Dân Việt

Sự động viên thiết thực với người lính

14/12/2011 06:21 GMT+7
(Dân Việt) - Hôm nay, 14.12, Báo NTNN phối hợp với Tổng cục Chính trị - QĐND VN tổ chức lễ phát động cuộc thi viết "Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế" tại Hà Nội.

Nhân dịp này, phóng viên Báo NTNN đã có cuộc phỏng vấn Trung tướng PGS - TS Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND VN.

Mặt trận không tiếng súng nhưng khốc liệt

img
Trung tướng -PGS-TS Nguyễn Tuấn Dũng

Thưa đồng chí, trong thời bình, Bộ đội Cụ Hồ vừa thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, vừa làm tròn chức năng là đội quân công tác, đồng thời là những chiến sĩ trên mặt trận lao động sản xuất, làm kinh tế. Vậy, Bộ Quốc phòng đã có những chủ trương và giải pháp nào để giúp các chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ này ?

- Trên mặt trận kinh tế hiện nay, Bộ Quốc phòng đã xác định mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng mục tiêu quốc phòng, tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trên các địa bàn chiến lược, biên giới, hải đảo; vừa tạo thêm nguồn thu tài chính đóng góp cho ngân sách nhà nước, bổ sung ngân sách quốc phòng, phát triển năng lực sản xuất quốc phòng.

Từ đó, Bộ Quốc phòng sẽ triển khai các biện pháp cụ thể như sau: Tập trung làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, cán bộ, đảng viên trong nhiệm vụ sản xuất, làm kinh tế của quân đội. Tiếp tục xây dựng, đổi mới các loại hình tổ chức kinh tế của quân đội.

Xây dựng các khu kinh tế quốc phòng trên tuyến biên giới đất liền và trên biển đảo; Tham gia tích cực, có hiệu quả vào các chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói, giảm nghèo; nâng cao chất lượng tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất, tham gia xây dựng kinh tế của các đơn vị thường trực, đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư và thương mại; tạo điều kiện thuận lợi trong hợp tác với nước ngoài; làm tốt công tác đào tạo chuyên môn quản lý kinh tế, đào tạo nghề cho bộ đội theo nhiều hình thức.

Phối hợp với Báo NTNN phát động cuộc thi viết "Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế", lãnh đạo Tổng cục Chính trị kỳ vọng gì ở cuộc thi này?

- Chúng tôi mong muốn qua cuộc thi này, độc giả báo NTNN nói riêng và độc giả cả nước nói chung sẽ có được một cái nhìn toàn diện, cụ thể và đúng đắn về hoạt động lao động sản xuất, làm kinh tế của quân đội; về những chiến công, những thành tích cũng như những nỗi gian lao, khó khăn, vất vả của "Bộ đội Cụ Hồ" trên mặt trận kinh tế. Đó là một mặt trận thầm lặng, không tiếng súng nhưng hết sức khốc liệt và đòi hỏi nhiều chất xám cũng như cống hiến sức lực của người lính.

Từ trước tới nay người ta thường có quan niệm "nước sông công lính" nhưng thực chất, có ở trong cuộc mới thấy, những người lính đã cống hiến sức lực và nhận được sự đền bù xứng đáng với công sức của họ.

Chúng tôi mong các tác giả hãy dành nhiều tâm huyết cho mảng đề tài này, đi thực tế, trải nghiệm cuộc sống cùng những người lính ở các công trường, nông trường, bến cảng, hải đảo, biên giới để chuyển tải đến người đọc những tác phẩm báo chí chất lượng cao nhất, "món ăn tinh thần" ngon nhất.

Cái nhìn chân thực về người lính

Ngoài những tấm gương của các đơn vị, cá nhân điển hình làm kinh tế giỏi, các cựu chiến binh giúp nhau xoá đói giảm nghèo, theo đồng chí, chúng ta cần phải tập trung khai thác thêm mảng đề tài nào để cuộc thi thành công tốt đẹp?

- Lực lượng quân đội làm kinh tế thời bình trải rộng trên rất nhiều lĩnh vực, đó là lĩnh vực kinh tế trong khu vực quốc phòng, trên các địa bàn chiến lược, trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, ở khu vực biên giới, hải đảo, tự chủ trong các đơn vị chính quy và xóa đói, giảm nghèo.

Tất cả các lĩnh vực này cần phải được phản ánh đầy đủ, chi tiết và chân thực trong các tác phẩm dự thi thì mới giúp người đọc có được bức tranh toàn cảnh về quân đội làm kinh tế. Chúng tôi cũng rất mong sẽ tổ chức được nhiều chuyến đi thực tế sáng tác cho các nhà báo trong và ngoài quân đội để họ có được cái nhìn chân thực nhất, trực diện nhất về hình ảnh người lính trên mặt trận kinh tế hôm nay.

Từ những điển hình, thành tựu của các cá nhân, tập thể được phản ánh trong tác phẩm dự thi, nên chăng cần có những hình thức tuyên dương, động viên cho thành tích mà họ đã đạt được?

- Như trên đã nói, công sức của những người lính trên mặt trận kinh tế đã được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ghi nhận từ 55 năm nay tính từ thời điểm QĐNDVN được nhận nhiệm vụ chiến lược làm kinh tế vào ngày 23.8.1956.

Tại lễ kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống Bộ đội sản xuất, xây dựng kinh tế vào tháng 8.2011, Đại tướng Phùng Quang Thanh- Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước cho Cục Kinh tế.

Đó là phần thưởng xứng đáng và vinh dự to lớn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã dành cho QĐNDVN trên lĩnh vực hoạt động kinh tế. Và chính cuộc thi viết "Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế" do Báo NTNN phối hợp với Tổng cục Chính trị tổ chức lần này cũng là một sự động viên khích lệ to lớn và hết sức thiết thực.

Sẽ rõ hơn về những điển hình

Nhiều doanh nghiệp quân đội đã khẳng định được thương hiệu của mình như Viettel, Tân Cảng, các Tổng công ty 36, 15, Đông Bắc, Trường Sơn, GAET, ACC, Tây Hồ, Vạn Tường, Phú Tài... Lãnh đạo của các Tổng công ty làm kinh tế giỏi trong quân đội hiện nay vừa là quân nhân nhưng cũng vừa là doanh nhân Tâm Tài. Vậy, họ phải làm thế nào để giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ?

- Trong giai đoạn xây dựng hòa bình, hầu như không có lĩnh vực then chốt nào của nền kinh tế quốc dân không có mặt các doanh nghiệp quân đội. Có được những thành công đó, không thể không nói đến chiến công của những doanh nhân - người lính vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Chúng tôi mong sau cuộc thi lần đầu tiên này, mỗi năm sau đó, Báo NTNN và Tổng cục Chính trị sẽ cùng nhau tổ chức nhiều cuộc thi tiếp theo để đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.

Và cũng chính nhờ những đức tính mà họ được rèn luyện và trưởng thành qua chiến tranh, đã giúp họ làm nên những kỳ tích ấy. Ở họ đã hội tụ đủ 8 đức tính cơ bản của một doanh nhân thành công, đó là: 1/ Bình tĩnh (Trầm tĩnh); 2/ Tự tin và tin tưởng cấp dưới; 3/ Can đảm; 4/ Lo xa; 5/ Trân trọng; 6/ Kiên định; 7/ Chủ kiến; 8/ Lương tâm. Chính nhờ những đức tính ấy mà họ đã tạo nên những chiến công mới trên mặt trận xây dựng đất nước.

Sau cuộc thi viết này, Tổng cục Chính trị sẽ có những kế hoạch gì trong tương lai để góp phần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về hình ảnh người chiến sĩ QĐNDVN trong thời kỳ đổi mới?

- Sau khi cuộc thi viết được tổng kết và trao giải cho các tác phẩm xuất sắc, chúng tôi rất muốn Báo NTNN và Tổng cục Chính trị sẽ cùng phối hợp để xuất bản những cuốn sách tập hợp những tác phẩm xuất sắc nhất để phổ biến sâu rộng hơn nội dung cuộc thi tới toàn xã hội. Những tấm gương điển hình, những binh đoàn, những doanh nghiệp, Tổng công ty làm kinh tế giỏi, đạt được nhiều thành tựu sẽ được nhân dân biết đến nhiều hơn.

Chúng tôi mong sau cuộc thi lần đầu tiên này, mỗi năm sau đó, Báo NTNN và Tổng cục Chính trị sẽ cùng nhau tổ chức nhiều cuộc thi tiếp theo để đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.

Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng!