Dân Việt

Chiếm rừng, “lờ” tòa án

04/03/2011 16:54 GMT+7
(Dân Việt) - Bất chấp quyết định thụ lý vụ án của TAND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), ông Lê Duy Nguyên vẫn tiếp tục chặt phá hàng nghìn m2 rừng trong khu vực đang tranh chấp...

Ngang nhiên vi phạm luật

Trên số báo ra ngày 14.12.2010, NTNN đã phản ánh việc ông Lê Duy Nguyên có hành vi chiếm dụng hàng trăm ha rừng của nhiều hộ dân và dùng hung khí cản trở các cán bộ tòa án xuống hiện trường làm việc.

img
Hơn 200 cây gỗ trong khu vực lâm bạ của anh Nam bị người của ông Nguyên chặt về sử dụng.

Trong khi TAND huyện Quỳnh Lưu đã có quyết định thụ lý vụ án (số 20/2010) và đang tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ thì ông Nguyên lại tiếp tục cho người vào khu vực rừng đang tranh chấp chặt phá hơn 200 cây bạch đàn trên diện tích 2.500m2 tại khu vực Hòn Dề thuộc lâm bạ của anh Trần Xuân Nam (trú khối 1, thị trấn Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Nghệ An).

Trao đổi với NTNN, anh Nam bức xúc: "Lâm bạ của bố tôi là ông Trần Xuân Lập và tôi đều bị ông Nguyên giả mạo chữ ký để chiếm đoạt. Trong khi Tòa án huyện Quỳnh Lưu đang hoàn tất hồ sơ để đưa vụ án ra xét xử thì ngày 11.2.2011, tôi nhận được tin báo ông Nguyên cho gần chục người vào rừng Hòn Dề thuộc đất lâm bạ của tôi chặt phá và lấy đi hơn 200 cây bạch đàn đường kính thân 10 - 12cm. Tôi đã làm đơn gửi UBND xã Quỳnh Lập và các cơ quan chức năng trong huyện nhưng các cơ quan này đã không có biện pháp ngăn chặn kịp thời".

Cũng vì đứng ra chống lại những sai trái của ông Nguyên mà hiện nay 5 gia đình tham gia trồng cây trong doanh nghiệp của ông Nguyên không được nhận số tiền lao động của họ trong suốt 2 năm qua.

Theo điều tra của NTNN, tháng 12.2009, ông Nguyên đã từng tổ chức đưa người đến chặt phá khoảng 3ha cây rừng thuộc lâm bạ của anh Nam. Ngày 22.3.2010, anh Nam làm đơn khởi kiện ông Lê Duy Nguyên chiếm đoạt đất lâm nghiệp và đòi bồi thường 80 triệu đồng tiền bán cây.

TAND huyện Quỳnh Lưu thụ lý ngày 5.4.2010. Tuy nhiên, ngày 13.8.2010, ông Nguyên vẫn tổ chức một số người đến vùng rừng đang tranh chấp chặt phá, hủy hoại nhiều cây bạch đàn, cây keo...

Ông Nguyễn Văn Thống - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quỳnh Lập cho NTNN biết: "Tôi nhận được đơn của anh Nam vào ngày 16.2.2011(?). Từ đó đến nay chúng tôi cũng bận nhiều công việc nên chưa kịp giải quyết. Dù tôi rất gần gũi với anh Nguyên, nhưng tôi khẳng định nếu anh Nguyên sai thì anh Nguyên phải chịu”.

Thế nhưng, trong khi TAND huyện Quỳnh Lưu còn chưa đưa vụ án tranh chấp trên ra xét xử thì ông Thống đã cho cán bộ xã xuống lấy ý kiến của vài người dân sống trong khu vực và khẳng định rừng cây đó là của doanh nghiệp Lê Duy Nguyên (!?) nên ông Nguyên có quyền chặt.

"Cái lý" của ông Nguyên

Không dừng lại ở đó, trong khi triển khai Dự án trồng rừng phát triển sinh thái của doanh nghiệp Lê Duy Nguyên, ông Nguyên đã cho người cắm mốc lấn chiếm đất của nhiều gia đình ở xung quanh. Các gia đình này đã đồng loạt làm đơn gửi lên chính quyền các cấp và các cơ quan có thẩm quyền trong huyện nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Ông Trần Xuân Nê ở xóm Tân Minh, xã Quỳnh Lập cho biết: Ông Nguyên đã đúc hàng trăm cột bê tông đóng vào đất của tôi, thôn tính toàn bộ thửa đất số 51 với diện tích 308m2".

Ông Nguyên còn đóng cọc và lấn chiếm 3.000m2 đất đang trồng bạch đàn, tràm ở Cồn Dề của gia đình ông Cao Văn Kiêm cùng xóm Tân Minh và gần 30.000m2 của 7 hộ gia đình ở thôn Đồng Hồi...

Về tất cả các sự việc trên, ông Lê Duy Nguyên khăng khăng: "Tôi không giả mạo chữ ký. Giả mạo phải là bắt chước đúng theo chữ ký của họ nhưng tôi chỉ viết chữ Lập và chữ Nam vào phần chủ hộ ký nhận vào lâm bạ thôi. Lâm bạ đứng tên họ nhưng thực ra là do tôi đi xin cả".

Ông Nguyên cho biết thêm: "Tôi cắm mốc đều theo bản đồ. Có thể có chỗ nào đó cán bộ của tôi cắm quá thì tôi sẽ xin lỗi và nhổ cọc ngay, tôi nghĩ là không có chuyện đó".

Về việc chặt cây trong vùng rừng đang tranh chấp với anh Nam, ông Lập nhất quyết: "Họ bảo tôi vi phạm Bộ luật Tố tụng dân sự nhưng tôi không nghĩ thế, nếu muốn giữ nguyên hiện trạng thì các cơ quan chức năng phải có văn bản yêu cầu gửi cho tôi. Việc thiệt hại khi tôi dừng sản xuất tại khu vực rừng đó cũng phải được nói rõ ràng".