Dân Việt

Ông Lê Đăng Doanh: Lấy đất công, giá bao nhiêu, sao không thấy ai nói?

Phương Linh 15/08/2018 17:25 GMT+7
Việc đầu tư theo hình thức BT, BOT theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh là vấn đề được người dân thắc mắc nhưng chưa được giám sát.

Ông Doanh nói điều này ngày 15/8 trong Tọa đàm “Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giám sát ngân sách Nhà nước – Khoảng cách từ chính sách tới thực tiễn”.

img

Việc đầu tư theo hình thức BT, BOT theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh là vấn đề được người dân thắc mắc nhưng chưa được giám sát.

Theo ông, Việt Nam vẫn nói về công khai ngân sách nhưng nội dung gì, chi tiết ra sao thì vẫn còn khoảng cách “ghê gớm” với thế giới. Công khai của các bộ, sở chủ yếu là các số liệu vĩ mô, hoặc báo cáo quyết toán. Trong khi đó, với nước ngoài như Thụy Điển, Pháp, theo ông, bản công khai có thể hàng nghìn trang, quy định vô cùng chi tiết.

Ông lấy ví dụ về vấn đề nóng được quan tâm thời gian qua là các dự án BT. Trước đó, UBND thành phố Hà Nội quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án về hạ tầng giao thông theo hình thức BT trên một loạt tuyến đường quan trọng của thủ đô. 

Đây là việc theo ông sau đó đã bị Bộ Tài chính tuýt còi. Tuy nhiên, ông đặt ra câu hỏi, việc này đã được các cơ quan khác trong đó có Mặt trận Tổ quốc giám sát chưa?

“Lấy đất công, giá bao nhiêu, có được giám sát không, đó là lỗ hổng lớn, liệu có nên mời chuyên gia vào xem xét không?” ông Doanh lên tiếng.

Cũng về giám sát ngân sách, vị chuyên gia kinh tế đặt ra ví dụ khác khi mỗi năm có hàng nghìn đoàn nghiên cứu nước ngoài, hiệu quả của những đoàn công tác này ra sao. 

Đây là những vấn đề theo ông, các cơ quan giám sát như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải lên tiếng.

Về phần mình, ông Phan Văn Vượng, Phó ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, quy định về giám sát ngân sách Nhà nước với Mặt trận Tổ quốc là có.

Tuy nhiên, điều khó theo ông là kỹ năng giám sát. Ông thừa nhận, nhiều cán bộ chưa chú trọng trau dồi kiến thức, chưa phát huy được khả năng.

Quan trọng nữa theo ông là Mặt trận Tổ quốc nếu có kết luận giám sát thì chỉ là “thông báo” không phải quyết định của cơ quan quyền lực như Quốc hội hay Hội đồng Nhân dân. Kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc vì thế được tiếp thu tới đâu phụ thuộc vào chính quyền là chủ yếu. 

Từ đó, ông đề xuât cần có “gậy” tức là những quy định rõ ràng về vấn đề trên để đảm bảo việc giám sát và kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc được thực chất.

Ông Lê Đăng Doanh cũng góp ý cho rằng, phía Mặt trận Tổ quốc có thể mời các chuyên gia, các đơn vị tư vấn, kiểm toán cùng hợp tác trong quá trình giám sát. Đây là vấn đề theo ông cần xã hội hóa và các chuyên gia có thể sẵn lòng tham gia./.