Phát huy thế mạnh khuyến nông
Quán triệt tư tưởng dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, dạy nghề gắn với cây con chủ lực hoặc hiệu quả tại địa bàn, nhiều năm qua Chi cục PTNT tỉnh Lạng Sơn đẩy mạnh dạy các nghề nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi.
Ông Phạm Tuyến - Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh Lạng Sơn cho biết: Chi cục đã gửi công văn đăng ký nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp nông thôn năm 2018 cho UBND huyện, thành phố và các xã về đích nông thôn mới năm nay. Trong đó, định hướng nội dung dạy nghề đối với cây, con chủ lực hoặc có hiệu quả tại địa bàn gắn với mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất.
Đồng thời, triển khai ký kết hợp đồng với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Bắc Sơn để tổ chức dạy nghề.
Một lớp dạy nghề chăn nuôi cho lao động nông thôn ở huyện Đình Lập. ảnh: Thùy Anh
Hiện nay, chi cục đang tổ chức dạy 9 nghề cơ bản gồm: Kỹ thuật chăn nuôi lợn, dê, gà, cá nước ngọt, kỹ thuật trồng hồi, trồng cây ăn quả, trồng rừng kinh tế, trồng rau an toàn, trồng lạc. Được biết, hết năm 2017 đơn vị này đã mở được 13 lớp dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (LĐNT), thu hút trên 440 LĐNT tham gia học nghề nông nghiệp, đạt 100% kế hoạch đề ra. Trong 6 tháng đầu năm 2018 đơn vị đã tổ chức dạy được 8 lớp nghề trồng cây ăn quả, chăn nuôi thú y.
Chị Vi Thị Oanh, thôn Quang Hòa (xã Cường Lợi, huyện Đình Lập, Lạng Sơn) cho biết: “Vừa rồi, tôi được học lớp kỹ thuật chăn nuôi gà do Trung tâm Khuyến nông tỉnh dạy. Sau khi học xong, tôi vay tiền mua một lứa gà để nuôi theo phương pháp được học. Hiện tại gà đang sinh trưởng, phát triển tốt, hy vọng sẽ kịp bán dịp tết”.
Theo đánh giá của Chi cục PTNT tỉnh, qua học nghề, có khoảng 80% học viên biết áp dụng kiến thức, kỹ năng được học vào thực tế sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động. Để chủ động mở các lớp dạy nghề nông nghiệp cho LĐNT trong năm 2018, chi cục đặt mục tiêu phối hợp với các đơn vị khác mở 123 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT với hơn 4.300 người tham gia.
Trong đó có 75 lớp dạy nghề trồng trọt cho trên 2.620 người học; 48 lớp dạy nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản cho trên 1.680 người tham gia.
Mở rộng dạy nghề phi nông nghiệp
Ngoài dạy nghề nông nghiệp, thời gian gần đây tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh dạy nghề phi nông nghiệp nhằm giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh nhà.
Bà Trương Thị Hợp - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Lạng Sơn cho biết: Trong những năm qua, ngành LĐTBXH luôn
Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020” được triển khai từ tháng 1.2011. Qua thực hiện, đề án đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỷ lệ tự tạo việc làm và giải quyết việc làm tăng cao, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. |
thực hiện đạt và vượt 3 chỉ tiêu chính theo nghị quyết HĐND tỉnh, đó là: Chỉ tiêu giảm nghèo bền vững 3%/năm; chỉ tiêu về đào tạo nghề tăng 2%/năm và chỉ tiêu 12.500 lao động có việc/năm. Riêng năm 2017, toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào nghề được hơn 9.000 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45,5%, tăng 2,1%. Số LĐNT học nhóm nghề phi nông nghiệp đạt trên 70%, tỷ lệ LĐNT có việc làm sau học nghề đạt trên 80%, chủ yếu tự tạo việc làm.
Do lựa chọn nghề phù hợp nên công tác đào tạo nghề đã đáp ứng được cho hầu hết số học viên sau khi kết thúc khóa học. Một số trung tâm giáo dục nghề nghiệp sau khi sáp nhập đã dần ổn định.
Bà Hợp cho biết: “Một số ngành, nghề đào tạo đã mang lại hiệu quả cao, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực nông thôn như: Lớp kỹ thuật sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi lợn nái, chăn nuôi gà, kỹ thuật trồng cây, trồng rau an toàn… ”.
Ông Đinh Quang Trí - Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐTBXH Lạng Sơn cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tuyển sinh học sinh về học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, cơ cấu đào tạo nghề của tỉnh hiện nay chưa hợp lý, chủ yếu đào tạo nhóm nghề nông nghiệp, thiếu nhóm nghề phi nông nghiệp như: Dịch vụ khách sạn, nhà hàng, nghiệp vụ du lịch…
“Thời gian tới, chúng tôi làm việc với các đơn vị hướng tới việc dạy nghề trọng điểm, mở rộng liên kết với doanh nghiệp. Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề” – ông Chí nói.