếm người mất tích và tải sản có giá trị của người dân.
Hàng nghìn người dân được đưa ra nơi an toàn, họ sống tại các trại tị nạn như trạm xá, trường học. Trên khuôn mặt, ai cũng lộ rõ vẻ mệt mỏi, lo âu vì rơi vào cảnh trắng tay.
Một em nhỏ được đưa đến trại tị nạn, một trường cấp 3 tại huyện Sanamxay để khám chữa bệnh và ăn uống.
Một số người chưa thể ra ngoài, được lực lượng cứu hộ, cứu nạn tiếp tế lương thực. Lo lắng nhất đối với Chính phủ Lào sau khi nước lũ rút là bệnh dịch, như tiêu chảy, sốt rét...
Chiều 29.7, khi phóng viên Dân Việt có mặt tại bản May, HinLap... thuộc huyện Sanamxay, chứng kiến cảnh tượng hoang tàn chưa từng thấy ở Lào. Sau khi nước lũ rút, nhiều ngôi nhà bị hư hỏng, đồ đạc có giá trị trôi theo dòng nước.
Lực lượng công an, quân đội Lào túc trực thường xuyên tại hiện trường để tránh tình trạng hôi của và ngăn những người không có trách nhiệm vào bên trong.
Ngày 1.8, phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban đặc biệt quốc gia để thảo luận các biện pháp hỗ trợ các nạn nhân trong sự cố, Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone cho biết thảm họa này không phải là hậu quả của thiên tai, do đó mức đền bù mà các nạn nhân nhận được có thể cao hơn so với thông thường. Phó Thủ tướng Sonexay nêu rõ: "Nguyên nhân gây ra lũ lụt là do vỡ đập".