Nói điều này trong hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Quản lý thuế, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, một trong những điểm mới của dự thảo là bổ sung quy định xóa nợ với chủ doanh nghiệp tư nhân đã chết.
Dự thảo Luật Quản lý thuế dự định bổ sung thẩm quyền của Thủ tướng là xóa nợ với người nộp thuế có số nợ từ 10 tỷ trở lên.
Thẩm quyền xóa nợ theo ông là: Cục trưởng cục thuế, cục hải quan được xóa nợ với trường hợp số tiền nợ dưới 1 tỷ. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan được xóa nợ với khoản nợ dưới 5 tỷ, Bộ trưởng Bộ Tài chính được xóa nợ với khoản nợ dưới 10 tỷ. Với khoản nợ trên 10 tỷ, thẩm quyền xóa nợ là Thủ tướng Chính phủ. Đối tượng được xóa là chủ doanh nghiệp đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản để nộp tiền còn nợ; doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản,…
Tuy nhiên, về vấn đề này, ông Phạm Sỹ Danh, Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam tỏ ra băn khoăn.
Theo ông, thẩm quyền của Bộ trưởng có thể giải quyết việc cấp ra cả nghìn tỷ nhưng xóa nợ thì chỉ dưới 10 tỷ.
Ngoài ra, theo ông, hồ sơ xóa nợ không phải đơn giản, muốn xóa phải trải qua các bước cưỡng chế sau đó mới hoàn thành hồ sơ. Ông đặt ra câu hỏi, với những hồ sơ này, trình lên Thủ tướng liệu có thời gian xem không?
Nói thêm về cưỡng chế nợ thuế, một vấn đề khiến bà Nguyễn Thái Thanh – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam đề xuất là nên hạn chế biện pháp cực đoan. Theo bà, hiện một trong những biện pháp cưỡng chế nợ là thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng. Điều này đồng nghĩa doanh nghiệp muốn thực hiện các hợp đồng với đối tác cũng không thể và không thể có nguồn tiền trả nợ.
Theo bà, nên có biện pháp mềm dẻo hơn hoặc hạn chế sử dụng phương pháp trên để khuyến khích cho doanh nghiệp.
Bà cho rằng, một số doanh nghiệp chưa nộp thuế không phải vì đơn vị đó làm sai. Theo bà, cần nghiên cứu làm rõ nguyên nhân, nếu áp dụng ngay biện pháp mạnh sẽ không có tác động tích cực.
Ông Phạm Công Tham, Phó Chủ tịch Hội kế toán hành nghề Việt Nam cũng tỏ ra đồng tình khi nói về cái sai của doanh nghiệp. Theo ông, nhiều khi doanh nghiệp phạm lỗi vì không theo kịp sự thay đổi chính sách trong khi những quy định về thuế thì cực kỳ tỉ mỉ, phức tạp. Trong khi ấy, cứ 1-2 năm quy định lại sửa.
Vấn đề theo ông là làm sao để doanh nghiệp nhớ và thực hiện. Ông đề nghị nên có tổng kết, với những thay đổi trong dự thảo luật thì số thủ tục thuế tăng hay giảm.
Tiền nợ thuế không có khả năng thu hồi theo thống kê đã lên 33.992 tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2017.