Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ, đó cũng là nguyên nhân cốt lõi giải thích vấn nạn cứ lặp đi lặp lại hàng năm, như được mùa mất giá, khó khăn đầu ra, chậm hội nhập với thị trường thế giới...
Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế HTX nông nghiệp kiểu mới – khâu đột phá để cơ cấu lại nông nghiệp để nâng cao thu nhập của người dân là chủ đề chính tại Chương trình gặp gỡ lãnh đạo Thành ủy và Ban thường vụ Hội Nông dân (HND) TP.HCM, HND các cấp huyện, quận vào chiều ngày 5.8 tại TP.HCM.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề tại sao năng suất cây trồng, vật nuôi cứ tăng mà thu nhập nông dân vẫn thấp. Ảnh: Nguyên Vỹ
Chương trình được tổ chức ngay trước thềm đại hội HND TP.HCM lần thứ 10 (2018 - 2023). Tham dự còn có nhiều sở ngành liên quan như Sở Công thương, Sở NNPTNT, Liên minh HTX TP.HCM, Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao...
Mở đầu chương trình, ông Nhân dẫn chứng ngay trường hợp mà Báo Nông Thôn Ngày Nay vừa phản ánh hôm 1.8 về tình trạng nông dân khó khăn thế nào để xây dựng được mô hình trồng rau muống nước theo tiêu chuẩn VietGap.
Thế nhưng sản phẩm làm ra được rồi lại khó bán. Người tiêu dùng chưa tiếp nhận được nhiều, còn người trồng lại gặp khó khăn. Đó là một trong rất nhiều vấn đề mà người sản xuất đang gặp phải.
Bí thư Nhân dẫn chứng trường hợp nông dân sản xuất sạch nhưng khó đầu ra. Ảnh: Nguyên Vỹ
"Cuộc gặp hôm nay phải tiếp tục xác định việc chuyển biến thu nhập nằm ở khâu nào?" ông Nhân nói - "Muốn làm và mà làm hoài không được thì có vấn đề, có chỗ sai, cần khắc phục".
“Vấn đề đó là gì? Chính là chuyển đổi nhận thức từ sản xuất cá thể sang kinh tế tập thể và vai trò của HND, các chính quyền đoàn thể trong việc hỗ trợ nông dân”, ông nhấn mạnh.
Theo Sở NNPTNT TP.HCM, hiện có khoảng 20% số hộ nông dân tham gia liên kết với doanh nghiệp, 15% tham gia vào HTX và 65% số hộ sản xuất độc lập, không liên kết.
Kết quả khảo sát cho thấy hộ nông dân tham gia vào HTX đều có hiệu quả kinh tế hơn các hộ sản xuất độc lập. Cụ thể, giá trị sản lượng bình quân cao hơn 10%, giá bán bình quân cao hơn 7 – 10% và lợi nhuận bình quân cao hơn 10 – 35%.
Phương thức sản xuất cá thể hiện không tương thích với cơ chế thị trường. Ảnh: Nguyên Vỹ
Thực tế sản xuất hiện tại, các hộ nông dân thường xuyên thiếu vốn trong khi chính sách nhà nước có hỗ trợ. Thu nhập của nông dân rất thấp hơn. Giá trị gia tăng bình quân của 1 nông dân tạo ra chỉ bằng 26,4% so với 1 lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ tạo ra. Nông hộ lại luôn bị động trong tiêu thụ.
Vấn đề cốt lõi là quan hệ sản xuất và tổ chức sản xuất không tương thích với thị trường. “Trong kinh tế thị trường hợp đồng kinh doanh là phương thức căn bản. Điều này nông hộ không làm khi muốn vay vốn lớn hoặc làm ăn với siêu thị vì không có tư cách pháp nhân”, Bí thư Nhân đưa ra ví dụ.
HTX ký kết hợp đồng ổn định với doanh nghiệp thu mua, nên xã viên được bao tiêu sản phẩm với mức giá ổn định và được hướng dẫn quy trình kỹ thuật. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, không ít HTX nông nghiệp tại TP.HCM hoạt động vẫn chưa hiệu quả. Điều đó đặt ra vấn đề đổi mới nhận thức, chức năng HTX, xây dựng các HTX kiểu mới là khâu đột phá.
Hoạt động sản xuất đặt ra vấn đề đổi mới nhận thức, chức năng HTX; xây dựng các HTX kiểu mới là khâu đột phá. Ảnh: Nguyên Vỹ
Bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Chủ tịch HND TP.HCM thừa nhận, trong hoạt động sản xuất của một bộ phận HTX hiện nay, việc liên kết giữa các thành phần kinh tế còn hạn chế, dẫn đến dẫn đến nhiều HTX hoạt động thiếu hiệu quả nên phải giải thể hoặc dự kiến giải thể. Số lượng HTX thành lập khá cao, nhưng đến nay việc quản lý và tổ chức hoạt động chưa thống nhất giữa địa phương sở ngành
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của người đứng đầu Thành ủy TP.HCM, bà Mai cho biết trong báo cáo chuẩn bị Đại hội sắp tới sẽ làm rõ hơn việc giải quyết thu nhập của nông dân, cũng như việc vận động chuyển đổi phương thức sản xuất sang kinh tế tập thể trong thời gian tới.