Hơn ba năm qua, dù phải tự chăm sóc mình, nhưng ông Hiền, hiện 70 tuổi, ở quận Thủ Đức, TP HCM, luôn cảm thấy vui vẻ, thoải mái vì được làm việc mình thích. Sáng sớm tập thể dục, ăn xong, ông nhâm nhi ly trà với mấy người hàng xóm, rồi túc tắc đi làm làm nhân viên bảo vệ cho một văn phòng ở gần nhà. Chiều đến thì tạt qua chơi với mấy đứa cháu nhỏ đến tối khuya. Những ngày cuối tuần, ông tham gia các câu lạc bộ hưu trí. Nhìn ông lạc quan, khỏe mạnh, ít ai biết rằng, để được như vậy, ông đã phải đấu tranh suốt thời gian dài.
Thời trai trẻ, ông Hiền làm nghề lái xe và gặp bà Thương cùng tuổi, buôn bán ở chợ. Năm 1976, họ kết hôn, có một con trai đã lập gia đình riêng. Tuổi cao, sức khỏe yếu, ông không thể lái xe đường dài nhiều như trước nữa, vì thế bà Thương hết cằn nhằn, mắng chửi rồi dùng bạo lực với chồng. Chịu không thấu, ông từng muốn chia tay vào các năm 2006, 2009, 2010, sau đó lại mủi lòng vì bà ra sức níu kéo, hứa sẽ dịu hiền, nhỏ nhẹ hơn.
Năm 2014, sau gần 4 năm phải dọn ra ngoài sống, ông cũng không tránh được những trận đòn và sỉ vả của vợ nên quyết ly hôn một lần nữa.
Luật sư Hoàng Cao Sang từng gặp không ít vụ án ly hôn mà người chồng đứng đơn vì vợ bạo hành tinh thần hoặc thể xác. Ảnh: P.T.
“Lần này, nếu không được tòa chấp nhận, tôi sẽ đưa đơn mãi. Tôi bỏ đi, nhớ con cháu về thăm cũng không yên với bà ấy”, ông khẳng định và thổ lộ sẽ gắng làm việc, tiết kiệm tiền khi khỏe, lúc yếu sẽ vào viện dưỡng lão.
Ở tòa, bà Thương giải thích những lần đánh chồng là vì nhà hết tiền, công việc buôn bán không thuận lợi, trong khi đó, ông chỉ ở nhà, chẳng làm gì giúp vợ còn đánh bài đến nợ nần. “Tôi biết mình sai rồi. Bây giờ tôi đang bệnh, sẽ không chịu được cú sốc này đâu”, bà năn nỉ. Ông một hai không chịu.
TAND TPHCM nhận thấy, hai ông bà đã ly thân từ lâu, ba lần trước, bà hứa thay đổi nhưng không làm được nên chấp nhận yêu cầu của ông.
Luật sư Hoàng Cao Sang, đoàn luật sư TP HCM cho biết, chuyện vợ đánh chồng không phải hiếm trong các gia đình hiện nay. Có rất nhiều nguyên nhân khiến người phụ nữ dùng bạo lực. Họ bị áp lực cuộc sống, người chồng không chịu làm việc, nghiện cờ bạc, rượu chè, ngoại tình. Có người vợ bị đánh đập suốt thời gian dài nên bộc phát ức chế... Tuy vậy, không ít trường hợp chồng thực sự là nạn nhân của bà vợ ghê gớm.
Ông Sang còn nhớ như in hình ảnh anh chồng làm nghề lái xe cẩu cho một công ty xây dựng mặt sưng húp, thất thiểu đến nhờ tư vấn làm sao dứt được người vợ xinh đẹp, giao tiếp rộng, có địa vị xã hội nhưng hay hắt hủi và đánh chồng. Anh cho biết hay phải đi công trình xa, tháng chỉ về đôi ba lần. Ở nhà chị có bồ. Người tình của chị là quý ông lịch lãm, thành đạt. Mỗi lần hai vợ chồng gặp nhau là chị chửi bới, chê chồng yếu kém, chân tay suốt ngày lấm lem.
Nghĩ mình không bằng vợ, anh gắng nhẫn nhịn cho con có một gia đình. Nắm được điểm yếu đó chị lấn lướt hết lần này đến lên khác. Chịu đựng đến gần 10 năm anh quyết định đường ai nấy đi. Sau bốn lần ra tòa, người chồng mới được giải thoát.
“Lúc đầu, anh ấy muốn tôi tư vấn cho cách làm sao có thể giữ vợ. Tôi nói, vợ chồng phải có tình yêu, trân trọng và thỏa mãn nhu cầu cho nhau. Vợ chồng anh từ lâu không có điều đó nữa, níu kéo liệu có hạnh phúc. Hơn một năm sau, anh ấy mới quyết định đường ai nấy đi”, luật sư Sang nói.
Theo luật sư Sang, thông thường, những vụ án ly hôn do chồng bị đánh khó được tòa chấp nhận hơn phụ nữ, vì đây là việc khó tin, khó chứng minh. Phụ nữ thường chân yếu tay mềm rất khó chống lại sức mạnh của người đàn ông. Vì thế, khi giải quyết vụ việc, đa số tòa chủ yếu căn cứ vào các yếu tố như: tình cảm không hòa hợp, mâu thuẫn tài chính, đã ly thân thời gian dài… để tuyên án.
Cùng bị vợ bạo hành suốt thời gian dài mà anh Hương (quận 3, TP HCM, là bác sĩ có phòng khám riêng) phải hết lần này đến lần khác đưa đơn ra tòa. Lần cuối cùng diễn ra vào tháng 6/2014. Anh kể, hai vợ chồng yêu nhau khi cùng học một trường đại học và nên duyên năm 1999, có ba con, hai trai, một gái.
"Cô ấy suốt ngày ghen, dùng đồ đạc trong nhà ném tôi”, anh chồng kể. Nhiều lần góp ý không được, anh rất buồn bực nhưng chẳng thể làm khác. Trước đây, cũng vì nghĩ cho các con, anh nhẫn nhịn, nhưng giờ thì "con giun xéo lắm cũng quằn".
Ở tòa, chị ra sức năn nỉ, hứa sửa sai, sẽ tin tưởng chồng, nhưng anh thì ngược lại. Sau khi cung cấp được các bản ghi âm, hình ảnh mình bị vợ đánh, anh được tòa chấp nhận.
Một thẩm phán của TAND TPHCM cho biết, tòa từng thụ lý rất nhiều án ly hôn do người chồng bị bạo hành, nhưng khi xét xử, tòa phải căn cứ vào các bằng chứng như: vết thương, băng ghi âm, hình ảnh, người chứng kiến hoặc có biên bản làm việc của cơ quan công an thì mới có thể áp dụng để tuyên án. Thế nhưng, các đương sự lại không cung cấp được, vì thế mới xảy ra tình trạng nhiều lần phải nộp đơn.
Theo tài liệu của Viện khoa học xét xử - Tòa án nhân dân tối cao, năm 2010, trong hơn 10 nghìn vụ ra tòa án hôn nhân và gia đình, có 42% án ly hôn xuất phát từ bạo lực gia đình. Trong đó, tỷ lệ vợ đánh chồng là 0,6%, vợ mắng chửi chồng là 8,5%, vợ cưỡng ép chồng “trả bài” là 1,6%. Những vụ việc vợ bạo hành chồng gây thương tích nghiêm trọng hoặc tổn thương sâu sắc về tinh thần chứng tỏ bản năng bạo hành có ở cả hai giới.
* Tên nhân vật đã thay đổi
(*) Tít bài đã được Dân Việt đặt lại.