Theo đại diện Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI), viện được Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cấp bằng bảo hộ giống cây trồng đối với thanh long ruột đỏ LĐ1. Giống này sau đó đã được chuyển giao cho một doanh nghiệp tư nhân là Công ty Hoàng Phát Fruit theo đúng quy định của pháp luật và được Văn phòng Bảo hộ Giống cây trồng đăng thông tin rộng rãi trên website.
Do đó, công ty Hoàng Phát Fruit có các quyền và nghĩa vụ liên quan theo Luật Sở hữu trí tuệ, Pháp lệnh giống cây trồng, các Nghị định, Thông tư quy định về sở hữu trí tuệ và bảo hộ giống cây trồng… “Ngoài ra, do giống thanh long ruột đỏ LĐ1 được nghiên cứu bằng tiền ngân sách nhà nước nên sau khi chuyển nhượng, số tiền thu được đã nộp về ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành”, vị này cho biết.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu Trí tuệ số 50/2005/QH11 đã được Quốc hội ban hành, hiệu lực từ ngày 1.1.2010, có quy định cụ thể về vấn đề này.
Theo đó, Điều 3, Luật Sở hữu trí tuệ được Luật Sửa đổi, Bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ quy định, đối tượng quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch.
Còn Điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ cũng được sửa đổi, bổ sung như sau: Quyền sở hữu trí tuệ được hiểu là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.
Luật quy định quyền bảo hộ giống cây trồng thực hiện trên cả vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch, nghĩa là cả cây giống và hoa trái thu hoạch từ giống đó. Ảnh: Nguyên Vỹ.
Trong khi đó, “giống cây trồng” là quần thể cây trồng thuộc cùng một cấp phân loại thực vật thấp nhất, đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống, có thể nhận biết được bằng sự biểu hiện các tính trạng do kiểu gen hoặc sự phối hợp của các kiểu gen quy định và phân biệt được với bất kỳ quần thể cây trồng nào khác bằng sự biểu hiện của ít nhất một tính trạng có khả năng di truyền được.
“Vật liệu nhân giống” là cây hoặc bộ phận của cây có khả năng phát triển thành một cây mới dùng để nhân giống hoặc để gieo trồng. Còn “vật liệu thu hoạch” là cây hoặc bộ phận của cây thu được từ việc gieo trồng vật liệu nhân giống”.
Như vậy, việc thu phí bảo hộ giống cây trồng trên từng trái thanh long thu hoạch trên vườn trồng bằng giống LĐ1 là đúng theo quy định của pháp luật.
Việt Nam đã có nhiều hơn các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp trong nước tham gia đăng ký bảo hộ giống cây trồng. Ảnh: Nguyên Vỹ.
Ông Nguyễn Thanh Minh – Chánh Văn phòng Bảo hộ Giống cây trồng (Cục Trồng trọt) cho rằng, hiện nay, pháp luật chỉ quy định về quyền bảo hộ giống cây trồng, còn mức phí thì tùy vào thương lượng giữa đôi bên. Riêng đối với cây ăn quả, phần chia sẻ phí này giữa nông dân và chủ sở hữu hiện chỉ ở mức tượng trưng.
Về ý kiến cho rằng, các viện, trường sử dụng ngân sách nhà nước để nghiên cứu, sau đó lại chuyển nhượng quyền bảo hộ cho doanh nghiệp là không hợp lý, ông Minh thừa nhận, các Viện, trường chỉ nên chuyển giao các giống mới, tiến bộ kỹ thuật cho doanh nghiệp và bà con nông dân thay vì chuyển nhượng hoàn toàn.
Tuy nhiên, khi xây dựng Luật Sở hữu trí tuệ, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam chỉ vừa mới xây dựng hệ thống bảo hộ giống cây trồng, số lượng đơn bảo hộ của các viện, trường cũng không nhiều nên Luật cho phép chuyển nhượng để khuyến khích các đơn vị thực hiện bảo hộ giống cây trồng. Trong tương lai, khi phát triển hơn thì Luật có thể được chỉnh sửa thì việc này là không được phép.
Ngoài ra, việc cho phép chuyển nhượng các giống cây trồng do viện, trường nghiên cứu cũng giúp tạo ra thêm nguồn thu cho viện, trường tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu mới, trong tình hình ngân sách chi cho nghiên cứu khoa học còn hạn chế như hiện nay.
Giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng sản phẩm cao hơn nên nông dân thường bán được giá cao. Trong ảnh: Bà Tư Xị (Long An) vừa chuyển hơn 1.100 trụ thanh long từ ruột trắng sang giống ruột đỏ LĐ1. Ảnh: Nguyên Vỹ.
Cũng theo ông Minh, sau một thời gian thực hiện bảo hộ giống cây trồng, ý thức về đăng ký bảo hộ bản quyền đối với giống cây trồng ở Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Ngoài các doanh nghiệp, cơ quan nước ngoài, hiện các thành phần tư nhân, thậm chí là nhiều nông dân Việt Nam, cũng đã tham gia đăng ký bảo hộ giống cây trồng.
“Bảo hộ giống cây trồng áp dụng đối với cả các giống cây chọn tạo, nghiên cứu mới và các giống cây mới phát hiện, với một số đặc tính nổi bật nào đó. Đối với cây thanh long, tới thời điểm hiện tại, ngoài 2 giống đã được cấp bằng bảo hộ của Viện Cây ăn quả miền Nam là LĐ1 và LĐ5 thì cơ quan cũng vừa nhận được 2 đơn bảo hộ giống thanh long mới của tư nhân.”, ông Minh thông tin thêm.