Ngày 16.8, Văn phòng UBND tỉnh Bình Định vừa có thông báo ý kiến chỉ đạo của ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này về việc họp bàn xử lý vụ phá rừng ở tiểu khu 142,145 xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh).
Hiện trường vụ phá rừng nghiêm trọng tại xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh).
Theo thông báo, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cho rằng, đây là vụ phá rừng có tổ chức, lâm tặc sử dụng phương thức liều lĩnh và thủ đoạn tinh vi. Vụ việc diễn ra trong thời gian dài nhưng không được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý kịp thời, qua đó, cho thấy mặt "yếu kém" của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng và chính quyền địa phương.
Trước mắt, ông Trần Châu giao Công an tỉnh Bình Định chỉ đạo các lực lượng giúp Công an huyện Vĩnh Thạnh khẩn trương điều tra, truy tìm thủ phạm phá rừng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, ông Châu giao cho Sở NN&PTNT tỉnh thành lập Hội đồng kỷ luật để xem xét, xử lý kỷ luật các cán bộ có liên quan khi để xảy ra vụ phá rừng trên. Bên cạnh đó, ông chỉ đạo kiểm điểm và có hình thức xử lý lãnh đạo và các cán bộ kiểm lâm có liên quan.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cũng yêu cầu, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, cán bộ UBND xã Vĩnh Sơn khi để xảy ra phá rừng, đồng thời, kiểm điểm lãnh đạo UBND huyện phụ trách lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng. Kết quả xử lý phải được báo cáo UBND tỉnh Bình Định trước ngày 15.9.
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, yêu cầu thành lập Hội đồng kỷ luật. Ảnh: Dũ Tuấn
Trước đó, Dân Việt từng đăng tải loạt bài phản ánh tình trạng lâm tặc “xẻ thịt” khu rừng phòng hộ ở Vĩnh Sơn không thương tiếc. Với thủ đoạn tinh vi, lâm tặc ngang nhiên tàn phá, “vượt mặt” cả chính quyền địa phương và ngành chức năng trong thời gian khá dài. Tuy nhiên, đối với người dân ở vùng cao Vĩnh Sơn, đây là câu chuyện thường ngày, diễn ra công khai. Sợ bị lâm tặc trả thù, người trong làng không dám lên tiếng ngăn cản.
Đại tá Nguyễn An Ninh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định, cho rằng, qua kiểm tra tại hiện trường, vụ việc được cơ quan chức năng địa phương phát hiện khi lâm tặc đang vận chuyển gỗ, nếu tuần tra “thông minh, bình tĩnh” thì đã có thể bắt được các đối tượng phá rừng.
“Tuy nhiên, anh em quá nóng vội, thiếu kinh nghiệm nên tại hiện trường chỉ thu được vật chứng. Theo nhận định của chúng tôi, vụ phá rừng này không phải do người dân địa phương thực hiện, mà phá rừng có tổ chức vì mục đích kinh doanh, đưa gỗ đi nơi khác tiêu thụ. Công an đề nghị phía kiểm lâm, chủ rừng địa phương khoanh vùng nhóm đối tượng thường xuyên phá rừng. Thực tế, từng xuất hiện nhiều trường hợp, kẻ chủ mưu vào tận rừng chỉ tận cây đặt hàng rồi thuê người phá rừng lấy gỗ, sau đó sẽ trả tiền”, đại tá Ninh nói.
Khu rừng bị lâm tặc vượt mặt cán bộ giữ rừng để "xẻ thịt" không thương tiếc tại xã Vĩnh Sơn.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, có 15 cây gỗ dổi (nhóm III) bị cưa hạ trái phép tại tiểu khu 142 và 145 với những dấu vết khai thác mới. Mở rộng kiểm tra hiện trường, tổ công tác liên ngành tại địa phương phát hiện thêm 8 cây dổi bị cưa hạ, dấu vết đã cũ. Gỗ đã bị cưa xẻ và vận chuyển khỏi hiện trường. Ông Đặng Bá Quang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vĩnh Thạnh, cho biết, đơn vị này đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng” xảy ra tại tiểu khu 142 và 145 (xã Vĩnh Sơn). Theo kết quả giám định của Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp - nông thôn (Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định), khối lượng gỗ thiệt hại là gần 107m3. |