Dân Việt

Hủ tiếu - món ăn gây thương nhớ khi đến miền Tây mùa nước nổi

Huyền Thanh (Tổng hợp) 13/08/2018 10:02 GMT+7
Nhắc đến miền Tây là nhắc đến “mùa nước nổi” - đây dường như là biểu tượng “nhận biết” của vùng đất đep nên thơ này. Đến đây, bạn cũng đừng bỏ qua món hủ tiếu ngon trứ danh mà nhiều người ăn rồi cứ lưu luyến mãi không quên.

Pizza hủ tiếu Cần Thơ

Cách trung tâm TP.Cần Thơ khoảng 4km (theo hướng đi Cái Răng), đến dưới chân cầu Rau Răm rồi rẽ phải dọc theo con đường nhựa dài khoảng 500m sẽ đến lò hủ tiếu Sáu Hoài nổi tiếng với món ngon có tên rất lạ “Pizza” hủ tiếu. Đây là đặc sản độc đáo ở xứ Tây Đô, được nhiều du khách biết đến, nhất là khách nước ngoài.

img

Pizza hủ tiếu - món ăn lạ miệng và hấp dẫn với thực khách khi đến Cần Thơ. Ảnh: Lozi

Khách đến quán sẽ được tham quan cơ sở làm hủ tiếu truyền thống, thăm vườn cây ăn trái và được thưởng thức những món ăn được chế biến từ sản phẩm hủ tiếu của lò như: hủ tiếu nước thịt heo xương, hủ tiếu chiên giòn, hủ tiếu chiên giòn thịt khìa, sữa nước cốt dừa… Trong đó, 2 món được mọi người ưa chuộng nhất khi đến đây vì ngon và lạ, đó là: hủ tiếu chiên giòn và hủ tíu chiên giòn thịt khìa, sữa nước cốt dừa, món này còn có tên rất tây “Pizza” hủ tiếu.

Sợi hủ tiếu có màu trắng ngà, làm từ loại gạo ngon. Cách chế biến món pizza hủ tiếu có phần cầu kỳ hơn cả. Sợi hủ tiếu ướp với tiêu, đường rồi được cho vào chảo dầu sôi. Hủ tiếu chuyển vàng và giòn là có thể vớt ra. Sau đó, đầu bếp sẽ cho thêm lên trên một ít hành lá, chà bông hoặc thịt trứng, kèm đậu phộng và nước cốt sữa dừa. Mỗi phần ăn có giá từ 30.000 đồng.

Hủ tiếu patê Bến Tre

Hủ tiếu là một trong những món ăn đặc trưng rất được yêu thích ở đất dừa Bến Tre. Ở đây người ta có thể ăn hủ tiếu tối ngày, từ hủ tiếu chay, hủ tiếu bò viên, hủ tiếu xương heo đến hủ tiếu thập cẩm… Và cũng duy chỉ có ở Bến Tre mới có món hủ tiếu không đụng hàng: hủ tiếu patê.

img

Sự khác biệt của món hủ tiếu này nằm vỏn vẹn trong lát pa tê xếp gọn gàng trên mặt tô. Ảnh: I.T

Món này có cái tên khiến khách phải tò mò và tưởng tượng ra một tô hủ tiếu ăn cùng miếng patê gan mềm xốp tan trong nước lèo. Chỉ khi được nhìn tận mắt và thưởng thức tận miệng, bạn mới thấy được sự sáng tạo và tinh tế của người Bến Tre khi làm ra loại hủ tiếu này.

Patê ở đây không phải là loại ăn cùng bánh mì mà là một loại chả nguội. Chả dai và giòn sần sật, được làm từ thịt, lưỡi, mỡ và da heo. Lâu dần thành quen, người địa phương ăn hủ tiếu phải có miếng patê dai dai giòn giòn mới đúng điệu.

Mà đâu chỉ có pa tê, tô hủ tiếu đầy đủ còn kèm thịt nạc xắt lát, bao tử giòn, lát gan mỏng, phèo non và đôi khi còn có cả tôm lột, nhìn hấp dẫn vô cùng. Nước lèo thì ngọt béo, đậm đà vị thịt, rau ăn kèm có giá, xà lách tươi xanh. Một tô hủ tiếu như vậy có giá khoảng tầm 25.000 - 30.000 đồng.

Hủ tiếu Sa Đéc, Đồng Tháp

Sa Đéc là một địa danh có nhiều món ăn ngon được lưu truyền vượt thời gian như: lẩu bò, hủ tiếu Sa Đéc, nem, chả lụa…Đặc biệt hủ tiếu ở đây đã vang danh gần như khắp nước. Nó được những người sành ăn, các nhà nghiên cứu thừa nhận. Nhưng ở Sa Đéc còn có một thứ hủ tiếu nữa ít thấy ai nhắc đến mà lại rất ngon, đó là hủ tiếu vò viên. Theo nhiều thực khách, hủ tiếu vò viên ở đây rất ngon, mà cái ngon đó được tổng hợp từ các thứ: nước xúp, bò vò viên và cả từng sợi hủ tiếu nữa.

img

Sa Đéc nổi tiếng với món hủ tiếu bò viên. Ảnh: I.T

Sợi hủ tiếu Sa Đéc khi nấu chín thì có độ dai vừa phải làm cho thực khách khi ăn cảm nhận được cái ngon của từng sợi hủ tiếu. Còn vò viên có độ dai vừa phải, khi ăn có vị thơm, ngọt, hơi cay, phảng phất mùi bò. Khi cắn vào một miếng bò vò viên ở Sa Đéc thực khách lập tức có sự so sánh giữa viên vò nơi đây và nơi khác, và sẽ không tiếc lời khen.

Hủ tiếu Nam Vang

Hủ tiếu Nam Vang được cho là món ăn của người Hoa chế biến bán đầu tiên ở Nam Vang (nay là thủ đô Phnom Penh, Campuchia), sau này được người Việt mang về và chế biến lại với sợi nhỏ.

Nhìn bề ngoài, hủ tiếu Nam Vang có vẻ giống hủ tiếu Mỹ Tho nhưng khác nhau ở cách chế biến. Hủ tiếu của nước bạn không ninh xương làm nước dùng mà dùng thịt bằm nhuyễn ninh cùng nước để tạo độ ngọt và béo.

Điểm dễ nhận ra của một tô hủ tiếu Nam Vang chính gốc là ăn cùng lòng heo. Nhiều nơi chế biến thêm tôm, cua, cá, mực… nhưng nhất thiết phải có thịt bằm.

Hủ tiếu Mỹ Tho, Tiền Giang

Nhìn qua, hủ tiếu Mỹ Tho cũng na ná các món ăn cùng loại, với thành phần chính là sợi hủ tiếu, nước dùng và nguyên liệu ăn kèm. Nhưng chỉ đến khi ăn thử, bạn mới cảm nhận được sự khác biệt rất riêng của món ăn này.

Đặc điểm của sợi hủ tiếu Mỹ Tho là cọng nhỏ, khô, dai và giòn giòn thơm ngon, mang nét đặc trưng không lẫn với hủ tiếu ở một nơi nào khác. Nguyên liệu ăn kèm khá phong phú nên thực khách có thể thoải mái lựa chọn thịt nạc, lòng, xương hay hải sản... tùy theo ý thích. Ngoài hai thành phần đó, cái hấp dẫn người ăn nhất chính là nước dùng. Ngoài vị ngọt của nước hầm xương, còn có cái mằn mặn của tôm khô, ngọt nhẹ của củ cải, tạo cảm giác dìu dịu nơi đầu lưỡi khi thưởng thức.

Khi chế biến, sợi hủ tiếu được chần sơ qua nước sôi, các loại rau như hẹ, xà lách, giá được cho lên trên, tùy yêu cầu người ăn mà chủ quán có thể cho xương, lòng hoặc hải sản vào, chan ngập nước dùng. Rắc thêm một ít hành phi và tiêu lên trên, bạn sẽ được thưởng thức một tô hủ tiếu thơm và ngon theo đúng điệu của dân miền Tây.

Xem thêm: Củ ấu miền Tây - món quà vặt ngọt bùi của trẻ con vùng quê