Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an (ảnh IT).
Sáng nay (8.8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 26, tại phiên khai mạc này Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) do Chính phủ trình đã kế thừa Luật Đặc xá hiện hành, quy định 3 thời điểm đặc xá gồm: nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt.
Về đặc xá trong trường hợp đặc biệt, theo bà Lê Thị Nga, báo cáo tổng kết Luật Đặc xá trong 10 năm qua chỉ có 14 người được đặc xá thuộc trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước và quá trình thực hiện không phát sinh vướng mắc. Do đó, tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục giao cho Chủ tịch nước quyền chủ động quyết định mà không quy định cụ thể thế nào là “trường hợp đặc biệt”.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật chỉnh lý đã quy định rõ các đối tượng được đặc xá trong trường hợp đặc biệt gồm: người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được hưởng án treo, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người đang được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người đang chấp hành án phạt tù chung thân để phân biệt với các đối tượng được đặc xá nhân ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng bày tỏ băn khoăn về quy định liên quan đặc xá trong trường hợp đặc biệt khi mở rộng với đối tượng bị tù cho hưởng án treo, người đã được tha thù trước thời hạn có điều kiện. “Đối tượng được hưởng chính sách trên về bản chất là hưởng chính là khoan hồng, nay quy định cho hưởng đặc xá thì có chồng chéo về chính sách hay không?”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đặt vấn đề.
Trả lời câu hỏi trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đặc xá trong trường hợp đặc biệt là đáp ứng yêu cầu về chính trị, đối nội, đối ngoại và thực tế rất ít đối tượng được hưởng ân huệ này từ Chủ tịch nước. Do tính chất “đặc biệt” nên việc mở rộng với đối tượng không ảnh hưởng gì đến chính sách khoan hồng và vẫn đảm bảo được yêu cầu đặt ra.
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an giải thích thêm, trong trường hợp đặc biệt có thể đặc xá hai đối tượng này vì hình phạt tù cho hưởng án treo là đối với những đối tượng phạm tội ít nghiêm trọng, đang thi hành án tại cộng đồng, gia đình. Còn đối tượng được tha tù trước thời hạn có điều kiện vẫn cần được xem xét đặc xá vì bản chất tha tù trước thời hạn có điều kiện là thay đổi phương thức quản lý, tiếp tục thi hành tại gia đình, tại cộng đồng. Do đó, quan điểm của ban soạn thảo là hai trường hợp này đủ điều kiện được xem xét đặc xá trong trường hợp đặc biệt.