Nhà văn Nguyễn Văn Thọ
Với tôi, đọc Nguyễn Văn Thọ không dễ, giống như đi vào một khu rừng già cây cối chằng chịt… Nhưng càng đọc, đi vào sâu khu rừng, càng phát hiện được vẻ đẹp tiềm ẩn bất ngờ và bị hút vào sự khác lại các tác giả khác trong nó.
Điểm mạnh của Nguyễn Văn Thọ là anh không tránh né những vấn đề nhạy cảm. Càng “nhạy cảm” thì nhà văn càng xông xáo trực diện và chính ở đó anh phát huy sức mạnh, cây bút của anh như một vũ khí sắc bén tả xung hữu đột. Truyện ngắn “Mùi thuốc súng” là một ví dụ như vậy. Chiến tranh kết thúc, anh lính đặc công Thánh khấp khởi, vui mừng trở về làng mong gặp vợ sau 12 năm xa cách. Nhưng đón anh là người vợ và “đứa con như con chim non bấy trong vòng tay” sụp xuống lạy anh. Anh chết đứng như Từ Hải.
Đọc đến đây thì bạn đọc hiểu phần nào, hoàn cảnh người vợ xa chồng biền biệt thường xảy ra (không phải là ít gặp trong đời này!). Anh sững sờ không ngờ ngày vui trở về lại cay đắng như vậy. Nhưng thực tế còn khủng khiếp gấp ngàn lần! Người lính đặc công dũng cảm phải làm gì khi biết sự thật? Vợ có con với bố chồng và bố anh sau khi biết con dâu có một dòng máu của dòng họ để lại, cho khỏi tuyệt tự, đã tự tử.
Tác giả để Thánh trở về cái gường sau cuộc chiến. Một bên là đứa con gái của anh đã 12 tuổi và bên kia là đứa em anh do vợ anh đẻ ra mới mấy tháng tuổi. Có nỗi đau nào oái oăm như thế? Để vượt qua sự đau đớn, anh lính lấy thỏi thuốc súng TNT, loại bộc phá xưa dùng đánh địch, cạo ra để đốt lên để tìm lại mùi thuốc sáng năm xưa. Một thói quen khi đối diện với trận đánh, vượt qua cái chết. Cái mùi trở thành quen thuộc của lính đặc công đã ngấm vào máu thịt anh đã 12 năm. Mùi thuốc súng quen thuộc xưa, làm con người từng vượt qua bao sinh tử thời trận mạc bình tĩnh lại.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ có nói với tôi, truyện này anh có nguyên mẫu. Không rõ chi tiết ngửi mùi thuốc bộc phá là có thật hay anh hư cấu, nhưng quả là rất thú vị và rất “lính”! Nó, mùi thuốc súng như “một biểu tượng thuộc về quá khứ bi hùng“ của người lính! Rồi,vợ anh, mẹ anh, cả anh cũng muốn tự vẫn để giải thoát. Nhưng còn hai đứa trẻ vô tội để người lính phải sống. Nhưng quá khứ đau thương cùa chiến tranh đâu dễ buông tha trong nỗi uất hận chất chứa ở thân phận vợ anh, người đàn bà của cuộc chiến.
Nguyễn Văn Thọ đẩy đến tận cùng sự nghẹn ngào uất giận của người vợ, khi để bà ta chém nát buồng chuối nhân ngày giỗ bố chồng. Mâu thuẫn đẩy tới tận cùng làm Thánh, người lính đã tha thứ, không thể vượt qua, lại phả ra đi, quay về chiến trường xưa mong cầu xóa nỗi nỗi đau không bao giờ liền sẹo. Đồng đội cũ và chiến trường xưa ôm anh vào lòng, chữa chạy cho anh vết thương…Thi thoảng anh vẫn phải ngửi mùi thuốc TNT cho vơi đi nỗi nhớ về bản quán.
"Vườn mộng" - tập truyện ngắn mới nhất của Nguyễn Văn Thọ mới được NXB Thanh niên ấn hành…
Câu chuyện làm người đọc phải rưng rưng có lẽ không chỉ một lần…Nhưng cuối cùng thì cái kết vẫn có hậu. Tác giả đã xử lý rất khéo, cho người đọc có cảm giác rất thật…Hình ảnh cuối cùng là người lính cầm “bánh khảo” (khối bộc phá) ném ra sông biển, nơi có tượng Mẹ Âu Cơ, dứt bỏ vĩnh viễn dĩ vãng đau buồn từ chiến tranh sinh nở.Ở đây, hình như tác giả muốn từ bỏ quá khứ, không phải chỉ là quá khứ kiêu hùng mà bản chất cùa sự hủy diệt. Vũ khí – công cụ chiến tranh! Hướng tới thực tại và tương lai là sự đón người vợ cũ và đứa em của mình trong sự đùm bọc chia sẻ của người vợ mới, một cô giáo. Đó là tinh thần văn hóa cội gốc cùa người Việt- Sự vị tha nhân ái quấn quýt cộng sinh như hình ảnh sợi giây tơ hồng quấn lấy dậu cúc tần, tác già nháy đi nháy lại tới ba lần trong truyện!
Ngòi bút Nguyễn Văn Thọ có một điểm mạnh khi anh phân tích tâm lý nhân vật dưới sự soi chiếu của triết học, phép biện chứng: tức là luôn thừa nhận trong mỗi cái tôi có hai con người: Một con người bình thường của bản năng thuộc cơm ăn áo mặc, những lo toan vụn vặt đời thường, nhiều tính xấu và tính tốt và con người thứ hai bí ẩn bên trong, ẩn tàng từ văn hóa sắc tộc Việt, chỉ xuất hiện ở những bước ngoặt quan trọng, làm thay đổi số phận, bởi những quyết định đột ngột.Con người thứ hai thường trái lại với con người thứ nhất, nhưng là nhân tố quyết định phản ánh bản chất Người. Đây là một thuyết triết học nổi tiếng của phương Tây nói về bản ngã con người, luôn có sự tồn tại hai con người trong một gương mặt.
Nhân vật chính trong “Lằn ranh kẻ cắp” là một người Việt sang lao động tại Đức. Anh được chủ giao toàn quyền trông coi quầy hàng, và khi một mình đối diện với số tiền thu được rất lớn trong một ngày bán hàng, anh không khỏi lăn tăn “mong manh” muốn lấy cắp một ít. Chắc chắn là chủ không thể biết! Và số tiền DM đó rất quý với những người Việt khốn khổ, với gia đình anh ở phương xa đang mong chờ sự giúp đỡ gửi về từ Đức. Tác giả giải quyết ra sao đây? Chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ! Anh chỉ bước qua lằn ranh đó, sẽ có một tên mới suốt cuộc đời là “kẻ cắp”. Tuy có thể không ai biết, nhưng tâm hồn anh sẽ mãi mang dấu vết.
Câu chuyện rồi được kết thúc tốt đẹp khi nhân vật người Việt trong một lần “nhậu” với chủ đã nói thẳng ra vấn đề để lương tâm hắn trong sạch. “Nếu không tăng lương sẽ khó tránh ăn cắp!”. Ông chủ mới đầu ngạc nhiên, cáu kỉnh, rồi cũng hiểu được vấn đề. Đoạn văn hết sức sinh động, bất ngờ hai trạng thái tâm lí, kẻ làm thuê và người chủ đều được tác giả đẩy đến tận cùng mâu thuẫn. Nhà văn thừa nhận những tính xấu, phần “con” trong mỗi con người, như một tất yếu, như một góc khuất của tâm hồn. Nhưng cái thiện cuối cùng đã chiến thắng. Phần “Người” chiến thắng. Ở đây tính xấu, dục vọng, không hề hạ thấp con người, mà phần nào giúp đề cao hai từ "con người", trong cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa thiện và ác.
Và cũng có một tư tưởng như vậy, nhà văn cho rằng phần “con” ở con người, không hề có lỗi, xấu xa, mà ngược lại là một thử thách để khẳng định. – Hai người lính trẻ ở truyện “Ám ảnh” trong một đêm về thành phố đã rủ nhau đi tìm “em”, cái cớkhi đi xin nước cho đơn vị. Trong đêm tối, họ gặp một thiếu phụ có đứa con mấy tháng tuổi ở một trong ngôi nhà bị tàn phá bởi bom đạn chiến tranh.
Chuyện diễn ra thực sự cảm động khi hai người lính dốc hết phần nước để người mẹ pha sữa cho bé, rồi họ trở về đơn vị đang chờ với bình nước trống rỗng... Đêm đó Tốn, anh lính trẻ đã tỉnh dậy, bị đánh thức trên sân ga Vinh đổ nát, khi có một người con gái trong một tiểu đội thanh niên xung phong cũng vô tình nghỉ lại bên cạnh tốp lính. Họ tìm nhau ở bản năng, những khát vọng của tuổi thanh xuân bị chiến tranh cướp đi trong cà hai, cô gái và anh lính, một chàng trai mới lớnđược đánh thức, được trở về.
Ở đây, nếu không cao tay rất dễ sa vào sự tầm thường của nhục dục thấp hèn- bản năng. Người lính quay lại tìm cô thanh niên xung phong khi trời sang tỏ mặt người. Không nhận ra ai là cô gái đêm qua đã cho anh những phút giây thăng hoa kì lạ, trong cái điều na ná như tình yêu. Chiến tranh bị lột trần bộ mặt đau đớn của nó, để nhiều năm sau, khi đã trở thành một người lính chững chạc, hình ảnh của thiếu nữ đêm đó – vẫn trở về với anh như một kỷ niệm lãng mạn, tựa như một mối tình. Đọc truyện ngắn này ta lại thấy phần “con” không hề xấu xa, mà rất đẹp, một phần không thể thiếu của cuộc sống mà xưa nay thường bị hiểu chưa thấu đáo.
Sau hết, ấn tượng cho thấy nhà văn là một họa sĩ bản năng. Có thể anh có gen di truyền từ ông bố vốn là một trong những họa sĩ thế hệ đầu tiên của trường Mỹ thuật Đông Dương. Cảnh vật anh mô tả làm cho người đọc cảm giác đang đứng trước một bức tranh thủy mặc chân thực, có đủ cả màu và mùi, với một không gian sinh động. Đây là một cái hồ của thời bao cấp, một thời khó khăn, gian khổ: “Lối nhỏ luôn lép nhép bùn. Nước đọng, những đám cỏ bánh chè. Đôi khi lác đác mấy con cuốc mỏ hồng, chân đỏ, thân đen, ăn lẫn với đám gà nhà. Đường cong như cánh tay ôm dải cúc tần sát cái hồ. Hồ cũng không tên, ba mẫu. Bên cùi chỏ cánh tay là khu tập thể của công ty thủy sản. Tám ngôi nhà hai tầng. Xuân và đông nồm, nom như tám con tàu cũ rẽ sương, khói bếp mù mịt. Dải cúc tần lắm dây tơ hồng, mùa xuân nhả mớ tóc vàng óng phủ trên màu xanh đông đã già” (Nhà Ba Hộ). Dường như ta ngồi trên một con tàu đi ngược lại thời gian, để ngắm lại khung cảnh xưa – bức tranh của một thời.
Còn đây là bình minh của ngày hè miền Trung: "Sự chuyển vận ở vùng nhiệt đới nhanh chóng quá mức. Khi Tốn chạy đi, trời còn tối lắm! Vậy mà lúc anh hứng xong cái bình tông cuối cùng thì chân trời phía đông đã rạng. Một dải hồng mong manh chỉ thấy là là sát đất, chớp mắt đã vén lên thành cả góc trời mênh mông hồng rực và từ đó những tia sáng vọt chiến tường rõ mặt người” (Ám ảnh).
Một bức tranh tuyệt đẹp qua con mắt tinh tế của họa sĩ. Quê hương hiện lên thật đáng yêu trong con mắt của anh.
Tập truyện ngắn "Hương mỹ nhân"
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ có một khả năng làm cho người đọc phải xúc động nhiều lần khi đọc truyện của anh. Bằng giọng văn kể tưng tửng, chỉ sau vài đoạn anh bắt người đọc phải rưng rưng. Ở đây nhà văn đã đạt tới cặp phạm trù mỹ học bi – tráng và thành công khi chuyển tải ý tưởng của mình. Các nhân vật thường rơi vào cảnh éo le, khổ hạnh, cay đắng, thậm chí rơi vào tận đáy cùng xã hội như làm điếm, ăn cướp…nhưng ở tận đáy cùng của sự đau đớn họ gặp được những tâm hồn trong sáng, bao dung, những con người rộng lượng, nhân ái đã ôm họ vào lòng che chở.
Truyện ngắn “Muối mặn” là một điển hình như vậy. Dung là cô gái xinh đẹp, đem lòng yêu một cán bộ cùng cơ quan, đẹp trai, tài hoa… Rồi Dung có thai nhưng anh ta được cử đi học nước ngoài. Để giữ gìn tương lai cho người yêu, Dung một mình nuôi con, chịu đàm tiếu dư luận, chờ người yêu đi học nước ngoài 5 năm. Tham gia vào việc che giấu cho anh chàng này còn có cả Lệt, một người bạn có tâm hồn trong sáng, vị tha, lúc đó là bí thư chi bộ. Ngày về, khi Dung đến gặp thì chàng Sở Khanh đã có người yêu khác.Cô gái uất ức quay về quê và sống trong đau khổ vì bị lừa dối. Cuộc đời tưởng chừng như đóng lại với Dung.
Rồi 20 năm sau, Lệt quay lại gặp Dung, mới biết rõ câu chuyện xưa và anh Lệt (nhân vật chính trong truyện) đã ngỏ lời cầu hôn với Dung. Sự dối trá, vô đạo, bất lương đứng cạnh nhân ái, cao thượng, đức hy sinh đã tạo ra chất bi tráng và thành công của câu chuyện.Truyện ngắn Muối Mặn này viết cách đây hơn 30 năm, trong dịp Đại hội Đảng lần thứ 6, khi đất nước đổi mới. Nó phê phán mạnh mẽ bệnh quan liêu, thành tích trong công tác Đảng. Con người nhân ái, bí thư chi bộ Lệt, một cựu binh đã nhận ra điều đó và tự sửa chữa. Những hình tượng “nhân vật thời cuộc“ ở đây, trong trang văn của Nguyễn Văn Thọrõ ràng ít nhiều thành công, nên năm đó nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã chuyển thể thành vở chèo Muối mặn đời em và thành công rực rỡ.
Có thể thấy rõ các nhân vật trong hệ thống truyện ngắncủa Nguyễn Văn Thọ luôn có sự xung đột giữa thiện và ác, giữ con và người, giữa xấu và tốt, có khi tận cùng cay đắng vẫn rõ ra cuối cùng hai từ "con người" được tác giả viết hoa.
Tôi chỉ rút ra một vài truyện có thể tiêu biểu cho phong cách Nguyễn Văn Thọ. Một phong cách thiên về những hiện thực khắc nghiệt. Nhưng biết làm sao. Đời là vậy… cũng như Sê khốp đã từng nói: “Tôi viết về cái xấu để nâng cao Con Người”.