Dân Việt

XKLĐ Hàn Quốc: Để ngẩng cao đầu xuất cảnh

14/12/2011 08:20 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày 17 và 18.12, kỳ kiểm tra tiếng Hàn lần 9 sẽ diễn ra tại 5 tỉnh, thành trong cả nước. Cơ quan an ninh khẳng định, kỳ kiểm tra này sẽ thực sự dành cho lao động giỏi tiếng Hàn, giỏi tay nghề có thể ngẩng cao đầu xuất cảnh.

Nhiều trò thi hộ, thi kèm

Cục A83, Bộ Công an, đơn vị trực tiếp phối hợp với Bộ LĐTBXH đảm bảo an ninh, an toàn cho các kỳ kiểm tra tiếng Hàn. Trao đổi với NTNN, đại tá Lê Vân - Phó Cục trưởng Cục A83 (Bộ Công an) cho biết, qua các kỳ thi trước, bằng việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, Cục A83 đã phát hiện nhiều đối tượng là người lao động từng đi làm việc tại Hàn Quốc, kể cả các giáo viên dạy tiếng Hàn tại các trung tâm trà trộn vào kiểm tra với mục đích thi kèm, thi hộ.

img
Giáo dục định hướng cho lao động trước khi xuất cảnh.

Các phương thức, thủ đoạn của những kẻ gian lận là dùng người thi hộ, nhắn đáp án vào điện thoại di động cho thí sinh dự thi. Các đối tượng này đã đăng ký tham gia rất nhiều kỳ thi, hứa hẹn giúp lao động vượt qua kỳ thi theo quy định của Hàn Quốc.

"Hầu như các đối tượng đều lợi dụng tâm lý muốn được đi nhanh của lao động để thu tiền bất chính. Và tình trạng này phổ biến ở hầu khắp các tỉnh"- đại tá Lê Vân cho biết.

Tính trung bình, mỗi kỳ thi có hàng vạn người, chỉ riêng 1/3 số người trong số đó có nhờ vả đã nộp cho những đường dây lừa đảo số tiền rất lớn, lên tới hàng triệu USD. "Người lao động tuyệt đối không nghe theo các đối tượng bên ngoài hứa hẹn đi nhanh.

Những người có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc khi nhận được đề nghị giúp thi tiếng Hàn, cần liên hệ phản ánh với cơ quan điều tra hoặc cơ quan công an nơi gần nhất và đơn vị quản lý lao động địa phương để sớm làm rõ, ngăn chặn các hành vi lợi dụng trục lợi"- đại tá Lê Vân nhấn mạnh.

Người lao động cần hiểu biết

Ông Phan Văn Minh - Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước thì tiết lộ: "Vừa qua, ở Thái Bình, cán bộ giám sát của chúng tôi đã bí mật vào vai một lao động đi đăng ký thi tiếng Hàn và được ngay cán bộ phụ trách đăng ký "gạ", nếu cần thì nộp 1.500 USD sẽ đảm bảo thi đỗ, thi xong nộp 5.500 USD nữa sẽ được chọn và xuất cảnh sớm. Sau đó, cán bộ của chúng tôi đã kiểm tra và làm việc với lãnh đạo Sở, yêu cầu xử lý trường hợp này".

Chị Lê Thị Thuận- cán bộ phòng tuyển chọn, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) chia sẻ: Bản thân chị trực tiếp làm công tác tuyển chọn nhưng tư vấn mà người nhà… không nghe mà lại nghe cò, nộp tiền cho cò để được đi nhanh mà không cần học tiếng, không cần tay nghề. "Chính vì tâm lý này nên người lao động bị mất tiền rất nhiều"- chị Thuận nói.

Ông Minh cũng cho biết, thực tế, các địa phương khác cũng có tình trạng lừa đảo lao động để trục lợi như thế. Đặc biệt là ở Nghệ An khi có thông tin hàng ngàn lao động chưa từng học tiếng Hàn nhưng vẫn đăng ký tham gia kỳ kiểm tra. Bản thân lao động cũng bị o ép, khiến cho những người đủ điều kiện có tay nghề cũng buộc phải chi tiền cho cò.

"Chính vì thế, chúng tôi đã chuyển toàn bộ số lao động đăng ký ở Nghệ An ra Hà Nội kiểm tra để đảm bảo chỉ người thực sự học tiếng Hàn mới có thể qua được kỳ thi"- ông Minh nói.

Ông Nguyễn Xuân An- Phó Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ cũng chia sẻ, những năm 2005-2006, để đảm bảo uy tín về lao động khi xuất cảnh theo Chương trình EPS, Bộ LĐTBXH chủ trương chọn lao động là học sinh đã tốt nghiệp hoặc đang học trong các trường nghề, được đào tạo tiếng Hàn bài bản và có kỷ luật tốt.

Từ năm 2008, đối tượng tuyển mở rộng và việc kiểm tra tiếng Hàn cũng mở rộng, nhiều lao động ngại học, không có tay nghề nhưng muốn đi nhanh đã tìm mọi cách chạy chọt. Khi sang Hàn Quốc thì thường bỏ trốn, ra ngoài làm việc để có mức lương cao hơn gây mất uy tín cho lao động Việt Nam. Vì vậy, kỳ kiểm tra này được kỳ vọng chấn chỉnh lại- trước hết là nhận thức nghiêm túc của lao động khi xuất cảnh vào thị trường này.

Bài cuối: Còn nhiều cánh cửa đang mở