Cơ quan Các Dự án nghiên cứu Tiến bộ Quốc phòng (DARPA) - một cơ quan công nghệ quốc phòng của Mỹ đã ủy quyền cho BAE Systems - công ty quốc phòng, an ninh và hàng không vũ trụ đa quốc gia của Anh phát triển hệ thống sonar mới này.
Hệ thống mới đòi hỏi sự kết hợp các ưu điểm của công nghệ sóng siêu âm chủ động và thụ động nhằm cung cấp cho các tàu ngầm Mỹ lợi thế cạnh tranh so với các tàu ngầm ngày càng tối tân của Nga và Trung Quốc.
Các tàu ngầm thường dựa vào sonar thụ động - đơn giản là lắng nghe các loại âm thanh để xác định vị trí tàu ngầm và các tàu mặt nước của đối thủ.
Công nghệ này kém hiệu quả hơn so với sonar chủ động - giúp cung cấp vị trí chính xác hơn nhưng cũng có thể tố cáo vị trí của tàu ngầm.
Một chuyên gia tiết lộ với tạp chí Mỹ The National Interest rằng sonar chủ động “giống như chiếu đèn pin vào trong một căn phòng tối: nó có thể tìm thấy đồ vật một cách hiệu quả, nhưng lại tố cáo sự hiện diện của nó và loại bỏ bất cứ nỗ lực tàng hình nào”.
Theo đó, mục đích của hệ thống mới là trang bị cho các tàu ngầm Mỹ các lợi thế của sonar chủ động mà không làm ảnh hưởng đến khả năng tàng hình của chúng. Cách khắc phục là đưa vào hoạt động các thiết bị không người lái dưới nước được trang bị sonar song tĩnh (bistatic sonar).
Năm 2015, các quan chức hải quân thừa nhận, Trung Quốc đã có nhiều tàu ngầm hơn so với Mỹ. Một số người còn ước tính, số lượng tàu ngầm của Trung Quốc sẽ gần gấp đôi số tàu ngầm Mỹ vào năm 2029.
Mặc dù nhiều tàu ngầm hiện tại của Trung Quốc không tối tân như Mỹ nhưng các quan chức Hải quân Mỹ đã mô tả một số tàu ngầm mới của Trung Quốc là "khá tuyệt vời".