Tham dự lễ kỷ niệm có Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện các bộ ban ngành từ trung ương tới địa phương, đại diện của các tầng lớp nhân sĩ trí thức.. .
Các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại lễ mít tinh. Ảnh: Trần Như
Phát biểu tại biểu tại lễ mít tinh trọng thể, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khái quát lại cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn một cách trọn vẹn, sâu sắc với tình cảm đặc biệt và lòng tôn kính.
Chủ tịch Nước Trần Đại Quang khẳng định: Bác Tôn là nhà lãnh đạo mẫu mực, người cộng sản kiên cường, người bạn chiến đấu, thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời, đã suốt đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại lễ mít tinh
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: “ Với 92 tuổi đời, gần 70 năm liên tục hoạt động cách mạng, Bác Tôn đã có nhiều công lao, đóng góp to lớn, góp phần cùng Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ VN lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng cao đẹp của Bác Tôn là tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, sự trung thành và tận tụy với sự nghiệp cách mạng; tinh thần anh dũng, bất khuất; đức tính khiêm tốn giản dị; tình yêu thương đồng chí, đồng bào, tinh thần đại đoàn kết dân tộc và tình đoàn kết quốc tế vô sản. Đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nêu rõ: Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân chính là chất người Tôn Đức Thắng, sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người...
Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng là đại thụ trong rừng cây đại đoàn kết dân tộc. Người đã cống hiến trọn đời mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Kỷ niệm là dịp để chúng ta ôn lại, tưởng nhớ bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Tôn Đức Thắng".
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng bức ảnh Bác Hồ - Bác Tôn cho tỉnh An Giang
Hơn 70 năm cống hiến cho công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, tên tuổi, sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng gắn liền với lịch sử thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam. Và với uy tín với Đảng, nhân dân, Bác Tôn giữ nhiều trọng trách quan trọng, như: Tổng Thanh tra Chính phủ, Quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua ái quốc, Chủ tịch danh dự Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban Liên Việt toàn quốc, Hội trưởng Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên Xô, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội (nay là Chủ tịch Quốc hội) và là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, sau này là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Kế tục sự nghiệp của Bác Hồ, Bác Tôn đã lãnh đạo đưa đất nước giải phóng, phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội.
Bên cạnh khí chất của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, Chủ tịch Tôn Đức Thắng còn là một nhà lãnh đạo mẫu mực của cách mạng Việt Nam, suốt đời trung thành với Tổ quốc, với dân tộc, hết lòng tận tụy vì Đảng, vì dân. Là người cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, Chủ tịch Tôn Đức Thắng còn là biểu tượng cao đẹp của tinh thần đoàn kết giai cấp, đoàn kết toàn dân tộc. Hơn 27 năm trên cương vị Chủ tịch Mặt trận Liên Việt và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bác đã luôn tận tâm, tận lực vươn cao ngọn cờ đại đoàn kết để lãnh đạo, tổ chức, xây dựng, củng cố, phát triển Mặt trận Đoàn kết dân tộc góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng của Đảng ta.
Bí thư Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại lễ mít tinh
Phát biểu trong lễ kỷ niệm, Bí thư tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân khẳng định: “Nhớ về Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chúng ta không chỉ kính trọng phẩm chất chính trị, tài năng tổ chức và năng lực trí tuệ của một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc, mà còn khâm phục, yêu mến một nhân cách lớn, cao thượng và trong sáng, phẩm chất cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, biết quy tụ, đoàn kết và lãnh đạo toàn thể nhân dân, là tấm gương sáng để các thế hệ hôm nay và mai sau tôn vinh và học tập.
Cùng với đó là lối sống mộc mạc, khiêm tốn, chan hòa tình cảm, sẵn lòng chia sẻ khó khăn với đồng chí, đồng bào; khi đã trở thành một vị nguyên thủ quốc gia. Với truyền thống cách mạng hào hùng, với lòng tự hào về tấm gương, đạo đức cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, với ý chí vươn lên mạnh mẽ, không lùi bước trước những khó khăn, thách thức của người dân vùng đất phương Nam, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và nhân dân An Giang đã đoàn kết một lòng, tập trung khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh đưa quê hương Bác Tôn vượt lên nghèo khó, đạt được những thành tựu to lớn và khá toàn diện như hôm nay.
Đi cùng với quá trình phát triển của Tỉnh, vùng đất Cù lao Ông Hổ - xã Mỹ Hòa Hưng nghèo khó năm xưa đã không ngừng thay da đổi thịt. Qua bao thế hệ, người dân Mỹ Hòa Hưng vẫn giữ gìn truyền thống đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo, chia ngọt sẻ bùi qua những việc làm, hành động cụ thể nhằm thể hiện lòng tôn kính, tình yêu thương sâu sắc của người dân Mỹ Hòa Hưng nói riêng, của Đảng bộ và nhân dân An Giang nói chung đối với Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Những câu chuyện cảm động về việc thành lập cơ sở cách mạng, tổ chức đấu tranh, cảm hóa bạn tù của người “cặp rằn hầm xay lúa” và những cuộc tổ chức vượt ngục là những minh chứng sinh động về ý chí sắt đá, niềm tin mãnh liệt vào cách mạng của người chiến sĩ cộng sản Tôn Đức Thắng.
Sau lễ mít tinh trọng thể là chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên: “Chủ tịch Tôn Đức Thắng - người con kiên trung của Nam Bộ thành đồng”. Đây là lần đầu tiên một chương trình nghệ thuật được thực hiện công phu, hoành tráng, sáng tạo và đầy tính nghệ thuật, tái hiện lại cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ khi còn là một cậu bé sinh ra trên đất cù lao Ông Hổ, cho đến khi trở thành Chủ tịch nước.