Dân Việt

Nóng tuần qua: Hé lộ số tiền khủng của “Nguyễn Hà Đông” phiên bản 2

Phương Linh 05/08/2018 18:55 GMT+7
Một thanh niên nhận gần 2 triệu đô la của Facebook, Google chỉ nhờ viết một trò chơi có lượt tải rất nhiều trên Internet. Tuy nhiên, người này đã “quên” kê khai nghĩa vụ thuế và bị cơ quan chức năng tìm ra. Câu chuyện khác, Tổng Giám đốc công ty đào tiền ảo đình đám Sky Mining cuối cùng cũng đã xuất hiện sau 1 tuần mất tích. Thế nhưng, tất cả chỉ là 44 giây gây phẫn nộ giới đầu tư.

Sếp Sky Mining gây phẫn nộ sau đêm tiệc với dàn xế sang

Sau một tuần bị các nhà đầu tư cáo buộc là ôm tiền bỏ trốn, ngày 29/7, ông Lê Minh Tâm - Tổng giám đốc công ty đào tiền ảo Sky Mining đã đăng một đoạn video dài 44 giây. Trong đoạn video, ông Tâm cho biết đang đi chữa bệnh và khẳng định các xưởng đào sẽ vận hành lại từ tuần sau.

img

Sau cáo buộc bỏ trốn, ông Lê Minh Tâm - Tổng giám đốc Sky Mining tung clip cho biết đang đi chữa bệnh 

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho rằng việc ông "trùm" Sky Mining làm clip tuyên bố rằng mình đang nằm viện chỉ là giả. Ngay chiều 30/7, một nhóm nhà đầu tư Sky Mining đã gửi đơn tố cáo lên Công an quận Phú Nhuận, TPHCM. 

Trong số 300 nhà đầu tư ký vào đơn tố cáo ông Tâm gửi lên cơ quan chức năng có khá nhiều người đã bỏ vốn đầu tư 5.000-6.000 USD, tức là  khoảng 115 - 140 triệu đồng, người nhiều nhất trong danh sách này là 1 tỷ đồng.

Trước đó, mạng xã hội đã lan truyền hình ảnh hội nghị “hoành tráng” của Sky Mining cách đây ít lâu. Sky Mining thậm chí còn chuẩn bị một dàn xe Mercedes tặng cho cho các đại lý thu hút được nhiều nhà đầu tư. Theo một số nguồn tin, ông Lê Minh Tâm đã xuất cảnh vào ngày 22/7. 

2 người Việt nhận tiền khủng của Facebook, Google

Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định truy thu và phạt một cá nhân 4,1 tỉ đồng vì nhận khoản tiền 41 tỉ đồng từ Google, Facebook mà chưa kê khai thuế.

Người này kiếm thu nhập hơn 41 tỉ đồng trong hai năm này nhờ viết một trò chơi có lượt tải rất nhiều trên Internet. Các kênh Youtube, Facebook đã chạy quảng cáo trên các chương trình này và trả phí. Nhưng số phí này không được kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế đúng quy định.

Hiện tại, cơ quan thuế đã mời cá nhân này lên làm việc, người này thừa nhận hành vi chưa kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế và cam kết tự nguyện khắc phục hậu quả trong thời gian tới.

Một cá nhân khác có hộ khẩu ở Quảng Nam cũng được các tổ chức trên chi trả số tiền tương đối lớn, ước khoảng 30 tỉ đồng. Tuy nhiên, do cá nhân này không còn sinh sống tại địa chỉ tạm trú nên việc triệu tập làm việc gặp khó khăn. Cục Thuế TP.HCM cũng có văn bản đề nghị Cục Thuế tỉnh Quảng Nam kiểm tra và xử lý truy thu trường hợp trên.

Con Cưng và lời thách đố 1 tỷ đồng

img

Con Cưng đã xin rút đề xuất việc treo giải thưởng 1 tỷ đồng.

Ngày 28/7, chuỗi siêu thị Con Cưng cho biết sẽ trao thưởng 1 tỷ đồng cho khách hàng đầu tiên phát hiện chuỗi siêu thị này nhập hàng không chính hãng.

Con Cưng là chuỗi cửa hàng ầm ĩ dư luận tuần trước bởi nghi án cắt mác. Trước đó, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện dấu hiệu vi phạm và thu giữ hơn 5.000 sản phẩm các loại của Con Cưng tại một số cửa hàng ở TP.HCM do nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ, nhãn hàng hóa sản phẩm.

Việc làm của Con Cưng đã khiến dư luận có không ít ý kiến trái chiều. Có người cho rằng điều này thể hiện thiện chí của Con Cưng. Nhưng, ngược lại, có người lại tỏ ra phản cảm với cách làm có vẻ thách thức người tiêu dùng.

Tới ngày 31/7, Bộ Công Thương đã công bố 7 dấu hiệu vi phạm của hệ thống Con Cưng trong đó có việc sử dụng hàng nhãn giấy mang nội dung khác đè lên nhãn gốc. Con Cưng cũng không ghi xuất xứ của hàng hóa, không có nội dung thể hiện hợp chuẩn, có dấu hiệu vi phạm về chất lượng, có thể gây nguy hại sức khỏe của trẻ sơ sinh.

Tới ngày 2/8, Con Cưng đã xin rút đề xuất việc treo giải thưởng 1 tỷ đồng. Lãnh đạo Con Cưng thừa nhận, việc treo giải thưởng trên trong bối cảnh đoàn kiểm tra đến làm việc là "không phù hợp".

Tranh cãi số phận 168 tấn thịt trâu đông lạnh

Mới đây, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) vừa thông báo tổ chức bán lô hàng gần 170 tấn thịt trâu đông lạnh bắt giữ trong tháng 2.

Nghi vấn bất ngờ dấy lên là vì sao lại được đem bán chứ không phải là tiêu hủy hoặc buộc tái xuất. Theo Cục Thú y, nếu không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật thì phải buộc tái xuất hoặc tiêu hủy toàn bộ lô hàng. Cũng bởi vậy, cơ quan ngành thú y cũng từ chối lấy mẫu giám định chất lượng.

Ngành hải quan sau đó đã lên tiếng giải thích rằng việc làm của mình là đúng quy định. Lý do cơ quan hải quan đã tiến hành giám định và xác định lô hàng đảm bảo các chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm, không gây hại cho sức khỏe con người.

Phía hải quan cho rằng, lô hàng nêu trên nếu bán tiêu thụ trong nước phải có giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật và đúng là lô hàng không có giấy tờ này.

Tuy nhiên, phía hải quan đã thông báo bán lô hàng cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để tái xuất hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Điều này theo ngành hải quan là đúng quy định của pháp luật.

Nghi án Cục Đường thủy lập quỹ đen

img

Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải sẽ vào cuộc xác minh nghi vấn quỹ đen ở Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.

Tuần qua, dư luận ồn ào vì có thông tin phản ánh về một số cá nhân của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thu 5-20% để lập “quỹ đen”. 

Đây là tiền từ các gói thầu các công trình do Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa (trước đây thuộc Cục) và Cục Đường thủy nội địa VN làm chủ đầu tư như: Dự án nạo vét, phá đá, rà phá bom mìn, khảo sát thông báo luồng trong các năm 2015 – 2016.

Ngay sau đó, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, thanh tra bộ này đã lập tổ xác minh nghi trên. 

Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết đã trực tiếp gặp, làm việc với người nêu vấn đề trên báo chí, đồng thời đề nghị cung cấp chứng cứ để xác thực làm căn cứ xử lý vi phạm.