Dân Việt

Từ bàn giấy đến thị trường

Chân Tâm 20/03/2014 10:36 GMT+7
Lãnh đạo tỉnh An Giang cùng nhau lên TPHCM để tiếp thị nông sản của địa phương. Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch tỉnh và Giám đốc Sở Công thương cùng đồng hành với nông dân, nhưng không phải trên đồng ruộng mà trên thị trường.
Trong chuyến đi TP.HCM giữa tháng 3 vừa qua, lãnh đạo tỉnh An Giang đã xúc tiến ký kết hợp tác đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản của An Giang với Liên hiệp hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op).

Các vị lãnh đạo không chỉ đề ra chủ trương, chính sách, mà trực tiếp đi đến ruộng đồng, trại chăn nuôi để kiểm tra, theo dõi, đưa ra các biện pháp hỗ trợ nông dân khi cần. Thế nhưng, chăm sóc sản phẩm của nông dân trên ruộng đồng chưa đủ, làm ra sản phẩm là một việc, tiêu thụ sản phẩm là việc khác.

Trong điều kiện cạnh tranh như hiện nay, tìm đầu ra cho nông sản địa phương là vô cùng khó. Cạnh tranh không chỉ với sản phẩm trong nước, mà còn với nhiều sản phẩm ngoại nhập, trong đó có nhiều loại nhập lậu.

Các vị lãnh đạo của tỉnh An Giang bước từ bàn giấy ra ruộng đồng, từ ruộng đồng đến thị trường chỉ vì mục đích tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Lo cho dân thực sự không cần hô hào khẩu hiệu, mà bắt tay làm những việc cụ thể. Tìm đường để bán được con tôm con cá hay rau củ quả cho dân chính là lo cho dân, thương dân, có trách nhiệm với dân.

Nông dân Việt Nam còn nhớ hình ảnh Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát tổ chức “bữa tiệc thịt gà” ngay sau khi khống chế dịch cúm gia cầm năm 2007. Sợ dịch, người dân tẩy chay thịt gà.

Nông dân nuôi gà khốn khổ vì dịch bệnh, lại khổ hơn khi không bán được gà. Hành động ăn thịt gà - chứng minh sản phẩm an toàn - việc làm cứu nguy cho nông dân của bộ trưởng rất đáng được ghi nhận. Lo cho dân đôi khi không phải là những văn bản hay phát biểu to tát lý luận trên mây, mà bằng một việc làm cụ thể và có hiệu quả.

Xét cho cùng, lãnh đạo lo cho dân cũng là lo cho chính mình. Làm lãnh đạo, đứng đầu một tỉnh, mà để cho dân nghèo, phải đi xin gạo của Chính phủ thì quả thực cũng nên phải suy nghĩ.

Làm lãnh đạo mà không nghĩ ra được quyết sách phù hợp để phát triển kinh tế, không biết “trồng cây gì, nuôi con gì” cho có lợi, mặc cho dân tự tìm cách sống như thời hồng hoang, thì nên từ chức cho dân nhờ. Tìm ra con, ra cây cho dân nuôi, dân trồng, còn phải tìm thị trường để tiêu thụ, thế mới là lãnh đạo. Và làm được như vậy dân mới tin, dân tin mới tồn tại.

Chỉ đáng tiếc là chưa có nhiều người làm được cái việc rất bình thường này. Hay đâu đó cũng có người làm, nhưng chỉ là hình thức mà thiếu thực chất.