Sáng 9.8, tại trụ sở Báo Lao Động đã diễn ra buổi Tọa đàm trực tiếp chặn đứng tiêu cực thi cử, giữ môi trường giáo dục trong sạch. Trong đó, có sự tham gia của Tiến sĩ Phương pháp giảng dạy Toán học Lê Thống Nhất; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - Lê Tất Thắng; Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An và Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) Mai Văn Trinh.
Toàn cảnh buổi tọa đàm.
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến đã được đưa ra thảo luận, trong đó có chủ đề nhiều người quan tâm là việc liệu điểm thật của các thí sinh tại Sơn La, Hòa Bình có được trả lại hay không. Bởi lẽ hiện nay, với quyết định tạm sử dụng điểm cho các thí sinh tại hai tỉnh phát hiện gian lận này, có nhiều "suất" vào đại học của các thí sinh khác đang bị "chiếm đoạt".
Ông Mai Văn Trinh cho hay: "Trước mắt, sẽ tạm thời chấp nhận kết quả hiện tại của kỳ thi, có những điều trong quá trình điều tra tôi không thể nào chia sẻ được hết. Thế nhưng về mặt quan điểm, Bộ trưởng Tô Lâm cũng như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ rất quyết tâm để xác minh sự việc. Tôi chỉ có thể hé lộ rằng hiện tại đã tìm được danh sách, cũng như Bộ Công an đang áp dụng các biện pháp công nghệ cao để tìm ra điểm thật của các thí sinh".
Tiến sĩ Lê Thống Nhất khẳng định, việc tìm ra điểm thật của các thí sinh là không quá khó. "Tôi không phải là chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ chấm thi. Tuy nhiên, khi hỏi các thầy giáo có kinh nghiệm về việc này, thì trong quá trình sửa điểm ắt phải sử dụng 2 bút chì khác nhau, qua quang phổ học có thể xác minh được việc bút chì nào là bút chì để sửa và bút chì nào là của thí sinh. Vì vậy có thể tìm ra được điểm thật để trả lại cho thí sinh”.
Ông Mai Văn Trinh là người đã dẫn đầu Tổ công tác để có mặt tại Hà Giang và Sơn La - hai địa phương tìm ra sai phạm khá nhanh kể từ khi bắt đầu làm việc. Ông Trinh chia sẻ: "Là tổ trưởng tổ công tác, chúng tôi có vai trò chỉ đạo giám sát và hướng dẫn ban chỉ đạo thi cấp tỉnh rà soát lại các khâu tổ chức kỳ thi. Với tư cách là người am hiểu kỳ thi này, nên khi di chuyển lên Hà Giang tôi đã hình thành ra các vấn đề. Có 6 nhóm vấn đề tương ứng với 6 khâu có thể dễ xảy ra vi phạm. Sau khi họp bàn, chúng tôi đã đồng loạt triển khai 6 khâu này để tìm ra sai phạm. Làm việc nguyên một ngày, tới 2h45 sáng ngày hôm sau đối tượng đã bắt đầu khai nhận.
Tâm trạng của tôi là cực phẫn nộ khi phát hiện ra chuyện sai phạm này. Thứ 2 là lo lắng, liệu có tìm ra được thủ phạm, có trả lại điểm thi cho thí sinh hay không. Để tìm ra chân tướng sự việc, tổ công tác và Sở GDĐT địa phương đã phải có những buổi họp vào giữa đêm.
Trong quá trình đó chúng tôi luôn nhận được sự động viên của Bộ trưởng, gọi điện lúc 1-2h sáng Bộ trưởng cũng nghe máy, không ngủ để theo dõi hoạt động của tổ công tác. Chúng tôi vượt qua nhiều áp lực để đạt được kết quả như vậy”.
Nói về trách nhiệm của địa phương trong các sai phạm, TS Lê Thống Nhất bày tỏ sự bức xúc khi ông chưa thấy bất kỳ một lãnh đạo địa phương nào lên tiếng nhận trách nhiệm hoặc xin lỗi về việc đã để xảy ra sai phạm. Thậm chí nhiều người còn nắm vị trí trưởng ban tổ chức thi tại địa phương. "Tại sao những người phạm tội lại có cơ hội để thực hiện hành vi, có hay không chuyện tạo điều kiện cho đối tượng phạm tội, những người gián tiếp tạo điều kiện cho sự phạm tội cần phải nhận trách nhiệm.
Ngoài ra, người tham mưu cho Bộ trưởng Bộ GDĐT sử dụng phầm mềm chấm thi yếu kém này cũng phải nhận trách nhiệm", TS Lê Thống Nhất nói.
Tiến sĩ Bùi Thị An cũng ủng hộ quan điểm trên: "Đồng ý với việc Bộ GDĐT đã vào cuộc quyết liệt, nhưng phải làm rõ trách nhiệm của tập thể và người đứng đầu chứ không thể chỉ tập trung vào các cá nhân".
Ông Phạm Tất Thắng đồng tình: “Địa phương đã được Bộ GDĐT ủy quyền, nhưng đã quy định rõ trách nhiệm của địa phương hay chưa? Với các địa phương, rõ ràng là đơn vị trực tiếp tổ chức kỳ thi này, có sự phối hợp liên ngành chặt chẽ nhưng dường như sự kiểm tra của lãnh đạo địa phương còn chưa chặt chẽ. Bởi một tác nhân có thể tác động được vào rất nhiều khâu của quá trình tổ chức, chấm thi. Như vậy, trách nhiệm kiểm tra giám sát của địa phương chưa thực sự cẩn thận".
“Có sự phân cấp rất rõ ràng về trách nhiệm, xem xét lại trách nhiệm của địa phương. Quan điểm của Bộ là phối hợp với các bộ, ngành đều xác định điều tra làm rõ các đối tượng tham gia, nhà giáo hay không phải nhà giáo để xử lý đúng người, đúng việc”, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Mai Văn Trinh chia sẻ.