Dân Việt

Nhà phê bình Ngô Thảo và ký ức không thể quên về Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh

Tần Tần 18/08/2018 07:15 GMT+7
Trong ký ức của nhà phê bình Ngô Thảo và bạn bè, họ vẫn nhớ như ngày hôm qua, khi thất kinh nghe tin dữ, chạy xuống Hải Dương đón Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh...

Một tai nạn thảm khốc 30 năm trước đã vĩnh viễn cướp đi gia đình Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh cùng con trai út Lưu Quỳnh Thơ.

3 thập kỷ trôi qua, người yêu nghệ thuật, gia đình, bạn bè không nguôi thương nhớ về họ. Chương trình đêm thơ nhạc kịch Tình yêu ở lại diễn ra vào 20h ngày 26.8 tới như một nén tâm nhang hướng tới hai nghệ sĩ bằng tình cảm trân trọng.

Trong buổi công bố chương trình nghệ thuật, nhiều bạn bè, người thân tới chia sẻ những kỷ niệm về Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh.

Cứ có tên Lưu Quang Vũ là đoàn kịch sống được

Nhà văn, nhà phê bình Ngô Thảo kể, ông chuyển từ quân đội về Tạp chí Sân khấu làm cùng Lưu Quang Vũ năm 1986. Lúc ấy Lưu Quang Vũ là phóng viên tạp chí, trước đó họ đã là bạn bè văn nghệ sĩ với nhau. Với Ngô Thảo, Lưu Quang Vũ là người ít nói, thế mà lại nổi tiếng là “Cuội”.

img

30 năm trôi qua, vẫn chưa ai có thể thay thế được vị trí Lưu Quang Vũ trong làng sân khấu.

“Anh thất hứa rất nhiều. Vì nhiều đoàn đến đặt viết kịch bản, mà anh nể nang nên cứ hẹn, hết đoàn này đoàn kia, bao nhiêu đoàn ăn dầm nằm dề dưới chân cầu thang nhà 96 phố Huế để săn đón Lưu Quang Vũ”, nhà phê bình Ngô Thảo kể.

Sở dĩ người ta săn đón vậy, vì đoàn nào có được kịch Lưu Quang Vũ, có tên Lưu Quang Vũ là sống được. Tên Lưu Quang Vũ có sức hấp dẫn lớn như thế. Cứ hoàng hôn xuống, có tên Lưu Quang Vũ là biết chắc bán được bao nhiêu vé. Các đoàn kịch đều sống được bằng cái tên Lưu Quang Vũ.

Nhưng sức người thì có hạn, không phải lúc nào muốn là viết được ngay. Nhà viết kịch cứ chạy trốn hết nơi này đến nơi khác. Những chuyện đời ai cũng biết được, thế mà qua bàn tay tài năng của Lưu Quang Vũ nó trở thành câu chuyện hấp dẫn, xúc động, mang giá trị lớn lao. 50 vở của Lưu Quang Vũ, Ngô Thảo đánh giá có những vở trở nên kinh điển, dựng lại lúc nào cũng có giá trị như: Hồn Trương Ba, Nguồn sáng trong đời, Hoa cúc xanh, Ông vua hóa hổ...

Nhớ về người bạn cũ, nhà phê bình tuổi 80 rưng rưng: “Thương là ở chỗ, những năm tháng vất vả nhất thì anh chật vật. Khi thành công, có tiền rồi cũng không sống yên ổn nổi. Trước kia là đói thiếu tiền. Đến khi có nơi người ta trả tiền cho rồi thì cũng không có thì giờ để thưởng thức, hưởng thụ nổi. Cái buồn lớn nhất là người tài như thế mà cả đời chỉ biết lao động, cả đời chưa một ngày được hưởng thành quả của mình làm ra. Đó cũng là cái đau của kiếp nghệ sĩ”.

Nồi cháo thừa và sự tần tảo của “ngôi sao” Xuân Quỳnh

Với nhà phê bình Ngô Thảo, Xuân Quỳnh là một người đáng trọng. Khi ông làm cùng Lưu Quang Vũ, nhà viết kịch là một nhân sự cấp thấp trong thang bậc hành chính, trong khi đó, Xuân Quỳnh là nữ sĩ nổi danh được bạn đọc cả nước yêu mến, là Ủy viên ở Hội Nhà văn. Vậy mà người phụ nữ ấy cư xử không như một ngôi sao văn nghệ.

img

Làm vợ, làm mẹ trong mái nhà có "con anh, con tôi, con chúng ta", nhưng Xuân Quỳnh vẫn luôn vun vén gia đình chỉn chu, yêu thương các con không giới hạn.

Ngô Thảo kể hồi đó còn nghèo lắm, đang thời bao cấp ai cũng đói kém. Hàng năm dịp Tết nhất, các nghệ sĩ ở hội đi địa phương dựng vở. Năm ấy, ông Xuân Trình là Tổng biên tập tạp chí đi xuống Nam Định, người ta cho con lợn mang về cơ quan. Những người trong cơ quan làm thịt chia cho nhau mang về, lòng, tiết thì để lại nấu chung nồi cháo. Hôm đó có phần của Lưu Quang Vũ, nhưng nhà viết kịch đi vắng không thấy nhận, phải có người sang nhà gọi để lấy.

“Xuân Quỳnh sang lấy phần thịt dành cho Lưu Quang Vũ. Khi đó chúng tôi ăn xong, thấy xoong cháo vẫn còn, cô Xuân Quỳnh bảo: ‘Ôi, còn thừa cháo này không ai ăn à?’ Cô Quỳnh bảo ‘cho tôi đi’. Chúng tôi tưởng đùa thế thôi, thế mà cô Quỳnh về nhà mang cái xoong sang lấy phần cháo còn lại. Nhìn bóng dáng cô Quỳnh đi ra khỏi sân nhà 51 Trần Hưng Đạo hăm hở trên chiếc xe tòng tọc, tôi không quên được”.

Theo nhà phê bình Ngô Thảo, Xuân Quỳnh là một nhà thơ tài hoa, với những vần thơ đẹp trong giới văn chương Việt Nam từ xưa tới nay. Thế mà trong việc gia đình, từ việc nhỏ như thế vẫn hiền lành, vun vén. “Người ta hoàn toàn có thể không cần phải làm như thế, và cũng không ai làm như thế. Nhưng chính sự tận tụy của một người mẹ đang nuôi mấy đứa con, nuôi chồng lúc ấy còn khổ, bóng dáng ấy không thể quên được”.

Nữ sĩ tài năng như thế mà không chút gì làm cao, sống đời thường tử tế, tần tảo. Điều ấy khiến người bạn Ngô Thảo kính nể. Theo ông, bởi lẽ sống như vậy, nên những vần thơ của Xuân Quỳnh nói về mẹ chồng, về con, về chồng đi ra từ đời sống, với tất cả chỉn chu, thân thiết, hiến mình cho những người thân yêu của mình.

Bát hương cháy rùng rùng

30 năm trôi qua, bạn bè đồng nghiệp vẫn không nguôi thương nhớ khi nhắc tới tai nạn của Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh. Nhà phê bình Ngô Thảo kể, đó là một ngày khó quên trong đời anh em ở Hội Nghệ sĩ Sân khấu.

“Đó là buổi chiều thứ 2, chúng tôi đang ở Hội sân khấu thì anh Toản ở Nhà hát Kịch chạy lên, gào thét: ‘Cả nhà Lưu Quang Vũ chết rồi! Cả nhà Lưu Quang Vũ chết rồi’. Chúng tôi thất kinh”, nhà phê bình Ngô Thảo kể.

Ông cùng anh em ở đó như Xuân Trình, Tất Thắng nhảy lên một chiếc xe cũ đi Hải Dương. Đến nơi, thấy Xuân Quỳnh và bé Lưu Quỳnh Thơ đang nằm trên vệ đê để người ta làm thủ tục cho người vừa qua đời. Lưu Quang Vũ được đưa đi cấp cứu ở bệnh viên Hải Dương, nhưng đã mất trên đường đi.

img

Sự ra đi của Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh để lại khoảng trống không thể bù đắp trong đời sống văn hóa nghệ thuật.

Đêm đó, gia đình nhà viết kịch mới tới được, Ngô Thảo và bạn bè nghệ sĩ đưa họ về. “Trước khi về, ở nhà xác bệnh viện Hải Dương, tôi với NSND Đoàn Dương cùng nhờ mấy người ở đấy tắm rửa cho ba người (vì họ bị ngã xuống ruộng lấm bùn hết cả). Chúng tôi nhờ người dân xung quanh đi mua rượu, mua hương. Nén nhang vừa thắp lên thì cả bát hương ở nhà tang lễ cháy rùng rùng. Anh Đoàn Dũng đập đầu vào tường trách móc làm sao lại bỏ bạn bè mà đi”.

Đêm đó, khi xe đưa thi thể gia đình Lưu Quang Vũ về thì hàng trăm nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật đã đứng trên đường đón quan tài. Sau đó, đưa vào bệnh viện Việt Xô. Sự ra đi của họ là một sự kiện chấn động trong xã hội.

Nghệ sĩ Lê Chức cùng một số bạn bè tiếp nhận 3 quan tài từ Hải Dương trở về nhà tang lễ bệnh viện Việt Đức. Giáo sư, NSND Đình Quang lúc đó đã xin đưa ba thi thể về Việt Xô.

NSƯT Lê Chức kể: “Chúng tôi dùng búa, kìm mở ba quan tài ra và mấy anh em, tôi, Ngô Thảo, Đỗ Hồng Quân, Văn Quảng... chúng tôi ôm lấy 3 người ruột thịt ấy đặt họ vào những khay lạnh của nhà tang lễ Việt Xô. Vũ và Quỳnh đặt ở khay lạnh tầng trên. Như sự sắp đặt, Lưu Quỳnh Thơ đặt với một người nhà chùa mặc áo vàng ở khoang dưới. Số phận đã sắp đặt một định mệnh. Họ là 3 thiên sứ đã xong sứ mệnh. Họ trở về nơi chốn của họ, để chúng ta hôm nay vẫn tưởng nhớ họ”.

Với NSƯT Lê Chức, gia đình Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh gắn bó như máu thịt: “Quỳnh còn định thông gia với chúng tôi. Chúng tôi cùng chia nhau cái nghèo, chứ không phải chia nhau sự giàu sang. Vì thế, máu thịt của họ là máu thịt của chúng tôi”.

Đêm thơ nhạc kịch Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh: Tình yêu ở lại thực hiện nhân 30 năm vợ chồng nghệ sĩ ra đi. Chương trình diễn ra lúc 20h ngày 26.8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Chương trình chia làm 3 phần, phần 1 là những bài thơ, ca khúc được phổ nhạc của hai tác giả. Phần thứ 2 là những hồi ức đẹp nhất, những kỷ niệm lần đầu được kể về hình ảnh Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh trong trí nhớ và tình yêu bạn bè. Phần 3 là trích đoạn vở kịch Hoa cúc xanh trên đầm lầy.

Đêm nghệ thuật có sự tham gia của NSND Phạm Thị Thành, NSND Doãn Châu, NSND Lê Khanh, NSND Lê Chức, nhà thơ Anh Ngọc, nhà văn Lê Minh Khuê, nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhạc sĩ Lê Tâm, ca sĩ Tùng Dương, NSƯT Vương Hà, ca sĩ Ánh Tuyết... Chương trình do NSƯT Chí Trung tổng đạo diễn, cùng các đạo diễn NSƯT Trọng Thủy, NSƯT Sĩ Tiến.