Nhân dịp này, phóng viên Báo NTNN đã phỏng vấn ông Lê Thiết Cương- Chi cục trưởng Chi cục PTNT (Sở NNPTNT Hà Nội) về những kết quả ban đầu, cũng như kế hoạch xây dựng trong thời gian tới.
Phương châm “5 dân”
Sau hơn 1 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới ở 19 xã điểm của Hà Nội, ông có thể cho biết một cách khái quát những nét tiêu biểu mà các địa phương đã đạt được?
- Có thể nói, khi bắt tay vào xây dựng NTM, TP.Hà Nội đã xác định đây là một chương trình lớn, nên đã có những bước triển khai tương đối bài bản, căn cơ với phương châm “5 dân”: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi.
Làm đường giao thông nội đồng ở Thường Tín (Hà Nội). |
Bắt đầu từ xã điểm Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) do Ban Bí thư T.Ư chọn Hà Nội chọn ra 3 xã điểm là Đại Áng (Thanh Trì), Song Phượng (Đan Phượng) và Mai Đình (Sóc Sơn) để xây dựng dựa trên những kinh nghiệm đã được rút ra từ xã Thụy Hương.
Quan điểm của chúng tôi là vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, chứ không đợi cho đến khi một xã điểm xây dựng xong mới tổng kết. Từ quan điểm đó, bước đầu Hà Nội đã nhân ra 15 xã điểm nữa, như vậy đến nay tổng cộng, thành phố đang xây dựng NTM tại 19 xã điểm.
Song song với việc triển khai xây dựng 19 xã điểm, từ tháng 1.2010, Hà Nội cũng đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn trên toàn bộ 401 xã của thành phố. Dựa trên các kết quả khảo sát đó, UBND thành phố sẽ phê duyệt quy hoạch tổng thể, còn các huyện, các xã cũng dựa vào đó để lập đề án của huyện, xã mình.
Nhìn chung, nông thôn Hà Nội có nhiều “mẫu” khác nhau có những vùng vẫn thuần nông như ở Mỹ Đức, Ba Vì nhưng cũng có những không hẳn là nông thôn như Mỹ Đình, Xuân Đỉnh… Khi triển khai xây dựng, Hà Nội có phân tách các “mẫu” nông thôn khác nhau đó ra không, thưa ông?
- Đó là một câu hỏi rất hay và câu chuyện này cũng đã có một số cử tri ở huyện Thanh Trì, Từ Liêm hỏi. Có thể nói, về tiêu chí của xây dựng NTM là chung cho địa bàn cả nước, chứ không riêng Hà Nội. Tuy nhiên, ở Hà Nội có những đặc điểm khác, vì thế Chính phủ đã chọn Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh để xây dựng mô hình NTM ven đô.
Thực tế, nông thôn Hà Nội đang có cả vùng núi và cả đồng bằng. Nhưng quan điểm của chúng tôi là, trong xây dựng NTM, xã phải tôn trọng quy hoạch của huyện, huyện tôn trọng quy hoạch của thành phố, thành phố tôn trọng quy hoạch của T.Ư.
Với các xã nằm trong quy hoạch ven đô, trong đó có nhiều xã đã nằm trong quy hoạch tổng thể thủ đô đến năm 2030 là đô thị, nhưng không vì có quy hoạch đó, mà xã không xây dựng NTM. Đối với các xã này vẫn phải quy hoạch các vùng trồng rau, hoa, nhất là đường giao thông nông thôn, cầu cống vẫn phải xây dựng, chứ không để đường đất kéo dài hàng chục năm được.
Có nhiều xã nửa nằm trong đô thị, nửa nằm trong nông thôn, thì tùy thuộc vào địa bàn nào để có quy hoạch cho hợp lý. Nói chung là phải rất linh động.
Dân chỉ góp 10%
Hà Nội có nguồn lực rất mạnh, do đó cũng có sự đầu tư mạnh tay hơn so với các địa phương khác, vậy từ năm 2012 trở đi, Hà Nội sẽ triển khai đầu tư nguồn lực vào những công trình nào?
- Xây dựng NTM chủ yếu phát huy nội lực là chính, huy động sự đóng góp của dân. Tuy nhiên, không phải chúng ta bắt dân đóng góp cả, mà dân chỉ đóng góp có 10%. Từ thực tiễn đó, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vào các vấn đề như: Hoàn thành quy hoạch các xã NTM trong năm 2012, ưu tiên cho phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Cụ thể, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng chuyên canh như ở huyện Ứng Hòa, quy hoạch 300ha nuôi thủy sản chất lượng cao, huyện Mê Linh quy hoạch vùng trồng hoa chất lượng cao, đồng thời thành phố cũng sẽ quy hoạch vùng trồng lúa chất lượng cao, tập trung hỗ trợ các làng nghề theo hướng vừa khôi phục, vừa phát triển…
Theo ông, những khó khăn chính trong xây dựng nông thôn mới của Hà Nội hiện nay là gì?
- Hà Nội có tới 3 vùng sinh thái khác nhau gồm: Đồng bằng, miền núi và trung du. Do đó, trong công tác chỉ đạo không thể chung chung, mà phải rất cụ thể. Mặt khác, phải đào tạo nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, về năng lực quản lý, tài chính, xây dựng, bởi năng lực cán bộ của nhiều xã còn rất hạn chế, cùng một lúc phải gánh vác một khối lượng công việc lớn như vậy thì rất khó, nên chúng tôi đã tiến hành tập huấn cho cả 6.300 cán bộ từ huyện đến xã, thôn về công tác này.
Trong xây dựng NTM ở Hà Nội vẫn còn một số khó khăn như về cơ chế chính sách và một số tiêu chí khó thực hiện. Chẳng hạn như tiêu chí về giao thông nông thôn, không thể bình quân chỗ nào cũng giống nhau được.
Mặc dù Chính phủ cho phép các xã được sử dụng tiền đấu giá đất để làm kinh phí, nhưng không phải xã nào cũng có giá đất giống nhau, vì thế một số huyện đã có cách làm rất hay là lấy đất ở một số xã có giá đất cao, rồi điều tiết cho các xã khác, chứ không nhất thiết xã nào cũng phải đấu giá đất để làm NTM.
Xin cảm ơn ông!
Hải Hà- Việt Tùng (thực hiện)