Dân Việt

TP.Cần Thơ: Xây dựng nông thôn mới càng về sau càng khó

Hồng Cẩm 24/08/2018 06:02 GMT+7
Xây dựng nông thôn mới (NTM) càng về sau càng khó khăn với nhiều địa phương, bởi những xã xây dựng sau đa phần là những xã xuất phát điểm thấp, còn khó khăn về nhiều mặt. Trước thực trạng trên, Thành ủy, UBND thành phố, Ban chỉ đạo xây dựng NTM TP.Cần Thơ chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm vượt mọi khó khăn để về đích NTM cả về số lượng lẫn chất lượng.

Càng về sau càng khó

Ông Lê Văn Tính - Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM TP.Cần Thơ, cho biết: Thuận lợi của TP.Cần Thơ trong phong trào xây dựng NTM là có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố; của Huyện ủy, UBND huyện, Đảng ủy, UBND các xã. Hiện xây dựng NTM đã đi vào giai đoạn 2, nên từ cán bộ đến người dân đã có kinh nghiệm.

Đặc biệt, đến nay phải công nhận rằng phong trào xây dựng NTM đã mang lại quyền lợi thiết thực cho người dân, qua đó được người dân nhiệt tình hưởng ứng”.

img

Đào tạo nghề đan đát cho phụ nữ tại huyện Vĩnh Thạnh góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Ảnh: H.C

Năm 2018, TP. Cần Thơ đề ra mục tiêu có thêm 6 xã NTM và 1 huyện NTM Vĩnh Thạnh, nâng tổng cộng thành phố có 33/36 xã NTM và 2/4 huyện NTM. Với quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để về đích NTM đảm bảo về số lượng lẫn chất lượng, tính đến cuối tháng 6 thành phố đã công nhận mới xã Thạnh Mỹ- xã cuối cùng trong 9 xã của huyện Vĩnh Thạnh và huyện Vĩnh Thạnh đang thực hiện các hồ sơ, thủ tục chuẩn bị công nhận huyện NTM.

Theo ông Tính, xây dựng NTM mỗi xã được đầu tư trên 200 tỷ đồng cho các hạn mục công trình giao thông, thủy lợi, y tế, nước sạch, vệ sinh môi trường, tổ chức sản xuất, xây dựng HTX… đã làm thay đổi rõ rệt bộ mặt của các địa phương, đáp ứng nhu cần quyền lợi thiết thực cho người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì càng về sau xây dựng NTM càng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đó là tất cả các xã xây dựng NTM ở giai đoạn sau đều có xuất phát điểm thấp, khó khăn về mọi mặt, đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo cao nên việc vận động sức dân cùng tham gia là hết sức khó khăn. Trong khi đó các tiêu chuẩn NTM mỗi năm mỗi tăng.

Khó khăn nhất là tiêu chuẩn thu nhập, trong giai đoạn 2, mỗi năm thu nhập đầu người tăng lên 4 triệu đồng (riêng năm 2019, 2020 mỗi năm tăng 4,5 triệu đồng/người). Về tiêu chuẩn BHYT từ 80% lên 85% năm 2018 (đạt 88% năm 2019 và đến năm 2020 là 90%). Xã nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cao nhưng phải giảm tỷ lệ hộ nghèo tăng mỗi năm, từ 4% năm 2018 (còn 3,5% năm 2020); hộ sử dựng nước sạch từ 65% lên 75% năm 2020…

Vượt khó về đích

Trước tình hình khó khăn đó Thành ủy, UBND, cũng như Ban chỉ đạo Xây dựng NTM thành phố đã xác định: Trong 19 tiêu chí chủ yếu tập trung là nâng cao đời sống người dân, chỉ khi đời sống người dân dược nâng lên thì phong trào xây dựng NTM mới được gọi là thành công. 

Ông Nguyễn Ngọc Hè – Giám đốc Sở NNPTNT Cần Thơ nhấn mạnh: “Trước thực tế đó, Ban chỉ đạo xây dựng NTM đưa ra giải pháp là tập trung tuyên truyền, vận động để người dân hiểu mục đích, ý nghĩa của xây dựng NTM vừa là quyền lợi vừa là trách nhiệm để cùng tham gia để mang lại hiệu quả thiết thực cho chính người dân. Bên cạnh đó các địa phương mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề cho người dân. Về đào tạo nghề phải tách ra hai nhóm đối tượng để đào tạo hiệu quả. Đó là nhóm nghèo có tư liệu sản xuất thì tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để áp dụng phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả và nhóm đối tượng nghèo không tư liệu sản xuất thì tập trung đào tạo những nghề phi nông nghiệp như: May, sửa xe, đan đát…”.

 “Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm 2018 Ban chỉ đạo xây dựng NTM thành phố lên kế hoạch đôn đốc, nhắc nhở các địa phương phải chấn chỉnh và phấn đấu hoàn thành các tiêu chí để công nhận trước tháng 12. Tin rằng với nỗ lực, quyết tâm cao của các địa phương, thành phố sẽ hoàn thành mục tiêu năm 2018: có 33/36 xã NTM và 2/4 huyện NTM”- ông Tính phấn khởi chia sẻ.