Bằng việc đa dạng các nguồn lực xã hội, từ năm 2016 đến nay, toàn huyện Sóc Sơn đã cải tạo, nâng cấp được trên 72km đường trục xã, thôn, 192km đường giao thông ngõ xóm, cùng 37 công trình thủy lợi và 67km kênh mương nội đồng. Thời gian qua, Công ty Điện lực huyện Sóc Sơn cũng đã xây dựng 25 trạm biến áp và sửa chữa 165km đường dây điện, bảo đảm 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới.
Mô hình trồng hoa nhài đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Ảnh: L.N
Bên cạnh đó, toàn huyện đã có 27 nhà văn hóa được xây dựng tại các thôn xóm, tạo không gian sinh hoạt cộng đồng thuận tiện cho người dân. Cùng với 9 trường học được đưa vào sử dụng trong hơn hai năm qua, huyện đang tiếp tục triển khai 23 dự án trường học tại 9 xã. Dự kiến trong năm 2018 có thêm 8 trường đạt chuẩn Quốc gia.
Đến nay, hệ thống thông tin liên lạc, internet đã được phủ sóng toàn huyện. Trên địa bàn huyện đến nay không còn tình trạng nhà ở dột nát…
Theo bà Tạ Thị Thu Trang - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn, từ năm 2016 đến nay, tổng nguồn vốn thực hiện xây dựng NTM của địa phương đạt trên 1.312 tỷ đồng. Trong đó có tới trên 392 tỷ đồng là nguồn vốn xã hội hóa từ đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân…
Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương cho biết, đối với mục tiêu về đích NTM sớm trước kế hoạch một năm, tiêu chí hạ tầng sẽ là thách thức lớn đối với địa phương. Do đó tới đây huyện sẽ tiếp tục tập trung nội dung này, nhất là đối với 2 tiêu chí thủy lợi và trường học, trong đó, ưu tiên các xã định hướng về đích, thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để bảo đảm hiệu quả.
Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn cũng nhấn mạnh: Nâng cao đời sống cho người nông dân là nhiệm vụ xuyên suốt, cũng là điều kiện đủ để địa phương về đích NTM vào năm 2019. Do đó, địa phương sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình nông nghiệp chuyên canh tập trung. Phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn…
Được biết, nhờ đa dạng hóa các loại hình sản xuất, thu nhập bình quân của người nông dân trên địa bàn đến nay đã đạt gần 40 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 2,7%.