Dân Việt

Đầu tư nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng đạt GMP không dễ

Diệu Linh 06/08/2018 11:15 GMT+7
Theo quy định, từ 1.7.2019, nếu cơ sở sản không đạt tiêu chuẩn GMP sẽ không được sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe. PGS-TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo, sẽ có hơn 3.000 cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe sẽ đứng trước bài toán "tồn tại hay đóng cửa".

Tại Lễ khánh thành Nhà máy sản xuất Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Metaherb do Công ty Cổ phần Dược liệu Phương Đông tổ chức ngày 5.8, ông Lê Viết Phương - Tổng Giám Đốc Công ty Cổ phần Dược liệu Phương Đông cho biết, để nhà máy sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe (còn gọi là thực phẩm chức năng - TPCN) đạt tiêu chuẩn GMP không dễ.

"Các quy định về GMP rất nghiêm ngặt, mỗi phòng đảm bảo độ sạch, nhiệt độ, độ ẩm quy chuẩn, đạt tiêu chuẩn về hạt bụi trong không khí. Từ khu chuyển giao đầu vào đến đóng gói sản phẩm đều hoạt động theo cơ chế "một chiều", quy trình khép kín, tự động, không có sự can thiệp của con người để đảm bảo sạch, vô trùng. Các phòng ban biệt lập với nhau để tránh việc nhiễm khuẩn.

Ngay thiết kế phòng ốc từ đầu mà sai thì đã khó sửa. Nếu thiết kế theo hệ thống cũ là không thể cải tạo để đạt tiêu chuẩn được mà phải đập đi làm lại từ đầu. Do đó, đối với những nhà máy sản xuất cũ, muốn đạt GMP để tiếp tục được sản xuất TPCN thì sẽ phải đập đi làm lại từ đầu chứ không thể sửa chữa, cơi nới được. Đương nhiên, cùng với đó cũng là hệ thống máy móc tự động, hiện đại" - ông Phương chia sẻ thêm. 

Do đó, theo ông Phương, các nhà máy sản xuất TPCN với quy mô nhỏ, đầu tư ít thì chắc chắn sẽ phải đóng cửa khi có quy định về GMP từ 1.7.2019. 

img

Các yêu cầu về vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm theo GMP rất nghiêm ngặt (Nhà máy sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe Metaherb). 

Ông Phương cho biết, nhà máy Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Metaherb đã được thiết kế theo quy chuẩn GMP, tuy nhiên vẫn đang trong quá trình hoàn thiện các các tiêu chuẩn cụ thể. Khi hoàn thành, công ty sẽ làm hồ sơ để được công nhận nhà máy sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe đạt GMP, đảm bảo đạt tiêu chuẩn GMP trước ngày 1.7.2019. 

Trước đó, PGS -TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Nghị định 15 của Chính phủ, từ 1.7.2019 tới đây, tất cả những cơ sở sản xuất TPCN nếu không đạt chuẩn GMP sẽ không được tiếp tục sản xuất. Theo đó, tiêu chuẩn GMP của cơ sở sản xuất TPCN không khác gì cơ sở sản xuất thuốc. Các doanh nghiệp phải đảm bảo về nhà xưởng, hệ thống thông khí đến hệ thống bảo vệ phải cách biệt với môi trường ô nhiễm, hệ thống nước dùng để sản xuất nước phải được tinh lọc…

Doanh nghiệp phải có hệ thống quản lý hồ sơ chặt chẽ để giám sát sản phẩm của mình từ nguyên liệu đầu vào, bán thành phẩm và thành phẩm, chứng tỏ chất lượng của sản phẩm. Các hồ sơ thể hiện quá trình nuôi trồng, thu hái, bao gói, bảo quản, lưu kho vận chuyển, lưu thông đối với nguyên liệu nhập về cho sản xuất TPCN… chứ không chỉ là hóa đơn chứng từ về nguồn gốc. Thứ hai là yếu tố về con người, trong đó cán bộ phụ trách sản xuất của cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe đạt GMP tối thiểu phải có bằng đại học trong lĩnh vực chuyên ngành mà cơ sở sản xuất; có hệ thống kiểm nghiệm đạt chuẩn…

Theo PGS Phong, ước tính chưa đầy đủ cả nước có khoảng 4.000 cơ sở sản xuất TPCN. Tuy nhiên, đạt tiêu chuẩn GMP thì PGS Phong khẳng định chỉ có 200-300 cơ sở đáp ứng được yêu cầu. Còn hơn 3000 công ty còn lại nếu không đầu tư, thay đổi để đạt GMP thì sẽ buộc phải đóng cửa.