Dân Việt

Thái Bình dừng tất cả các cuộc họp, tập trung chống bão số 4

Phạm Hưng 16/08/2018 18:20 GMT+7
Trước diễn biến bất thường của bão số 4, chiều 16.8, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã về Thái Bình kiểm tra, chỉ đạo phòng chống cơn bão có đường đi vô cùng lắt léo, “nguy hiểm chết người” này.

Chiều ngày 16.8, Ðoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai do Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 4 tại Thái Bình.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, trước diễn biến phức tạp của bão số 4, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã yêu cầu các ngành, các địa phương tạm dừng tất cả các cuộc họp chưa thật cần thiết, tổ chức phân công lực lượng thường trực tại các cơ quan, đơn vị để tập trung chỉ đạo, chủ động ứng phó với bão theo phương châm " 4 tại chỗ".

img

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường kiểm tra, chỉ đạo công tác tiêu úng tại cống Trà Linh, xã Thụy Liên (Thái Thụy). 

Tỉnh Thái Bình cũng nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ 12 giờ ngày 15/8. Trước khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền, tỉnh đã hoàn thành việc kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên sông, biển và người dân làm ăn trên biển vào nơi tránh trú bão an toàn.

Để bảo vệ 79.444ha lúa mùa, 8.675ha cây màu hè, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã yêu cầu các địa phương, hai Công ty TNHH MTV KTCTTL Bắc và Nam Thái Bình đóng các cống tưới, mở các cống tiêu, bằng mọi biện pháp tiêu triệt để nước đệm trên hệ thống sông trục; tiêu cạn nước mặt ruộng đề phòng mưa lớn gây ngập úng lúa mùa, hoa màu ở các khu vực trũng, thấp…

Sau khi nghe các đồng chí lãnh đạo tỉnh báo cáo tình hình triển khai ứng phó với bão số 4 trên địa bàn tỉnh và kiểm tra thực tế công tác tiêu úng tại cống Trà Linh, xã Thụy Liên (Thái Thụy), Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ghi nhận, đánh giá cao sự tích cực, chủ động vào cuộc của tỉnh trong việc ứng phó với bão số 4.

img

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình kiểm tra công tác phòng chống bão số 4 tại huyện Vũ Thư. Ảnh: Báo Thái Bình.

Để giảm thiểu thiệt hại do mưa, bão gây ra, Bộ trưởng yêu cầu tỉnh Thái Bình tiếp tục bố trí lực lượng, sắp xếp tàu, thuyền tại các khu neo đậu tránh va đập gây vỡ và chìm tàu; kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu, khu neo đậu. Chú ý không được để các phương tiện neo đậu gần các cầu, cống, công trình thủy lợi nhằm bảo đảm an toàn cho các công trình và phương tiện của người dân.

Di dời toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thuỷ, hải sản ngoài đê chính, số ngư dân trên các phương tiện đánh bắt đã neo đậu vào trong đê chính; không để bất cứ người nào ở ngoài đê chính khi bão đổ bộ. Thực hiện nghiêm các phương án bảo vệ công trình đê, kè, cống xung yếu, đặc biệt là các công trình đang thi công trên sông, đê biển và triển khai phương án chống tràn đối với các tuyến đê bao, đê bối…

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình, đến 16 giờ ngày 15.8 trên địa bàn tỉnh có tổng số 1.239 tàu, thuyền với 3.608 ngư dân đang làm ăn trên biển. Trong đó, có 78 phương tiện với 382 lao động đang hoạt động, neo đậu các bến ngoài tỉnh; 22 phương tiện với 72 lao động đang hoạt động ven biển tỉnh Thái Bình; 1.139 phương tiện với 3.154 lao động đang neo đậu tại các bến trong tỉnh.

Tất cả các phương tiện trên đều liên lạc được với gia đình, không có phương tiện hoạt động ở vùng nguy hiểm. Toàn tỉnh hiện có 1.153 chòi ngao với 1.268 lao động canh coi; 1.216 đầm với 1.907 lao động nuôi trồng thủy, hải sản ven sông, ven biển tập trung ở các huyện Thái Thụy, Tiền Hải, Hưng Hà.

Ngoài ra, hiện nay Thái Bình còn có 4.229 hộ dân với 15.249 người sinh sống ngoài đê chính cần di dời đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào bờ; 7.731 hộ với 17.236 người sống trong nhà yếu cần di dời đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào bờ. 

Đến nay, toàn tỉnh đã gieo cấy được 79.444ha lúa mùa; diện tích cây màu hè đã trồng khoảng 8.675ha; diện tích cây màu hè đã thu hoạch khoảng 1.230ha.