Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) - Bộ NNPTNT cho biết như vậy tại Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN “Thịt mát - Yêu cầu kỹ thuật”, áp dụng cho thịt lợn, tổ chức tại TP.HCM sáng ngày 10.8.
Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Tiêu chuẩn quốc gia TCVN “Thịt mát - Yêu cầu kỹ thuật” tại TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ
Theo Nafiqad, việc làm rõ sự khác biệt giữa sản phẩm thịt tươi ( thịt ấm), thịt mát và thịt đông lạnh là việc làm đón đầu trong công tác quản lý, giúp minh bạch và thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh.
Trước ý kiến cho rằng thị trường vẫn tồn tại dạng sản phẩm được hạ nhiệt độ sau khi cấp đông để bán cho người tiêu dùng, dòng sản phẩm này có thể gặp tại siêu thị.
Ông Tiệp hỏi ngược lại: “Nhưng họ có dám nhận đó là thịt mát hay không? Phải phân biệt 3 loại thịt này một cách biệt. Không có chuyện rã đông thì thành thịt mát. Như thế là đánh lừa khái niệm với người tiêu dùng".
Người Việt vẫn có thói quen dùng thịt ấm. Ảnh: Nguyên Vỹ
Ông Nguyễn Thanh Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty Chăn nuôi nông nghiệp Việt Úc cho rằng, việc soạn thảo tiêu chuẩn cho thịt mát phải thực hiện luôn với thịt đông lạnh. Hiện nay, tiêu chuẩn từ mát qua đông và ngược lại chưa có.
Ông Tiệp cho biết, hiện đã có tiêu chuẩn cho thịt tươi và thịt đông lạnh. Nafiqad sẽ tiếp tục sửa đổi bổ sung dự thảo để đáp ứng được các tiêu chuẩn nền về chất lượng, an toàn thực phẩm. Riêng tiêu chuẩn thịt mát là để nâng tầm một dòng sản phẩm thịt lợn chất lượng cao.
“Việc chúng ta chuẩn hóa tiêu chuẩn về thịt mát là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, tạo cơ sở pháp lý và kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh nguồn thịt an toàn, chất lượng cao cho người dân, nhưng đồng thời cũng phục vụ cho xuất khẩu thịt sau này", ông Tiệp nói.
“Nếu sản phẩm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật trong toàn bộ quá trình từ giết mổ, pha lọc đến bảo quản, bày bán thì mới được ghi nhãn thịt mát để minh bạch thông tin cho người tiêu dùng” - ông Tiệp nhấn mạnh.
Tiêu chuẩn thịt mát là để nâng tầm một dòng sản phẩm thịt lợn chất lượng cao. Ảnh: Nguyên Vỹ
Theo Nafiqad, trong năm 2018 đơn vị này thực hiện xây dựng yêu cầu kỹ thuật đối với thịt lợn, các nhóm thịt khác sẽ thực hiện sau năm 2018.
Các yêu cầu kỹ thuật trong tiêu chuẩn chỉ đề cập đến các nội dung có liên quan tới các tiêu chí về chất lượng, an toàn thực phẩm và một số yêu cầu tối thiểu về quy trình sản xuất có ảnh hưởng trực tiếp tới bản chất của sản phẩm và chất lượng của nó.
Các yêu cầu có liên quan tới điều kiện nhà xưởng, trang thiết bị (phần cứng) không thuộc phạm vi đề cập trong tiêu chuẩn này. Các yêu cầu này có quy định trong quy chuẩn riêng đối với các cơ sở chế biến thực phẩm có nguồn gốc động vật đang được Bộ NNPTNT giao cho Nafiqad triển khai xây dựng từ năm 2018.
Phạm vi áp dụng của tiêu chuẩn này là sản phẩm thịt lợn, không áp dụng đối với nội tạng của lợn.
Dự thảo TCVN về thịt mát ra đời để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dùng, hạn chế tình lây nhễm mềm bệnh . Ảnh: Nguyên Vỹ
Theo dự kiến, sau khi lấy ý kiến lần cuối dự thảo TCVN về thịt mát, Bộ NNPTNT sẽ hoàn thiện, gửi Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chấl lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) để thẩm định, sau đó sẽ hoàn thiện để chính thức ban hành dự kiến vào cuối tháng 9.2018.
Theo dự thảo, sản phẩm đạt tiêu chuẩn thịt mát phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Đó là, sau khi thân thịt con lợn được giết mổ, làm sạch xong, thì phải đưa ngay vào kho lạnh để hạ nhiệt độ thân thịt xuống từ 0°C - 4°C trong thời gian từ 16-24h để đảm bảo quá trình chín sinh hóa. Sau đó, thân thịt được đưa ra pha lọc, sơ chế trong điều kiện nhiệt độ phòng được làm lạnh, nhiệt độ thân thịt lúc đó yêu cầu không quá 7°C. Trong quá trình vận chuyển, bảo quản, bày bán cũng được yêu cầu bảo quản trong điều kiện nhiệt độ từ 0 - 4°C. |