Cụ thể, ông Lữ Ngọc Cư, nguyên Giám đốc công an, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lăk thay thế bà Thảo giữ chức Phó Tổng Giám đốc thường trực Tập đoàn Trung Nguyên.
Chia sẻ với Dân Việt, bà Thảo cho rằng, suốt 20 năm qua, bà là Phó Tổng Giám đốc thường trực tại Tập đoàn Trung Nguyên, vị trí thứ 2 chỉ sau ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Hai người đã cùng gây dựng cơ nghiệp từ số 0 lên số 1, bôn ba khắp nơi để đưa Trung Nguyên và G7 vươn ra thế giới.
Thế nhưng, khi ông Lữ Ngọc Cư, một người từng bị bãi nhiệm chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, thay thế vị trí Phó Tổng Giám đốc thường trực, bà Thảo đặt câu hỏi: “Tại sao 1 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê như Trung Nguyên lại bất ngờ chọn cựu giám đốc công an vào vị trí quyền lực thứ 2 sau anh Vũ?".
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo xác nhận với Dân Việt, sáng nay, vị trí Phó Tổng Giám đốc Thường trực Tập đoàn Trung Nguyên đã có người thay thế. (Ảnh tư liệu)
“Là đồng sáng lập và đồng sở hữu Tập đoàn Trung Nguyên, cũng là người được Tòa án Nhân dân TP.HCM tuyên bố khôi phục vị trí này từ tháng 9.2017, tôi đã gửi công văn phản đối quyết định bổ nhiệm này?”, bà Thảo viết.
“Tôi xin gửi đơn cầu cứu khẩn thiết đến Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng! Xin hãy cứu lấy 1 thương hiệu quốc gia, 1 doanh nghiệp có hàng ngàn lao động và 1 gia đình. Quan trọng hơn cả, xin cứu lấy 1 mạng người là chồng tôi!”, bà Thảo tiếp.
Trước đó, bà Thảo cũng nhiều lần gửi thư cầu cứu khắp nơi, mong được hỗ trợ giải quyết những tranh chấp trong nội bộ Tập đoàn Trung Nguyên và các vấn đề liên quan đến sức khỏe chồng bà, là ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Mối quan hệ cả trong gia đình và điều hành doanh nghiệp của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo rơi vào cảnh “lộn xộn”, tốn nhiều giấy mực của báo chí trong thời gian qua.
Trước đó, tháng 4.2015, Tập đoàn Trung Nguyên ra quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc Thường trực của bà Thảo tại TNG. Việc bãi nhiệm này đã đẩy bà Thảo ra khỏi cương vị của người đồng sáng lập, quản lý và điều hành của Tập đoàn. Trong thời gian này, bà Thảo vẫn tiếp tục điều hành Công ty Trung Nguyên International (TNI) có trụ sở tại Singapore.
Đến tháng 11.2015, TNG tiếp tục tổ chức họp hội đồng quản trị để tiếp tục bãi nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc và người đại diện theo pháp luật của bà Thảo tại Trung Nguyên IC.
Sau nhiều năm vắng bóng, mới đây ông Đặng Lê Nguyên Vũ xuất hiện tại một sự kiện được cho là đậm tính tâm linh của Tập đoàn Trung Nguyên.
Trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 4.2016, TNG tiếp tục bãi nhiệm bà Thảo khỏi các chức danh Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Đặng Lê, thay đổi người đại diện theo pháp luật của Trung Nguyen IC từ bà Thảo sang ông Vũ…
Đến tháng 7.2017, TNG đệ đơn lên Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Giang yêu cầu bà Thảo trao trả nhà máy cà phê Bắc Giang. Đây là nhà máy duy nhất của Trung Nguyên mà bà Thảo đang điều hành để xuất khẩu các sản phẩm cà phê G7 ra quốc tế. TNG cũng yêu cầu bà Diệp Thảo bồi thường số tiền 1.709 tỷ đồng vì gây thiệt hại cho Trung Nguyên IC (Công ty đang quản lý nhà máy cà phê Bắc Giang).
Ngày 22.9.2017, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã có phán quyết khôi phục tư cách Phó Tổng Giám đốc của bà Thảo tại TNG. Tuy nhiên, ngày 10.10.2017, TNG đã gửi đơn kháng cáo bản án này và tiếp tục ra Quyết định bãi nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc thường trực của bà Thảo.
Ngày 7.2.2018, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án. Nhưng ngay trước phiên xét xử, TNG đã có đơn xin hoãn phiên tòa phúc thẩm. Mới đây nhất, ngày 4.8.2018, cả ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đều xuất hiện tại tòa án nhân dân TP.HCM để hòa giải li hôn. Tuy nhiên, vụ hòa giải bất thành khi cả hai chưa đồng thuận trong vấn đề cấp dưỡng cho 4 người con chung.
Một góc quán cà phê King của bà Lê Hoàng Diệp Thảo vừa khai trương cuối tuần qua tại TP.HCM.
Dù bận rộn với những vụ kiện kéo dài, cuối tuần qua, bà Thảo cũng đã chính thức đưa chuỗi quán King Coffee tiến về TP.HCM. Quán cà phê King Coffee này nằm tại vị trí được coi là “thánh địa” cà phê Sài Gòn lâu nay (khu vực đường Đồng Nai, P.15, Q.10, TP.HCM).
Trong khi đó, Trung Nguyên năm nay cũng lần đầu tiên được Forbes Việt Nam xếp vị thứ 32 trong TOP 40 doanh nghiệp có giá trị nhất Việt Nam. Forbes Việt Nam định giá Tập đoàn Trung Nguyên ở mức 42 triệu USD.