Dân Việt

Phim Việt đang biến hình tượng mẹ chồng - mẹ vợ ngày càng tồi tệ?

Hà Tùng Long 15/08/2018 13:15 GMT+7
Chưa bao giờ phim Việt lại tràn ngập hình ảnh mẹ chồng ghê gớm đến vậy. Điều này khiến nhiều người lo ngại phim ảnh làm méo mó và tồi tệ hình tượng mẹ chồng trong đời sống.

Mẹ chồng "méo mó" tràn ngập màn ảnh nhỏ

Năm 2017, những tập đầu tiên của bộ phim truyền hình dài 34 tập “Sống chung với mẹ chồng” lên sóng VTV đã lập tức gây nên nhiều tranh cãi trái chiều khi xây dựng nhân vật mẹ chồng tai quái. Bản thân NSND Lan Hương – người thủ vai bà Phương (mẹ chồng) cũng sợ tới mức không dám xem lại những thước phim do mình đóng trong phòng dựng.

Riêng khán giả đã có không ít ý kiến lên án cách xây dựng nhân vật mẹ chồng thiếu thực tế, cường điệu hoá… tới mức làm méo mó hình ảnh mẹ chồng ngoài đời thực. Nhiều người thậm chí còn cho rằng, cách xây dựng nhân vật mẹ chồng như thế sẽ có những tác động tiêu cực đến xã hội.

img

Cảnh trong phim "Gạo nếp gạo tẻ".

Tuy nhiên, phim Việt vẫn không ngừng khai thác cách xây dựng nhân vật kiểu này để hút khách. Thậm chí, hình tượng nhân vật mẹ chồng - mẹ vợ càng lúc càng trở nên khủng khiếp khi xuất hiện liên tiếp trong các phim “Ngược chiều nước mắt”, “Cả một đời ân oán”, “Gạo nếp, gạo tẻ”, “Hạnh phúc không ở cuối con đường”…

Ăn theo “mô tuýp” mẹ chồng tai quái, bộ phim “Ngược chiều nước mắt” phát sóng tiếp nối phim “Sống chung với mẹ chồng” cũng đưa khán giả vào trạng thái căng thẳng khi xây dựng nhân vật bà Lâm (NSND Lan Hương “Em bé Hà Nội” thủ vai) là một bà mẹ lạnh lùng và tàn nhẫn.

Bà thiên vị với con trai cả và con trai thứ mà còn đối xử với con dâu thứ rất thậm tệ. Bà nhiều lần đẩy mối quan hệ vợ chồng con trai thứ đến bờ vực và luôn khiến con dâu bị tổn thương bởi những lời lẽ không ai nghĩ tới. Hiếm có bà mẹ chồng nào lại cay nghiệt, mắng con dâu là “vô liêm sỉ” rồi đi xem bói đổ tại con dâu, bắt con dâu ly hôn để gia đình yên ấm.

Nhân vật mẹ chồng trong “Cả một đời ân oán” do NSƯT Mỹ Uyên đảm nhận được xây dựng là một bà mẹ độc đoán và tệ bạc với con dâu. Trong phần 1 của phim, bà Lan luôn xuất hiện với gương mặt “sắc như dao cau”, xét nét mọi chuyện trong gia đình và khắt khe từ lời ăn tiếng nói đến cử chỉ với con dâu.

Chính bà đã đẩy vợ chồng hai cậu con trai đến mức ly tán. Ở phần 2, nhân vật này dù đã ít nhiều có sự chuyển biến nhưng cơ bản vẫn là một người mẹ chồng độc ác, tàn nhẫn và máu lạnh.

Nhân vật mẹ vợ trong “Gạo nếp, gạo tẻ” do NSND Hồng Vân đảm nhận cũng khiến nhiều khán giả “sôi máu” vì chưa bao giờ thấy một người mẹ nào gớm ghiếc, tai quái đến thế. Xuất thân là giáo viên về hưu nhưng bà có những hành xử vô cùng tồi tệ.

Đều là con đẻ nhưng bà thiên vị đứa này, ghét bỏ đứa kia, sỉ nhục con rể, khinh thường thông gia… Bà sẵn sàng vì tiền bạc vật chất mà tạo ra mọi cớ sự để con gái ly hôn chồng. Bà khiến cho cuộc sống gia đình trở nên ngột ngạt, đảo lộn, sụp đổ… Con gái và con rể không ít lần khổ đau, tủi nhục.

Đến mức độ, chính NSND Hồng Vân cũng phải thú nhận, lúc mới đọc kịch bản, chính chị cũng cuồng lên vì ghét nhân vật của mình. Thậm chí, khi bước vào quay, chị đã rất nhiều lần tranh cãi với đạo diễn Thạch Thảo vì chưa có bà mẹ nào mang tính cách kinh khủng như vậy. Chị không thể tin được trên đời này lại có một bà mẹ như thế.

Làm sai trách nhiệm của người làm phim

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, trong xã hội, ở đâu đó cũng có bà mẹ chồng thế này thế kia nhưng đó không phải là chuyện điển hình. Thứ nhất là vì người Việt Nam rất trọng tình nên dù có thế nào đi chăng nữa người mẹ nào cũng cố gắng để giữ được hòa khí trong gia đình. Nhất là thời đại bây giờ họ rất ít con, nên họ không đủ sức làm con trai tổn thương con trai mình, thường là họ nhịn đi.

img

NSND Lan Hương vào vai mẹ chồng tàn nhẫn trong "Ngược chiều nước mắt".

“Rõ ràng các nhà sản xuất đang ăn theo phim ăn khách “Sống chung với mẹ chồng” và họ làm sai trách nhiệm của người làm phim. Trách nhiệm của người làm phim là đưa ra những chuẩn đạo lý để người xem có so sánh mà tìm đường thoát cho mình hoặc học theo. Nhiệm vụ của văn nghệ là đưa ra những hình mẫu để hướng dẫn xã hội chưa không phải bày ra để xỉa xói ai đó.

Một số nước gần chúng ta hiện nay nói nhiều đến chuyện mẹ chồng vì người phụ nữ ở đó đang sợ cảnh sống gia đình. Vì một thời gian rất dài ở quốc gia của họ chỉ được sinh một người con và ai cũng tìm cách để đẻ con trai. Người con trai lúc nào cũng được mẹ chăm như “vua” nên một người con gái khác vào nhà thường bị các bà mẹ xem như người chiếm dụng con trai của mình.

Còn ở Việt Nam chúng ta bối cảnh đã khác. Người Việt thường trọng tình và trọng gia đình nên sẵn sàng hy sinh để gia đình được ấm êm. Các nhà làm phim chúng ta đang chạy theo những vấn đề ăn khách mà quên đi trách nhiệm của người làm phim, đó là một điều rất đáng buồn.

Ngày trước tôi đã từng gợi ý cho một nhóm biên kịch trẻ viết “Cuộc chiến hoa hồng” kể về một nhóm phụ nữ sống chung với mẹ chồng nhưng mỗi người đều gặp những trục trặc riêng. Cuối cùng cả mẹ chồng lẫn con dâu đều nhận ra quá yêu người đàn ông trong gia đình và họ đã tìm ra cách hóa giải để nuôi dưỡng tình yêu trong mái ấm của họ.

Tất cả cùng mong muốn người đàn ông ấy trở về, ngồi bên mình trong mỗi bữa cơm. Gia đình nào cũng có vấn đề nhưng phải tìm ra sự hòa hợp bởi gia đình không hòa hợp thì “tế bào” vỡ nát”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nói thêm.

Tiến sỹ Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội cho rằng, phim ảnh là bức tranh phản chiếu của đời sống xã hội. Dù có hư cấu, sáng tạo… đến đâu cũng phải góp phần xây dựng xã hội, làm cho mọi mối quan hệ xã hội tốt đẹp hơn và tác động tích cực đến nhận thức của mỗi người.

Việc khắc họa hình tượng nhân vật các bà mẹ độc đoán, tai quái, ghê gớm, tàn nhẫn… có thể làm cho bộ phim kịch tính hơn nhưng không nên quá lạm dụng bởi lạm dụng sẽ khiến cho mối quan hệ “mẹ chồng - nàng dâu” vốn sẵn định kiến lại càng trở nên định kiến hơn.

Và nguy hiểm hơn là đẩy các bi kịch gia đình lên cao trào, khó tìm ra hướng giải quyết. Ngoài ra, chỉ vì yếu tố ăn khách mà khiên cưỡng xây dựng nên tính cách mẹ chồng thiếu thực tế, phi điển hình… sẽ làm cho chức năng giáo dục thẩm mỹ của bộ phim bị giảm xuống.

“Trình độ dân trí ngày càng cao và người xem sẽ không bao giờ chấp nhận những điều quá phi thực tế. Dễ hiểu là phim lạm dụng quá nhiều yếu tốt câu khách sẽ trở nên nhàm chán, làm người xem tức tối và khó chịu hơn. Như thế là không đạt được việc mang lại sự giải trí càng làm cho các giá trị xã hội bị đảo lộn”, TS Trịnh Hòa Bình bày tỏ.