Từ Hy Thái hậu, người phụ nữ quyền lực trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Ảnh: Baidu
Trước khi chết, Từ Hy Thái hậu, người phụ nữ buông rèm nhiếp chính, nắm thực quyền điều hành Trung Hoa trong suốt những năm cuối thời nhà Thanh, trăng trối một câu khá mâu thuẫn: "Từ nay về sau, phụ nữ không được phép can dự vào triều chính. Như vậy là trái với gia pháp của bản triều, cần nghiêm khắc ngăn chặn. Đặc biệt là cần đề phòng nghiêm ngặt, không để được các thái giám lạm quyền. Thời nhà Minh mạt vận là một bài học".
Từ Hy Thái hậu (1835-1908), nhân vật nổi tiếng trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, là một người phụ nữ thông minh, cả cuộc đời nếm trải và lập nên nhiều thành tựu hơn người. Bà trải qua 5 đời Hoàng đế: Đạo Quang, Hàm Phong, Đồng Trị, Quang Tự, Tuyên Thống. Vào cung từ năm 16 tuổi, 26 tuổi trở thành thái hậu, Từ Hy sống trong cung cấm gần 60 năm, cai trị Trung Quốc gần nửa thế kỷ 19 và qua đời ở tuổi 74.
Cuốn "Hướng Tư kể chuyện Từ Hy" của Nhà xuất bản Công nhân Trung Quốc phát hành năm 2010, kể về nhiều chi tiết trong cuộc đời đặc biệt của người phụ nữ này.
Năm Quang Tự thứ 24 (tức năm 1908), Từ Hy Thái hậu lâm bệnh nặng và hấp hối. Ngự y bận rộn luôn chân luôn tay, kê những thuốc hồi sức để thái hậu hồi tỉnh: gạo một lượng (3,25 gram), nhân sâm năm phân (2,5 gram), đông mạch năm tiền (8/25 gram), thạch hộc tươi năm tiền, uống với nước ấm. Đây là bài thuốc cuối cùng mà Từ Hy Thái hậu được uống. Sau đó, bà cũng không vượt qua được quy luật của tự nhiên và một canh giờ sau khi uống thuốc thì về nơi chín suối.
Lời nói lúc hấp hối của bà khiến người đời kinh ngạc và để lại những dấu hỏi cho lịch sử, Xinhua cho hay. Người ta không lý giải được lý do một người phụ nữ hét ra lửa, ngồi lên ngai vàng một cách thành công, một thái hậu cai trị nhà Mãn Thanh suốt hơn nửa thế kỷ lại để lại lời trăng trối như vậy về phụ nữ.
Theo tác giả Hướng Tư, phó giám đốc thư viện Bảo tàng Cố cung và có nhiều tác phẩm nghiên cứu về lịch sử cũng như văn hóa cung đình Trung Quốc, giới nghiên cứu cho rằng Từ Hy có ba suy nghĩ khi trăng trối như vậy.
Triều Thanh đã đến thời mạt vận
Từ Hy Thái hậu trong những năm tháng cuối đời. Ảnh:Bbs.voc.com.cn
Đầu tiên, Từ Hy Thái hậu chắc chắn biết rất rõ triều đình Mãn Thanh sẽ chấm hết dưới tay mình. Là một thái hậu nắm quyền, bà biết như có một bàn tay vô hình của gia tộc Ái Tân Giác La lựa chọn bà làm người kết thúc thế nghiệp của họ như một định mệnh.
Bà tự phụ, kiên định và đầy trí tuệ, dưới bàn tay sắt của bà, nhiều nhân vật tinh tú của vương triều Mãn Thanh đều cam tâm tình nguyện khuất phục, đặc biệt là ba người Tăng Quốc Phiên, Lý Hồng Chương, Viên Thế Khải.
4 người đều tuổi Mùi, trong đó ba người đàn ông mang những tham vọng, trí tuệ hơn người, như một món quà quý mà ông trời ban thưởng cho người phụ nữ cầm quyền này. Họ dùng sức thu phục của cá nhân, trí tuệ và sự dũng cảm phò tá Từ Hy, giúp bà cầm quyền suôn sẻ trong suốt 48 năm sóng gió của đế quốc phương Đông.
Nhưng sau khi Từ Hy chết, đế quốc rộng lớn này gặp thù trong giặc ngoài, chịu đựng trăm nghìn vết thương lớn nhỏ, được giao vào tay một đứa trẻ ba tuổi, đế quốc này sẽ trụ được bao lâu? Từ Hy biết rằng nhiều lắm cũng chỉ 5 năm.
Phụ nữ cuồng vọng không đáng tin
Từ Hy là một người phụ nữ cá tính, việc bà muốn làm nhất định sẽ làm được, bà luôn đạt được những điều mình mong muốn. Tính cách lạnh lùng, trí tuệ, bình tĩnh và không gì lay chuyển được khiến chồng bà, Hoàng đế Hàm Phong vừa nể phục vừa khiếp sợ.
Trước khi qua đời, Hoàng đế Hàm Phong đã rất lo lắng cho vương triều nhà Thanh, cũng đầy lo lắng cho Hoàng hậu Từ An, người mà ông hết mực yêu quý. Sau nhiều ngày suy nghĩ, Hàm Phong ra một mật chỉ cho hoàng hậu, đại ý viết rằng nếu Hoàng tử Tái Thuần kế vị ngai vàng thì Lan Nhi (tức Từ Hy), mẹ đẻ của Tái Thuần, nếu không thể an phận thủ thường thì hãy thủ tiêu Lan Nhi. "Trẫm không tin tưởng người này, sau này nếu biết an phận thì thôi, còn nếu không thì theo chiếu chỉ này, lệnh cho quần thần diệt trừ người đó đi", Hàm Phong nói.
Hàm Phong là một hoàng đế phóng đãng, nhưng ông không dám sơ suất đối với giang sơn xã tắc mà tổ tiên để lại. Ông sắp xếp, dự tính cái kết xấu nhất cho Lan Nhi, người mà ông cũng yêu mến và luôn luôn kính sợ.
Lời nói cuối cùng của Từ Hy cũng chứng minh cho suy nghĩ của Hàm Phong: Không thể tin tưởng phụ nữ, phụ nữ mất đi lý trí và cuồng vọng trên chính trường lại càng không thể tin. Người phụ nữ cai trị một đế quốc rộng lớn và làm cho đế quốc đó phát triển không ngừng, lại càng không đáng tin.
Phụ nữ kiệt xuất nghìn năm mới có một
Bức họa Từ Hy Thái hậu và phòng ngủ cùng tư trang của bà. Ảnh:Cntmedia
Xét về tổng thể, Từ Hy thái hậu là một phụ nữ siêu phàm nhưng kiêu căng. Trong mắt bà, không có nhiều người được coi trọng. Từ Hy biết rằng những người phụ nữ như bà cả nghìn năm mới có một. Từ thời Võ Tắc Thiên đến thời Từ Hy cũng là 1.000 năm. Khổng Tử từng nói, 500 năm mới xuất hiện một thánh nhân cũng còn khó.
Tuy nhiên, dù rằng Từ Hy có trí tuệ, khôn ngoan, đầu óc rộng mở, dù là bà hoàng cai trị vương triều to lớn này dễ như trở bàn tay, khiến những người đàn ông phải khúm núm, bà cũng không tránh khỏi những khuyết điểm bẩm sinh của phụ nữ: tầm nhìn ngắn, bị tình cảm chi phối, bất chấp hậu quả. Lời cuối của Từ Hy thể hiện sự thất vọng với phụ nữ và cũng là điều mà bà muốn nhắn nhủ với đời sau.
Ngày Từ Hy qua đời, 21.10 năm Quang Tự thứ 34 (tức 14.11.1908) cũng là một ngày đặc biệt. Trước đó chỉ 10 giờ đồng hồ, Hoàng đế Quang Tự cũng qua đời ở tuổi 38. Chỉ trong 24 giờ, Hoàng thái hậu và Hoàng đế qua đời, triều đình rối loạn, thiên hạ rối ren. Lời trăng trối của Từ Hy không được ghi trong sử sách đời Thanh, cuốn "Lịch sử nhà Thanh: truyện Hậu, Phi". Người đầu tiên tiết lộ câu chuyện này là Edmund Burke, một người Anh, được cho là người tình cuối cùng của Từ Hy, công bố trong cuốn "Từ Hy ngoại truyện" xuất bản tháng 9.1910, hai năm sau khi Từ Hy qua đời.