Dân Việt

Tại sao rác thải ngập ngụa trong lũ tại Chương Mỹ chưa thể dọn hết?

Hoàng Thành 09/08/2018 06:00 GMT+7
Liên quan đến thông tin rác thải tồn đọng lâu ngày trong đó có xác động, thực vật trôi dạt vào nhà dân trong mưa ngập hơn 20 ngày qua tại thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội), trao đổi với PV Dân Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Đỗ Đình Trung xác nhận có tình trạng rác thải xuất hiện lớn ở khu vực xóm Bèo, song, thông tin xác động vật trôi vào nhà dân là không chính xác.

Clip: Người dân nói về rác thải "bủa vây" nhà dân trong mưa, ngập kéo dài

Lý giải về việc chưa xử lý được số rác thải ở khu vực này, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến cho rằng: “hiện tại nước vẫn còn ngập nên chưa thể xử lý được, thời điểm này nước cạn đến đâu thì địa phương dọn, xử lý đến đó”. 

Theo ông Đỗ Đình Trung, số rác này ở nhiều nơi tích tụ lại, bởi đối với địa bàn thôn Nam Hài là vùng trũng, nước từ ngoài đê ở các xã khác theo sóng đẩy vào nên không riêng gì của xã Nam Phương Tiến.

Hiện tại, xã Nam Phương Tiến ký hợp đồng với công ty môi trường đô thị Xuân Mai, do đó khi nước rút trách nhiệm dọn rác là của đơn vị này.

img

Sau khi nước rút, xã Nam Phương Tiến đã tiến hành dọn dẹp, xử lý rác thải và tiến hành phun thuốc khử trùng. Ảnh. Thành An

Bên cạnh đó, để rút kinh nghiệm cho lần sau, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến nhận định: “phương pháp tốt nhất là rác đến đâu thì cố gắng chuyển ngay đến đó chứ không phải tính đến phương án di dời bãi rác bởi xây dựng được một điểm tập kết rác không phải chuyện đơn giản”. 

Clip: Lãnh đạo xã Nam Phương Tiến khẳng định không có dịch bện xảy ra trên địa bàn xã

Trao đổi về tình trạng chăm sóc sức khỏe, dịch bệnh tại địa phương, Phó chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến khẳng định: “Theo ý kiến chỉ đạo của cấp trên cũng như của lãnh đạo UBND xã, đến thời điểm này tại vùng ngập úng, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân được trạm y tế thực hiện rất tốt; địa phương đã cấp những nhu yếu phẩm thuốc đơn giản cho bà con sử dụng như thuốc bôi ngoài da, thuốc tra mắt. Qua nắm bắt và trạm y tế theo dõi, đến thời điểm này chỉ có một số trường hợp lội nước bị ngứa chân chứ chưa có trường hợp dịch bệnh xảy ra”.

Trước đó, một số người dân xóm Bèo phản ánh, những ngày đầu mưa, ngập rác thải ùn ứ trôi theo dòng nước dồn về khu vực một số nhà dân và đình Nam Hài.

“Rác tràn từ hố rác ở bãi vào đất đình rất là bẩn. Từ ngày 17.7, trong xóm mỗi nhà 1-2 người đi dọn nhưng nước càng rút rác càng tràn vào nhiều khiến người dân phải sống chung với rác, rác tràn vào đầy giếng khiến người dân không có nước sạch để dùng. Bên cạnh đó, toàn bộ những hộ dân ở mép ngoài đều bị rác tràn vào trong sân, trong nhà” – anh Nguyễn Tất Vinh – người dân xóm Bèo cho hay.

img

Do địa bàn thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến là vùng trũng, khi nước lũ dâng cao nước từ ngoài đê tràn về kéo theo rác ở các nơi khác tập trung đến, hiện tại nước rút đến đâu địa phương xử lý đến đó. Ảnh: Thành An

Là một trong những hộ bị rác tràn vào nhà nặng nhất, ông Nguyễn Tất Viện cho biết: Mưa to, sóng lớn đánh đổ tường bao trong đêm khiến nước, rác thải tràn vào nhà ông rồi quẩn cả sang nhà hàng xóm. “Sáng 6h mở cửa ra thấy hai bao to nằm trước cửa, toàn sân nhà rác phủ đầy rác. Hai vợ chồng xắn quần, căng dây mãi mới đẩy được rác ra ngoài. Rác này chủ yếu từ bãi rác thải của thôn cách nhà tôi khoảng 150m” – ông Viện nói.

Bà Nguyễn Thị Hiền (vợ ông Viện) cho hay: “mấy ngày nay ông bà phải lội ngập đến tận cổ để vớt, đẩy rác ra ngoài. Hôm nay nước rút, hở được sân, hai ông bà dọn từ sáng được khoảng 20 tải mà không có lối kéo ra vì nước còn ngập lưng cổng nhà”.

img

Ông Võ Văn Phải, xóm Bèo cho biết, rác tràn vào nhà ông rất nhiều, đến nay ông đã đã 3 lần vớt, ước tính đươc cả tấn rác. Ảnh: Thành An

Chung cảnh ngộ với gia đình ông Viện, ông Võ Văn Phải – nhà sát đình Nam Hài cho biết, rác tràn vào nhà ông rất nhiều, đến nay ông đã đã 3 lần vớt, ước tính đươc cả tấn rác. "Rác ở trong nhà nhiều lắm, vừa dọn xuống dưới vườn hết rồi. Đợi mai kia nước cạn, cào ra rồi xúc cho vào tải" - ông Phải nói.

Còn chị Đỗ Thị Hoan không giấu được sự mệt mỏi vì nhiều ngày qua sống chung với ngập, với rác cho rằng: Bãi rác của xã Nam Phương Tiến đặt ở nơi quá trũng, 9 tháng nay hai lần ngập, nước, rác thải tràn vào nhà khiến gia đình chị mấy ngày dọn nhưng không thể nào hết được, mùi hôi, thối nồng nặc bốc vào nhà nên phải đóng cửa suốt, nếu mở ra thì không chịu nổi, giếng thì lại sát ngay chỗ ngập rác này bơm nước lên dùng không thể dùng được.

Không xảy ra dịch bệnh đặc biệt tại vùng ngập, lụt

Liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh tại các huyện tại Hà Nội chịu ảnh hưởng mưa lũ, ngập lụt, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, tại huyện Chương Mỹ ghi nhận 59 trường hợp viêm kết mạc và 150 trường hợp bệnh ngoài da, chủ yếu bị nước ăn chân; huyện Quốc Oai có 13 trường hợp viêm kết mạc và trên 100 trường hợp bị bệnh ngoài da, chủ yếu là nước ăn chân; huyện Mỹ Đức có trên 100 trường hợp đến khám bệnh ngoài da, chủ yếu do nước ăn chân… Các ca đau mắt đỏ, bệnh da liễu chỉ chỉ xuất hiện đơn lẻ, rải rác tại các xã và được cấp phát thuốc điều trị kịp thời. Chưa xuất hiện các dịch bệnh đặc biệt.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, với phương châm “nước rút đến đâu tiến hành vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng chống dịch bệnh đến đó” ngành Y tế đã huy động lực lượng của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và Trung tâm Y tế các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức phối hợp với lực lượng của địa phương tổ chức vệ sinh môi trường khử khuẩn triệt để. 

Đồng thời, Trạm Y tế các xã bị ảnh hưởng đã thành lập khu khám bệnh lưu động tới các thôn ngập lụt để khám và cấp thuốc cho người dân… Lãnh đạo Sở Y tế khẳng định chưa ghi nhận dịch bệnh ở các vùng ngập lụt.

Cần 447 tỷ nâng cấp đê sông Bùi

Tại cuộc họp báo Thành ủy Hà Nội chiều 7.8, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết: sông Bùi bên tả Bùi thiết kế là dương 7,5 mét; hữu Bùi thiết kế dương 7 mét. Khi nước sông Bùi dâng cao trên mức báo động số 3 tức trên 7 mét thì cho phép tràn đê hữu Bùi để bảo vệ an toàn đê tả Bùi.

Tức là đê tả Bùi bảo vệ toàn bộ khu vực Chương Mỹ, Quốc Oai, Phúc Thọ và một phần trong nội đô Hà Đông. Cho nên nhiệm vụ chính trị quan trọng là bằng mọi giá phải bảo vệ đê tả Bùi. 

Chính vì thế khi nước dâng trên báo động cấp 3 thì cho phép tràn thì các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến, một phần của Tốt Động, một phần thôn Hoàng Văn Thụ, Mỹ Lương và Hữu Văn phải chấp nhận sống chung với lũ, nhiều năm qua chưa có giải pháp nào để giải quyết triệt để.

Theo đó, UBND huyện Chương Mỹ kiến nghị TP.Hà Nội cần có giải pháp để người dân 4 xã sống bên đê hữu Bùi là Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Thủy Xuân ổn định sinh sống yên tâm sản xuất, sinh hoạt trong điều kiện buộc phải "sống chung với lũ".

Huyện Chương Mỹ cần hơn 447 tỷ đồng để xử lý khẩn cấp 11 tuyến đê xung yếu bị tràn và lở. Đầu tư xây dựng trụ sở UBND xã Nam Phương Tiến; tu bổ 5 di tích lịch sử văn hóa và nhà văn hóa bị xuống cấp.

Về lâu dài, ông Hùng chia sẻ địa phương cùng với thành phố đang tính toán cải tạo, nâng cấp cả đê tả Bùi và hữu Bùi bằng cừ bê tông dự ứng lực. Từ nay đến năm 2019, Hà Nội thí điểm đầu tư một đoạn đê xung yếu nhất của đê tả Bùi có chiều dài khoảng 1.500 m, từ cầu Bến Cốc đến hết tràn Thanh Bình.

Bên cạnh đó, theo Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ: việc di dời hàng chục nghìn hộ dân trong vùng lũ này là phương án tốt nhất cũng đã được tính đến. Tuy nhiên, di dân cũng cần tính tới tâm lý, phong tục tập quán sinh sống, sản xuất cho người, tìm khu vực mới để dân ổn định.