Dân Việt

Nhà văn Trung Trung Đỉnh - tuổi 70 và món quà sinh nhật quá chất

Khánh Linh 22/08/2018 07:00 GMT+7
Để mừng sinh nhật lần thứ 70 của nhà văn Trung Trung Đỉnh, NXB Trẻ vừa dụng công hoàn thành một bộ sách gồm đúng 7 cuốn đều là những tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau của nhà văn. Chưa dừng lại ở đó, một buổi lễ ra mắt sách kiêm mừng sinh nhật cũng đã được tổ chức rất trang trọng và ấm nồng.

Cũng từng nhiều lần là nơi tổ chức các sự kiện, các buổi ra mắt, giới thiệu sách, nhưng có lẽ quán cà phê Trung Nguyên trên phố Hàng Bài (Hà Nội) chưa bao giờ đông như ngày hôm qua (21.8) trong cuộc gặp gỡ trò chuyện thân tình mang tên “Trung Trung Đỉnh – những khoảnh khắc đời người”. Rất đông các bạn bè văn nghệ sĩ đã đến chia vui với tác giả “Lạc rừng”: nhà văn Nguyên Ngọc, nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Ngô Thảo, nhà văn Bảo Ninh, họa sĩ Đỗ Phấn… Nhiều người đến muộn một chút thậm chí đã không còn chỗ đứng và chỉ có thể chúc mừng nhà văn từ xa. Nói theo cách của nhà thơ, nhà báo Hữu Việt: Căn phòng đó quá nhỏ không thể chứa đựng được sự vạm vỡ của Trung Trung Đỉnh và chữ tình mọi người dành cho ông.

img

Đông đảo bạn bè văn nghệ sĩ và những bạn đọc yêu mến nhà văn Trung Trung Đỉnh cùng đến chia vui với nhà văn nhân dịp ra mắt bộ sách 7 cuốn. Ảnh: Hữu Việt

Không giấu nổi xúc động trước món quà đặc biệt đầy thịnh tình này, chủ nhân của bộ sách 7 cuốn – đồng thời là nhân vật trung tâm của buổi lễ sinh nhật kiêm ra mắt sách rưng rưng cho biết, ông chưa bao giờ tổ chức sinh nhật và đây là lần đầu tiên. Tự nhận mình là người “rất chịu khó nhưng làm cái gì cũng xộc xệch”, nhà văn Trung Trung Đỉnh còn tiết lộ bao nhiêu năm qua cũng chưa từng làm một buổi ra mắt sách nào, kể cả khi ông còn làm Giám đốc NXB Hội Nhà văn.

img

Nhà văn Trung Trung Đỉnh xúc động khi lần đầu tiên được tổ chức một lễ ra mắt sách kiêm sinh nhật hoành tráng. Ảnh: Hữu Việt

“Đây đúng là một kỷ lục xuất bản. Nhưng trước hết và trên hết đây là một thái độ văn hóa, một tấm lòng của những người làm sách ở NXB Trẻ đối với một nhà văn, một tác giả, rộng ra là đối với văn hóa, văn học.”

Nhà phê bình văn học
Phạm Xuân Nguyên

Tên cuộc gặp gỡ trò chuyện và giới thiệu sách lần này cũng chính là tựa đề của cuốn sách thứ 6 trong bộ sách gồm 7 cuốn (5 cuốn tái bản và 2 cuốn được in mới) mà NXB Trẻ vừa cho ra mắt như một món quà ý nghĩa dành tặng sinh nhật 70 tuổi của nhà văn Trung Trung Đỉnh. Cùng với các cuốn tiểu thuyết “Lạc rừng”, “Lính trận”, “Tiễn biệt những ngày buồn”, “Ngược chiều cái chết” và tập truyện ngắn “Lời chào quá khứ” đã quen thuộc với bạn đọc từ trước đó thì 2 cuốn mới toanh trong bộ sách lần này là cuốn bút ký, tản văn “Những khoảnh khắc đời người” và cuốn chân dung văn học “Nhà văn thì phải biết đùa”.

Dày dặn và cũng dễ hút bạn đọc nhất trong bộ sách 7 cuốn của nhà văn Trung Trung Đỉnh có lẽ là cuốn chân dung văn học với cái tên thoạt nghe đã thấy hóm: “Nhà văn thì phải biết đùa”. Những nhân vật được ngòi bút Trung Trung Đỉnh phác họa cũng toàn là những tên tuổi quen thuộc trong giới văn nghệ sĩ, mà một lần nữa, thoạt nghe tựa bài đã thấy duyên, như: “Ù à ù ờ như gã Bảo Ninh”, “Trần Đăng Khoa – thằng cuội ngồi gốc cây… thơ”, “Thợ thầy thầy thợ Phạm Ngọc Tiến”, “Phạm Xuân Nguyên – chém gió mà gió ngược chiều”…

Theo lời nhà văn Trung Trung Đỉnh, “Nhà văn thì phải biết đùa” là sự “rắp tâm” từ nhiều năm qua của ông cho ra đời một cuốn sách “bạn văn bạn đời & bạn giang hồ” kể về cái sự các nhà văn làm việc và sống với nhau thế nào, nhất là thời hậu chiến đất nước có nhiều gập ghềnh trắc trở cả về vật chất lẫn tinh thần. “Đây chỉ là những ký họa chân dung, viết về các anh bạn vong niên, những người thầy của tôi. Tôi cũng viết một ít về các bạn đồng nghiệp cùng trang lứa do cái duyên này duyên nọ mà chúng ta có một thời chung sống với nhau. Vui có buồn có, hay có dở có”, nhà văn Trung Trung Đỉnh viết trong lời tựa sách.

img

Bộ sách 7 cuốn vừa ra mắt của nhà văn Trung Trung Đỉnh

Nhà văn Trung Trung Đỉnh (tên thật là Phạm Trung Đỉnh) sinh ra và lớn lên tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Học hết phổ thông, ông lên đường nhập ngũ tháng 4.1968, Nam tiến và chiến đấu tại chiến trường An Khê và các địa bàn thuộc tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ đang trong giai đoạn ác liệt nhất. Ông gắn bó máu thịt với đất và người Tây Nguyên, đến mức có thể sử dụng thành thạo cả tiếng Ba Na – Gia Rai.

Tây Nguyên cũng chính là đề tài quen thuộc, trở đi trở lại trong các tác phẩm mang đầy hơi thở núi rừng của Trung Trung Đỉnh - từ ký, truyện ngắn cho tới tiểu thuyết. Các tác phẩm của ông đã đạt được nhiều giải thưởng, tiêu biểu là: Giải thưởng văn học ASEAN, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2007).