Dân Việt

Cả nước có tới 6.400 hợp tác xã nông nghiệp yếu kém

Nguyên Vỹ 18/08/2018 11:30 GMT+7
Theo thống kê của Bộ NNPTNT, cả nước có 6.400 HTX nông nghiệp yếu kém. Đến hết quý 2.2018, cả nước còn 709 HTX yếu kém đã ngừng hoạt động, cần giải thể.

Đây là những con số được Bộ NNPTNT đưa ra tại hội nghị trực tuyến triển khai Quyết định số 461 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án 15.000 HTX tổ chức sáng nay, ngày 18.8.

Thống kê cụ thể, trong tổng số 8 phân vùng kinh tế, khu vực Đông Bắc có số lượng HTX ngừng hoạt động phải giải thể cao nhất, 175 HTX; tiếp theo là khu vực ĐBSH 147 HTX; thấp nhất là khu vực Bắc Trung Bộ với 10 HTX.

img

Cả nước có 6.400 HTX nông nghiệp yếu kém. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo đánh giá từ các địa phương, hoạt động của các HTX trong thời gian qua vẫn còn gặp không ít khó khăn. Hầu hết các HTX nông nghiệp hiện nay chủ yếu cung ứng các dịch vụ đầu vào (giống, vật tư, phân bón, BVTV, thủy lợi nội đồng…) nhưng chưa đảm bảo tốt đầu ra sản phẩm cho xã viên.

Việc tăng trưởng của các HTX chưa thực sự đồng đều trên tất cả các lĩnh vực. Đội ngũ cán bộ quản lý có nhiều người cao tuổi, khả năng nắm bắt và tiếp cận thông tin thị trường chưa nhanh nhạy, kịp thời.

Theo ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận, khó khăn lớn nhất của các HTX hiện nay là thiếu vốn để đầu tư sản xuất và chưa có phương án sản xuất kinh doanh khả thi.

Vốn các HTX chuyển đổi nằm trong công nợ xã viên hoặc một số HTX không có tài sản thế chấp hoặc không đủ điều kiện thế chấp để vay được vốn của Ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

“Từ đó, HTX còn lúng túng chưa đề ra được những định hướng, kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh khả thi”, ông Tấn cho biết.

img

Bộ NNPTNT đề nghị các địa phương có biện pháp cụ thể giúp các HTX nâng cao chất lượng hoạt động. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng Hội nghị triển khai Quyết định số 461 sẽ là cơ hội để các địa phương có thể tham khảo nội dung, giải pháp và kiến nghị đề từ đó đề ra cách làm nhằm thực hiện các giải pháp tốt hơn trong thời gian tới.

Đại diện tỉnh Lâm Đồng cũng nêu đề nghị Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cần có chính sách cụ thể hơn trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, tập trung nguồn lực xây dựng và nhân rộng mô hình HTX điểm.

Bộ NNPTNT đề nghị các địa phương cần rà soát tình hình hoạt động và những khó khăn, vướng mắc của các HTX, từ đó có các biện pháp cụ thể giúp các HTX yếu kém nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng: dướng dẫn HTX xây dựng phương án sản xuất kinh doanh; kiện toàn và hỗ trợ các tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả; lựa chọn các tổ hợp tác hoạt động tốt để vận động nâng cấp thành lập HTX.

img

Phấn đấu đến năm 2020 có trên 1.500 HTX ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Nguyên Vỹ

Về phía mình, Bộ NNPTNT cũng đề ra giải pháp tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách đối với HTX nông nghiệp. Trong đó, xác định vai trò, trách nhiệm của Sở NN PTNT, đặc biệt là Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở trong việc thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả Đề án 15.000 hợp tác xã.  

Tăng cường sự phối hợp giữa Bộ NNPTNT với Liên minh HTX, Hội Nông dân và các Ban, ngành, đoàn thể liên quan Trung ương đến địa phương trong thực hiện Đề án 15.000 HTX. Đặc biệt, tập trung nguồn lực để xây dựng các mô hình điểm có huy động nguồn lực của cả 3 đơn vị, trên cơ sở đó thực hiện tổng kết và nhân rộng.

Để hoàn thành Đề án Phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020, Bộ NNPTNT đề ra mục tiêu duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của trên 4.400 HTX nông nghiệp đang hoạt động có hiệu quả.

Phấn đấu có trên 1.500 HTX ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp. Tăng tỷ lệ lên 25% HTX nông nghiệp ứng dụng các công nghệ cao. Nâng năng suất, sản lượng, giá trị của các sản phẩm nông nghiệp do ứng dụng công nghệ cao lên gấp hơn 2-3 lần so với sản xuất truyền thống.

Xử lý dứt điểm việc giải thể, chuyển đổi sang loại hình khác đối với các HTX yếu kém đã ngừng hoạt động.