Tôi nhớ một hôm khi e dè gọi điện về nhà bảo với bố: “Con muốn ly hôn, tối nay hai mẹ con bắt xe về nhà mình được không ạ?”. Thay vì một tiếng an ủi, hỏi thăm xem có chuyện gì, bố tôi lại quát lên trong điện thoại: “Nhà này không chứa chấp cái loại đàn bà bị chồng bỏ. Mày đi được đâu thì đi đi!”. Rồi chỉ khoảng 5 phút sau, tôi nhận được cuộc gọi từ mẹ, chưa rõ đầu đuôi như nào, mẹ nói: “Mẹ cắn răng cắn cỏ lạy con, con mà bỏ chồng thì về đây làm sao sống nổi, làng xóm láng giềng người ta nói cho. Con nhìn mẹ đây, 30 năm lấy chồng, bao nhiêu trận đòn rồi mà vẫn sống được đấy thôi! Hay hớm gì bỏ chồng, nhịn được thì nhịn đi!”.
Nghe xong những lời bố mẹ nói, nhìn xuống vết bầm tím trên chân mình sau khi bị chồng vơ vội cái chày nện vào, không hiểu sao tôi không thể khóc được. Lẽ ra những lúc đau đớn, đau khổ như thế, tôi phải có gia đình để dựa vào, vậy nhưng không hề. Bố mẹ tôi thậm chí còn coi chuyện vợ chồng xô xát là bình thường, từng kết luận rằng đàn ông 10 người thì 8 người đánh vợ. Nhìn vào ngay trong gia đình tôi đấy, rồi những nhà xung quanh trong làng tôi đấy. Các ông cầm điếu cày phang ngang lưng của vợ là bình thường, mang hết áo quần của vợ ra giữa đường đốt và hét lên: “Cút, cút!” là bình thường.
Ảnh minh họa.
Nhưng dù có bị đuổi, bị đánh như thế nào thì những người vợ vẫn cam chịu, vẫn không nghĩ đến chuyện rời nhà ra đi. Họ cho rằng qua hết những cơn cuồng nộ, chồng họ lại trở về hiền lành, vui vẻ như bình thường. Và quả thật, những người đàn ông vũ phu ấy khi về già cũng trở nên thuần tính hơn, không còn đánh vợ nhiều như trước. Nhưng đấy cũng là lý do khiến những người đàn bà trong làng tôi, bao gồm cả mẹ tôi tin rằng, chỉ cần chịu đựng được qua những ngày tháng bão giông thời trẻ thì về già sẽ có thể bình yên bên nhau. Họ coi đức tính nhẫn nhịn, cái miệng lặng im của một người đàn bà là phẩm chất cần có nhất trong hôn nhân.
Tôi lớn lên trong môi trường như thế nhưng vẫn luôn cố giữ cho mình niềm tin vào tình yêu đích thực. Tôi tin ở ngoài kia sẽ vẫn còn những người đàn ông tốt, không đánh vợ dù chỉ bằng một nhành hoa. Tôi đã mang theo đức tin này và phải lòng chồng tôi bây giờ. Khi yêu, anh rất ngọt ngào, lịch lãm trong mọi cử chỉ như luôn dắt xe cho tôi, kéo ghế ra cho tôi khi cả hai cùng đi ăn, gắp thức ăn trước cho tôi, nhường tôi áo mưa... Những điều đó khiến tôi quên mất việc thu nhập của anh không cao, ngoại hình bình thường để ngu ngơ tin yêu anh và mơ về một ngôi nhà êm ấm nơi bão dừng sau cánh cửa. Thế nhưng tôi đâu biết tất cả chỉ là một chiêu bài đánh lừa của anh.
Ảnh minh họa.
Sau đám cưới, anh lột bỏ vẻ bề ngoài đạo mạo ngày nào, thay vào đó bằng một ông chồng cộc cằn, vô tâm và thích dùng tay chân quá đà. Trong bất kỳ cuộc cãi vã nào, tôi cũng lãnh đủ những cái tát, cái đấm của anh ta. Trên người tôi, từ trán cho đến tay, chân, vùng bụng, hông đều có những vết tích của việc bị đánh, vết này chưa lành lại đến vết sau. Tiện bất cứ thứ gì trong tầm với như cái chày, cái điện thoại, có khi là cả cái kéo... anh ta đều có thể lao ngay về phía tôi nếu như bỗng dưng nổi cơn điên.
Những mâm cơm cũng bị anh ta hất ngược nhiều lần, bát đĩa vỡ tan, tung tóe. Hay có hôm con khóc đêm không dỗ được, anh ta bật dậy đá lia lịa vào người tôi vì cái tội không cho anh ta ngủ. Tôi nhớ có hôm, đứng ngay giữa siêu thị, anh ta còn túm tóc tôi lôi về vì tội “cố ý không mang tiền” và ví anh ta cũng hết tiền...
Những trận đòn như thế thường xuyên xảy ra với tôi. Có lúc bình tĩnh tôi nghĩ mình đã chai lỳ đến mức không biết phải nói gì nữa, cứ nên im lặng nuôi con, mạnh ai người nấy sống. Thế nhưng trong những lúc bị đánh, tôi thật sự lại không can tâm. Tôi rất muốn mang con bỏ đi, trốn thoát khỏi cuộc hôn nhân này. Thế nhưng tôi không đủ dũng khí để đối mặt với tiếng dị nghị của người đời về việc bỏ chồng, càng không thể về nhà để bôi tro trát trấu vào mặt bố mẹ tôi.
Chẳng lẽ cuộc đời tôi cứ nên oằn mình gánh chịu những trận đánh như thế này, đợi chờ có phép màu khiến chồng tôi thay đổi hay sao? Tôi cũng tự hỏi, nếu có ngày đó xảy ra, tôi có còn sống nữa hay không.