Dân Việt

Thứ trưởng Bộ Nội vụ chỉ cách thanh lọc "tiến sĩ giấy", "thạc sĩ giấy"

Thành An 22/08/2018 07:15 GMT+7
Dẫn câu nói của danh sĩ Thân Nhân Trung “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa chỉ ra 3 cách chọn, lọc người tài.

Bộ Nội vụ cho biết, sắp tới, sẽ tham mưu cho Chính phủ sửa 6 dự án Luật và 26 Nghị định. Trình xây dựng đề án tổng thể sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đủ 50% chuẩn diện tích tự nhiên, dân số theo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; sắp xếp, sáp nhập tổ dân phố đảm bảo tinh gọn hiệu quả và nâng cao chất lượng đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã thôn, tổ dân phố theo Nghị quyết Trung ương 6.

Có chính sách thu hút người tài

Liên quan đến việc sáp nhập đơn vị hành chính huyện, xã dư luận xã hội đặt ra nhiều vấn đề cần Bộ Nội vụ làm rõ như: làm sao chống tình trạng chạy chọt, chạy sáp nhập, chạy chức chạy quyền? Giải quyết vấn đề cơ cấu tổ chức bộ máy thế nào, có tồn tại tình trạng thừa cấp phó hay không? Tiêu chí nào để bổ nhiệm người đứng đầu ở đơn vị sáp nhập?,Mới đây, chia sẻ với báo chí tại cuộc họp báo Thường kỳ của Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nhìn nhận: dư luận rất quan tâm về tình trạng chạy chọt để giữ vị trí, chạy để nhập, chạy để không nhập. 

“Ý kiến của dư luận là hoàn toàn chính đáng và giúp việc xây dựng đề án trước khi trình các cấp có thẩm quyền chặt chẽ, hiệu quả hơn” – Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nói và cho rằng: “việc này có liên quan đến tính đồng bộ của chính sách”.

img

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa. Ảnh: T.An

Lấy ví dụ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, khi sáp nhập có đồng chí đang làm chủ tịch, lãnh đạo, sáp nhập không làm nữa, sắp xếp thế nào thì phải có hướng dẫn.

“Vấn đề chọn người thế nào, 2 ông chủ tịch UBND xã sáp nhập còn 1 ông thì chọn ông nào là phải theo một quy trình rất chặt chẽ. Ví dụ cấp xã phân cấp cho Ban thường vụ huyện uỷ xem xét quy trình cụ thể từ đánh giá cán bộ, tiêu chuẩn, điều kiện, phương án bố trí ra sao…” – ông Thừa nói.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa, trước đây từng sáp nhập nhiều Bộ thành một Bộ hay việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội thì số lượng cấp phó đến hàng chục người nên việc này cũng được tính toán khi lập đề án. 

Mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí con người một cách tốt nhất phục vụ cho nền hành chính hiệu lực, hiệu quả nhất. Khi dự báo được, tính toán khoa học, sắp xếp hợp lý thì bộ máy đó sẽ phát huy được hiệu quả cao nhất.

“Không chỉ Bộ Nội vụ mà các địa phương khi làm đề án rất thận trọng vì yếu tố ổn định. Có ổn định thì mới phát triển được. Đề án này đã được sắp xếp một cách khoa học, bố trí hợp lý, có tính đến độ trễ trong một thời gian có lộ trình” - ông Thừa nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Thừa cho rằng, với đòi hỏi của xã hội, so sánh với kinh nghiệm của nước ngoài, Việt Nam cần tiếp tục cải cách mạnh hơn. Theo đó, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết, vừa qua, Chính phủ ra Nghị định 140 về chính sách thu hút sinh viên xuất sắc và nhà khoa học trẻ... Khi thiết kế ban hành nghị định này, Bộ Nội vụ tham mưu để thu hút thực sự được người tài.

Thanh lọc “tiến sĩ giấy”, “thạc sĩ giấy”

Đề cập đến việc lợi dụng chính sách thu hút nhân tài để “cài cắm” người nhà vào bộ máy, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đặt vấn đề: Tại sao lại có nhiều trường hợp muốn vào Nhà nước, nhưng ngược lại cũng có nhiều người muốn rời cơ quan Nhà nước? Trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước có cần phải cạnh tranh với các loại hình khác không?

img

Ảnh minh họa. 

“Hiện nay nhiều tổ chức nước ngoài đã thu hút được nhiều nhân tài cao cấp, nếu không có chính sách tốt sẽ không kéo được người tài vào bộ máy Nhà nước” – ông Thừa nói và cho biết “Bộ Nội vụ đưa ra mục tiêu thu hút đối tượng này phải xuất sắc, phải trong độ tuổi trẻ, là tiến sĩ hoặc thạc sĩ”.

Tuy nhiên, ông Thừa cho rằng: “đội hình này rất đông, nhiều tiến sĩ giấy, thạc sĩ giấy, nhiều loại hình đào tạo, từ xa, không tập trung cũng tiến sĩ, thạc sĩ. Do đó, Bộ Nội vụ phải lọc qua kênh thứ hai là phải có bài báo nước ngoài, hoặc công trình nghiên cứu được cấp có thẩm quyền đánh giá. Rồi khi học trung học phổ thông đã là người tài phải tham gia và đoạt giải ba quốc gia trở lên, hoặc tham gia thi quốc tế. Sang công đoạn lọc thứ 3, hàng năm sẽ cập nhật, theo dõi và công khai, ai học tốt, học giỏi sẽ biết ngay. Sau này khi đạt tiêu chuẩn, chắc chắn sẽ nhận được sự giám sát chặt chẽ”.

Bên cạnh đó, với những người đáp ứng đủ điều kiện được ưu tiên tuyển dụng thẳng, không phải thi. Về chế độ, những đối tượng này khi ra trường được hưởng ngay bằng lương của chuyên viên chính bậc 1, tiến sĩ thì bậc 2.

“Những quy định đó để cố gắng sàng lọc không bị “cài cắm” người, lựa chọn những người không thực sự là xuất sắc. Chính sách này tuy đã được rà soát kỹ rồi nhưng cũng mong quá trình thực hiện, đặc biệt là năm đầu tiên chúng tôi sẽ có những sơ kết đánh giá” - ông Thừa nhìn nhận.

 Cần làm tốt 10 nhiệm vụ, giải pháp

Ông Phan Văn Hùng - Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho biết: trong đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021 do Bộ Nội vụ xây dựng có đưa ra 10 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó có công tác chỉ đạo, lãnh đạo của cấp uỷ các cấp, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện sáp nhập.

Theo ông Hùng, một trong những nội dung đề án đặt ra là sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức và những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong đó chú trọng đến công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức để bảo đảm bố trí những người đủ phẩm chất.

Đề án còn nhấn mạnh đến việc chính quyền  địa phương các cấp chủ động triển khai và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi chuyển đổi giấy tờ liên quan và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát khi sáp nhập.

“Làm tốt 10 giải pháp này, cũng như thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp thì chúng tôi tin rằng việc triển khai sẽ đồng bộ và đạt kết quả tốt” - ông Hùng cho hay.