Facebook vốn là chốn công cộng nhưng cũng là “ngôi nhà” riêng của mỗi người. Chỉ có điều, cánh cửa ngôi nhà ấy luôn mở rộng để dễ dàng chia sẻ. Tất nhiên, trong thế giới “ảo” ấy có một số lượng khổng lồ những người phụ nữ đã làm vợ, làm mẹ - bởi nhu cầu tâm sự của nhóm đối tượng này rất lớn. Có điều, nhiều người trong số họ đang “chơi facebook” một cách quá bản năng bằng hành vi “phơi” tất tần tật những chuyện buồn vui của nhà mình lên mạng mà không suy xét về hậu quả.
Cả thế giới biết chồng ngoại tình nhờ facebook
M.D. là bạn học của tôi. Thời gian đầu, facebook của D. cũng bình thường như bao người vợ khác, là nơi đăng ảnh cưới, cập nhật thông tin bầu bí hay những khoảnh khắc vui vẻ bên nhau của gia đình nhỏ. Nhưng rồi mọi chuyện dần thay đổi từ khi D. mang bầu cậu con trai thứ hai. Ban đầu là những status vu vơ than buồn, cô đơn, không có ai chia sẻ, rồi tới những bài share đậm tính “triết lý” về bản chất lăng nhăng của cánh đàn ông. Bạn bè hỏi han, D. đều lảng tránh, bảo chỉ đăng chơi vậy cho ai nhột thì tùy.
Ảnh chụp màn hình
Ảnh chụp màn hình facebook
Thế rồi, cô thôi tag chồng vào các bài viết nhắc tới con cái. Những status cũng cay nghiệt hơn, chê trách các ông chồng nhiều hơn. Một cô bạn tò mò vào xem facebook D. rồi kể cho tôi rằng, D. đã hủy kết bạn với chồng. Kể từ đó, hầu như ngày nào D. cũng đăng ít nhất một dòng trạng thái tiêu cực, không đá xéo những kẻ giật chồng người thì cũng mỉa mai những gã đàn ông bỏ bê vợ con theo cám dỗ. Chuyện ấy kéo dài liên tục cho tới tận khi D. sinh con và ở cữ.
Đỉnh điểm, ngày con trai thứ hai đầy tháng, D. đăng ảnh một cô gái lạ lên facebook của mình ở chế độ công khai kèm dòng chú thích: “Chân dung mẹ mới của các con tôi”. Khỏi phải nói tấm hình ấy thu hút nhiều bình luận như thế nào. Cũng từ lúc đó, D. công khai bình luận qua lại với mấy người bạn thân bằng những câu từ chỉ trích chồng mình thậm tệ. Ai cũng hiểu chồng D. đã làm điều có lỗi với vợ con. Nhiều bạn bè ái ngại, khuyên D. nếu không thể sống cùng nhau nữa thì cũng nên chia tay trong hòa bình để con cái không bị ảnh hưởng, nhưng D. bỏ ngoài tai.
Ảnh chụp màn hình facebook
Hội chứng “anh ơi, nhìn chồng nhà người ta mà học tập!”
Một lối hành xử cực kỳ dễ bắt gặp khác của “hội các bà vợ” trên facebook là tag chồng vô tội vạ vào bất kỳ bài viết nào nhắc đến những ông chồng “trong mơ”. Chồng soái ca chiều vợ, chồng giành làm việc nhà, chồng đại gia mua quà cho vợ không tiếc tay, chồng tâm lý “giải mã” được mọi nỗi niềm của vợ, chồng siêu nhân vừa giỏi kiếm tiền vừa khéo chăm con lại miễn nhiễm trước gái xinh…, tất thảy đều khiến chị em sôi sục vì… uất hận trước “thực trạng” chẳng lấy gì làm hoàn hảo của đức ông chồng ở nhà.
Nếu chỉ âm thầm so sánh thì đi một lẽ, đằng này các bà vợ quanh năm bất mãn ấy lại liên tiếp tag chồng vào hoặc share về facebook của mình kèm dòng chú thích kiểu “Chồng nhà người ta thế này, nghĩ tới chồng mình sao thấy thật tủi thân!” hoặc “Anh ơi vào xem mà học tập nhé!”. Lối hành xử này thực sự là một thói quen khó bỏ của rất nhiều người, khi bên dưới mỗi bài viết với mục đích “câu view” này đều có hàng trăm, hàng ngàn bình luận kiểu gọi chồng vào học tập.
Ảnh chụp màn hình facebook
Ảnh chụp màn hình facebook
Khi facebook thành nơi “vinh danh gia đình hạnh phúc”
Nhiều người lại xem facebook như một cuốn nhật ký sống động của hôn nhân mà mỗi ngày họ đều phải viết vào đó ít nhất một trang để nhắc bản thân rằng mình đang hạnh phúc ra sao. Hôm nay chồng nấu cơm cho vợ, tối qua chồng tặng quà không nhân dịp gì, tuần tới vợ chồng sẽ đi biển nghỉ dưỡng, nhẫn kim cương chồng đặt làm cho vợ tháng trước hôm nay vừa đến… Ai lướt qua facebook của họ cũng thấy ghen tỵ, thèm muốn có được cuộc hôn nhân màu hồng như thế.
Từ trên xuống dưới, năm này qua tháng khác, facebook họ chỉ có những câu chuyện tình yêu ngọt ngào như trong phim, những lời lẽ chồng nói với vợ như lời thoại trong một cuốn tiểu thuyết ngôn tình, tuyệt nhiên không thấy những góc khuất, dấu lặng, giận hờn, cãi vã…
Được – mất gì sau thói quen tưởng chừng vô hại?
M.D., cô bạn tôi, rốt cuộc không chia tay chồng như chúng tôi dự đoán. Họ quay lại, nhưng dường như chỉ còn sống vì con. Người này tránh nhắc đến người kia trên facebook, những tấm ảnh đăng lên chỉ còn gương mặt những đứa con. D. không còn thói quen kể tội chồng ở nơi công cộng ấy. Có lần, nói chuyện với tôi, D. bảo cô luôn hối hận về cách hành xử trong thời gian sóng gió. Chồng cô ngay từ khi vợ biết chuyện đã rất ân hận và cố gắng làm mọi thứ để chuộc lỗi, nhưng D. vẫn điên cuồng tìm cách trút nỗi uất hận của mình trên facebook. Kết quả, chồng cô phải chịu sự soi mói, dè bỉu của rất nhiều người. Dần dần, anh co mình lại, chỉ còn cố gắng vì con.
Giờ họ vẫn sống bên nhau nhưng như hai ốc đảo xa lạ, người này chẳng còn biết người kia nghĩ gì. Chính bản thân D. cũng mệt mỏi bởi những gì mình đã viết, khi cô nhận ra đó là miếng mồi ngon cho thói tò mò của người đời thay vì tìm được sự khuây khỏa.
Một lời khuyên đáng suy ngẫm về thói quen phô trương hạnh phúc lên facebook (ảnh chụp màn hình facebook).
Với những chị em có thói quen nhắc nhở chồng ở khắp mọi nơi, dễ nhận thấy rất ít ông chồng đáp lại lời của vợ trên facebook. Chẳng khó gì để biết được cảm nhận của họ: khó chịu, buồn bực, thậm chí là tổn thương lòng tự ái. Chẳng ai muốn bị vợ chê bai ngay trước bàn dân thiên hạ, nơi người yêu kẻ ghét khó phân định. Hơn thế, các bà vợ cũng quên mất rằng bản thân mình chưa chắc hoàn hảo, sao không nhìn lại mình mà chỉ đòi hỏi sự thay đổi từ phía người kia. Họ bị tâm lý đám đông dẫn dắt mà quên mất rằng hạnh phúc của bản thân chỉ chính mình mới có thể gìn giữ bằng sự thấu hiểu và tôn trọng.
Còn những người thích “tô hồng” hôn nhân của bản thân đôi khi mải mê chạy theo những lời tán tụng mà quên mất rằng cái cây nào cũng cần tưới tắm cẩn thận, hạnh phúc nào cũng cần khổ công gìn giữ. Việc ngợi khen chồng quá mức có thể dẫn tới nguy cơ khiến anh ấy bị phái nữ dòm ngó, hoặc nếu một lúc nào đó cơm chẳng lành canh không ngọt, bạn sẽ phải hứng chịu những hỏi han có khi đầy ác ý, hả hê của người xung quanh.
Ông bà dạy chẳng sai, “yêu nhau rào giậu cho kín”, chuyện yêu đương vốn chỉ của hai người nên đừng vì bất cứ lý do gì mà biến facebook thành nơi trút bỏ mọi yêu thương hờn giận thay vì mặt đối mặt và giải tỏa.