Dân Việt

Ý tưởng điên rồ: Lắp 88 súng PPSh-41 lên oanh tạc cơ Tu-2

Trà Khánh 09/08/2018 20:33 GMT+7
Bên cạnh khả năng mang bom, những chiếc máy bay ném bom Tu-2 còn được trang bị thêm một loại vũ khí bí mật nữa để tấn công các mục tiêu mặt đất.

img

Tupolev Tu-2 là dòng máy bay ném bom thành công nhất của Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới thứ II, với số lượng được sản xuất lên tới hơn 2.200 chiếc. Nó được xem là lời thách thức của Liên Xô đối với các phi đội máy bay ném bom Junkers Ju 88 của phát xít Đức có thiết kế gần như tương tự.

img

Máy bay ném bom Tu-2 gần như là một mẫu chiến đấu cơ đa năng của Liên Xô lúc đó khi nó có thể thực hiện nhiều loại nhiệm vụ nhau từ trinh sát, thả ngư lôi cho đến đánh chặn. Hệ thống vũ khí chính của Tu-2 gồm hai pháo tự động ShVAK 20mm được đặt phía trước và 3,7 tấn bom nó có thể mang theo, tuy nhiên nó vẫn còn một loại vũ khí bí mật khác vốn ít người biết tới và được sử dụng trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến.

img

Trong một lần nạp bom cho đợt không kích mới các phi công Tu-2 vô tình tìm thấy hàng trăm khẩu tiểu liên PPSh-41 bị bỏ không, ngay lập tức các phi công Liên Xô nghĩ ra một ý tưởng hết sức táo bạo cho phép một chiếc Tu-2 nhanh chóng sở hữu sức mạnh hỏa lực áp đảo từ trên không với việc trang bị thêm một dàn súng tiểu liên PPSh-41 dưới khoang chứa bom của chiếc máy bay.

img

Theo đó, một chiếc Tu-2 thay vì mang theo 1.5 tấn bom trong khoang chứa như trước đây nó sẽ được trang bị lại một khung sắt mang theo 88 khẩu PPSh-41 cùng hơn 6.200 viên đạn. Và khi Tu-2 bay gần tới mục tiêu khoang chứa bom của nó sẽ được mở ra và cùng một lúc 88 khẩu PPSh-41 sẽ bắn hàng ngàn viên đạn xuống kẻ thù.

img

PPSh-41 là mẫu súng tiểu liên tiêu chuẩn của Quân đội Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới thứ II với số lượng được sản xuất lên tới gần 6 triệu khẩu, nó được thiết kế sư Georgi Shpagin thiết kế lại từ mẫu súng tiểu liên PPD-40. Một khẩu PPSh-41 có trọng lượng tối đa khoảng 5.4kg bao gồm cả hộp tiếp đạn 71 viên và nó sử dụng cỡ đạn 7.62×25mm Tokarev tiêu chuẩn của Liên Xô lúc đó.

img

Với nòng súng chỉ có chiều dài 269mm nhưng PPSh-41 lại có tốc độ bắn lên đến 900 viên/phút cùng sơ tốc đầu đạn 488m/s, biến mẫu súng tiểu liên này thành một “hỏa thương” thực sự trên chiến trường. Dù vậy PPSh-41 cùng có những điểm yếu khó thay đổi như tầm bắn hiệu quả kém và khó tác xạ với băng đạn tròn.

img

Ý tưởng biến Tu-2 thành một pháo đài bay trên không được hiện thực hóa vào năm 1944 bởi phi công AV Nadashkevich và thiết kế sư trưởng S.Saveliev. Một khung trượt mang theo 88 khẩu PPSh-41 được cố định vào khoang chứa bom của Tu-2 bằng 4 sợi dây thép chịu lực, phi công cũng được trang bị một thiết bị ngắm giúp sử dụng những khẩu PPSh-41 hiệu quả hơn.

img

Dù vậy trong quá trình thử nghiệm vũ khí đặc biệt này, Tu-2 bộc lộ khá nhiều hạn chế như phần khung trượt mang theo những khẩu PPSh-41 hoạt động không ổn định khi Tu-2 bay ở vận tốc cao, đạn bắn ra có độ tản mát lớn và phi công chỉ có một cơ hội duy nhất để tiêu diệt mục tiêu khi 88 khẩu PPSh-41 sẽ bắn hết hơn 6.200 viên đạn trong vỏn vẹn 4 giây.

img

Bên cạnh đó phạm vi tấn công hiệu quả của loại vũ khí này chỉ trong một khu vực dài 548m và rộng 1.2m hoàn toàn thua xa những quả bom trước đây mà Tu-2 có thể mang theo trong một phi vụ. Ngoài ra để có thể tấn công chính xác mục tiêu, Tu-2 phải hạ độ cao xuống 243m để triển khai dàn súng PPSh-41 và hành động này sẽ là tự sát nếu như khi đó quân Đức sở hữu các loại vũ khí phòng không.

img

Với những hạn chế trên chiếc Tu-2 với dàn súng tiểu liên PPSh-41 không bao giờ có cơ hội tham chiến nhưng không phải vì thế mà người Nga không tiếp tục cho ra những ý tưởng chế tạo vũ khí độc nhất vô nhị của mình.