Sau khi HAGL tiên phong, có hàng loạt doanh nghiệp lớn trên thị trường chứng khoán chuyển hướng vì “nghe có vẻ hợp lý”, và phong trào được hình thành. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng có bước tính toán hợp lý. Hiện nhiều doanh nghiệp vẫn ở thế dò dẫm đầu tư trong một canh bạc lớn. Bên cạnh những doanh nghiệp đeo bám quyết liệt với mảng này, cũng có doanh nghiệp sa cơ và thua trắng.
Sa lầy vì nhiệt tình quá đàHưởng ứng phong trào một cách “ngây thơ” nhất có thể kể đến Công ty cổ phần Gemadept, một trường hợp tay ngang bẻ lái sang nông nghiệp. Ở thời điểm doanh nghiệp xác định việc trồng cao su sẽ đem lại tăng trưởng mạnh, Tổng giám đốc Đỗ Văn Minh tuyên bố: “Chỉ cần làm theo HAGL là được”.
Gemadept đã phải nhận trái đắng khi đầu tư cao su theo HAGL. Ảnh: HAGL
Từ 2012, dự án trồng cao su ở Campuchia vẫn khả quan và đạt một số thành quả nhất định. Năm 2013, Gemadept được Campuchia cấp sổ đỏ với quyền sử dụng đất trong 70 năm cho gần 30.000 ha, công ty cũng đã trồng được gần 8.000 ha cao su.
Tuy nhiên, vì đầu tư một theo phong trào một cách cực đoan và thiếu căn cơ, khi HAGL ngậm trái đắng với cao su năm 2015 thì doanh nghiệp này cũng ngậm ngùi rời khỏi cuộc chơi.
Nếu Gemadept là một trường hợp tay ngang có phần ngây thơ thì một doanh nghiệp lớn thuần về nông nghiệp, như Công ty CP Hùng Vương cũng sa lầy vì “nhiệt thành quá đà” với phong trào nông nghiệp.
Khác với HAGL hay Gemadept đầu tư ngay từ bước đầu và kỳ vọng doanh thu lợi nhuận trong tương lai, Hùng Vương lại chọn lối tắt M&A để tạo lập đế chế thủy sản. Chính việc M&A quá đà đã khiến doanh nghiệp này đối mặt với những thách thức về chi phí tài chính phình to và mất kiểm soát trong quản trị. Hoạt động thâu tóm giúp cho doanh nghiệp mở rộng về quy mô nhưng doanh thu, lợi nhuận ngày một teo tóp, thậm chí tình hình nợ vay đã vượt xa vốn chủ sở hữu.
Nhìn lại quá trình mua bán sáp nhập của Hùng Vương, dễ dàng nhận thấy doanh nghiệp mất bao nhiêu thời gian thâu tóm thì cũng mất từng đấy thời gian để chuyển nhượng lại công ty thành viên. Mới đây nhất, Hùng Vương đành ngậm ngùi chuyển nhượng "đứa con cưng”, là Công ty cổ phần chăn nuôi Việt Thắng cho Vingroup.
Khủng hoảng của Hùng Vương không chỉ dừng lại ở việc bán đi những công ty thành viên mà các tài sản tích lũy để trang trải khoản nợ lên đến gần 9.000 tỷ đồng. Nếu như HAGL có cửa sáng hơn khi các trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư được gia hạn để giảm áp lực vay ngắn hạn xuống, thì doanh nghiệp của "vua" cá tra Dương Ngọc Minh lại có cơ cấu cổ đông thiếu vắng bóng dáng nhà đầu tư ngoại, để có thể sử dụng đa dạng các phương thức tài chính.
Cũng lấy HAGL để tham chiếu, một đại gia “đồng hương” khác là Đức Long Gia Lai bước vào nông nghiệp với dự án nuôi bò quy mô lớn tại Tây Nguyên. Năm 2014, Đức Long Gia Lai cho biết việc trồng bắp mang lại doanh thu hơn 60 tỷ và lợi nhuận 42 tỷ đồng. Doanh nghiệp này tiếp tục công bố dự án chăn nuôi bò sữa và bò thịt, dự kiến quy mô lên đến 80. 000 con bò sữa, 45.000 con bò thịt với tổng vốn đầu tư 11.000 tỷ đồng, bắt đầu nuôi từ quý I/2015. Tuy nhiên đến nay, đàn bò của Đức Long Gia Lai vẫn chưa thấy về trang trại.
Chiến lược gieo cây này gặt quả khác
Theo nhận định của một hãng tin nước ngoài, tại Việt Nam nở rộ tình trạng doanh nghiệp luyện thép sản xuất thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp bất động sản đi nuôi bò, công ty chứng khoán thì sản xuất gạo, tỷ phú ngành bán lẻ trồng rau quả. Trong dòng vốn đầu tư vào nông nghiệp, đâu đó vẫn xuất hiện chiến lược nhắm đến những giá trị lợi ích khác ngoài nông nghiệp đơn thuần.
Không nhiều doanh nghiệp làm nông nghiệp theo cách đầu tư, xây dựng chuỗi giá trị thực sự. Ảnh: Minh Hoàng.
Câu chuyện đầu tư vào nông nghiệp trong thời gian gần đây của Tập đoàn T&T đang được đặt vấn đề về mục đích. Chỉ trong một thời gian ngắn, tập đoàn này đã vung nghìn tỷ thâu tóm các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp Nhà nước. Phần lớn doanh nghiệp này hoạt động ở lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp chứ không trực tiếp canh tác.
Nhiều ý kiến cũng lo ngại về tài chính của T&T, khi liên tiếp đầu tư vào nông nghiệp qua con đường lòng vòng công ty con, công ty cháu. Suốt 3 năm qua, nếu tính cả Vinafood II mới đây, T&T đã chi gần 4.000 tỷ đồng để đầu tư vào Cảng Quảng Ninh và đầu tư vào hàng loạt công ty nông nghiệp như: Vegetexco, Vigecam, Vinafor.
Một điểm đáng đáng chú ý nữa là hầu hết công ty nông nghiệp mà T&T bỏ vốn đầu tư thời gian qua, đến nay vẫn chưa có sự lột xác đáng kể nào. Do vậy, nếu đầu tư cả nghìn tỷ đồng vào một doanh nghiệp thua lỗ lâu năm như Vinafood II, T&T phải nghiêm túc xác định chiến lược phát triển, để vực dậy doanh nghiệp này.
Thực tế những doanh nghiệp T&T của bầu Hiển mua dù đang kinh doanh không thực sự hiệu quả, nhưng điểm chung của những doanh nghiệp này là sở hữu quỹ đất “vàng” lớn.
Hiện Vinafood II đang sở hữu những quỹ đất khủng, với nhiều vị trí khá đắc địa tại các thành phố lớn như TP.HCM, Cần Thơ, Long An, Bến Tre với tổng 146 cơ sở nhà đất, tổng diện tích đất 3.405.950 m2. Riêng tại TP.HCM, tổng công ty này quản lý và sử dụng 17 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích 89.842 m2.
Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp (Vigecam) đang quản lý 114.793,94 m2 đất. Đáng chú ý là các lô đất vàng tại Hà Nội như lô đất tại 120 Quán Thánh, Ba Đình với 276 m2; lô đất tại 164 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm với 536 m2; lô đất tại số 16 Ngô Tất Tố, phường Văn Miếu, quận Đống Đa đến 1.585,4 m2.
Nổi tiếng hơn cả là khu đất có diện tích 23.042 m2 tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, để thực hiện khu vui chơi giải trí.
Vigecam thì có quyền sử dụng thửa đất 166 – 168 - 170 Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, TP. HCM với diện tích 554,94 m2 và thửa đất tại xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng đến 88.880 m2. Đó là chưa kể các cơ sở nhà đất thuộc quyền khai thác của các công ty con và công ty liên kết.
Một cách tích tụ đất đai hợp lý
Có ý kiến cho rằng việc chuyển hướng làm nông là một cách giúp nhà giàu tích tụ đất đai hợp lý nhất. Ảnh: HAG.
Việc mua cổ phần của các doanh nghiệp Nhà nước làm nông nghiệp có kết quả kinh doanh èo uột nhưng sở hữu nhiều đất vàng chính là phong cách đầu tư mà công ty của bầu Hiển thực hiện trong vài năm trở lại đây. Mục đích của bầu Hiển khi lấn sân sang lĩnh vực này dường như không theo đuổi nuôi trồng, phát triển nông nghiệp như một số đại gia khác, mà tập trung vào dịch vụ nông nghiệp, hoặc tìm kiếm các giá trị khác.
Nói với Zing.vn về làn sóng đầu tư vào nông nghiệp của các đại gia, ông Nguyên Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty Vinamit cho rằng dòng vốn khổng lồ chảy vào nông nghiệp trong thời gian qua là điều rất mừng. Nhưng cũng cần xác định dòng vốn này chảy vào trong thời điểm nào để đánh giá mục đích có tích cực hay không?
Nếu dòng vốn chủ yếu đến từ các doanh nghiệp bất động sản và trong thời điểm thị trường bất động sản đóng băng, thì phần lớn họ nhắm vào tìm kiếm tăng trưởng khác chứ không phải theo đuổi nông nghiệp một cách căn cơ.
Theo ông Viên, trong giai đoạn rủi ro của thị trường địa ốc, các ưu tiên về vay vốn từ ngân hàng không còn thì chỉ có nông nghiệp là đích đến để tìm kiếm tăng trưởng, hoặc tìm kiếm những khoản vay ưu đãi của doanh nghiệp. Có một lý do nữa mà các đại gia tìm đến nông nghiệp, vì coi đây như là phương thức tích tụ quỹ đất một cách hợp lý.
Lý do cuối cùng là các trường hợp đại gia có quá nhiều tiền từ bất động sản rồi, sẽ nghĩ đến đầu tư một ngành có ý nghĩa, mà nông nghiệp là lĩnh vực tác động đến xã hội rất lớn.
“Con đường đến với nông nghiệp của các đại gia ngoài ngành thường hướng đến mục đích khác nhau và chiến lược của họ sẽ khác. Nhưng chắc chắn là họ không thể hiểu rõ về nông nghiệp để theo đuổi và làm nông một cách thuần chất. Thậm chí nhiều doanh nghiệp sẽ 'gieo vốn' vào nông nghiệp để gặt một kết quả khác phi nông nghiệp”, ông Viên chia sẻ.