Gần đây, giới doanh nghiệp Việt Nam chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ đến bất ngờ của các đại gia hàng đầu. Có những sự chuyển hướng lĩnh vực kinh doanh một cách hoàn toàn khác biệt khiến nhiều người ngỡ ngàng. Trong đó, nổi bật lên là các đại gia bất động sản, được biết đến là lĩnh vực tạo ra nhiều tỷ phú nhất Việt Nam hiện nay.
Gã “khổng lồ” bất động sản Vingroup bất ngờ hướng đến trở thành một tập đoàn công nghệ
Theo thông tin từ Vingroup, ngày 21/8/2018 tại Hà Nội, Tập đoàn này đã ký kết thỏa thuận hợp tác với hơn 50 trường Đại học hàng đầu Việt Nam và bất ngờ công bố định hướng trở thành Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ đẳng cấp quốc tế trong tương lai.
Các nội dung hợp tác đáng chú ý giữa Vingroup và các trường Đại học đó là tài trợ các dự án nghiên cứu khoa học - công nghệ, trao đổi học hỏi kinh nghiệm giữa các giáo sư, nhà nghiên cứu hay cam kết sẽ tiếp nhận khoảng 100.000 sinh viên các ngành công nghệ thông tin trong vòng 10 năm tới.
Tại lễ ký kết, Tập đoàn Vingroup đã công bố chiến lược đầu tư vào lĩnh vực Công nghệ - Công nghiệp với mục tiêu đến năm 2028, đại gia bất động sản này sẽ trở thành một Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ đẳng cấp quốc tế, trong đó công nghệ chiếm tỷ trọng chính.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng muốn định hướng Vingroup trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu
Về mảng công nghiệp: Vingroup tiếp tục đẩy mạnh sản xuất ô tô với thương hiệu Vinfast và các sản phẩm điện thông minh-gia dụng. Dự kiến cuối 2018, Vingroup sẽ cho ra mắt điện thoại và tivi thông minh, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp ra thị trường thế giới.
Còn về mảng công nghệ, Vingroup định ba hướng phát triển chính trong 10 năm tới. Thứ nhất là tập trung đầu tư nhân sự, hạ tầng để phát triển sản xuất phần mềm với việc thành lập công ty VinTech, tách ra từ VinSmart. VinTech sẽ tập trung nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất phần mềm và nghiên cứu phát triển nguyên vật liệu thế hệ mới.
Thứ hai là tập trung đầu tư trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao VinTech City theo mô hình của thung lũng Silicon tại Hà Nội. Thứ ba là lập Quỹ Đầu tư về công nghệ với nhiệm vụ tìm kiếm các cơ hội hợp tác, phát triển những dự án công nghệ - trí tuệ nhân tạo có khả năng ứng dụng cao trên phạm vi toàn cầu.
Vingroup cũng chính thức cho ra mắt một loạt doanh nghiệp và viện nghiên cứu để định hướng cho chiến lược này như Công ty Phát triển Công nghệ VinTech, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn, Viện Nghiên cứu Công nghệ cao Vin Hi-Tech và Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Khoa học – Công nghệ Ứng dụng.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm 2018 của Vingroup, mảng chuyển nhượng và cho thuê bất động sản vẫn chiếm 76,8% doanh thu toàn tập đoàn này. Như vậy, với chiến lược mới công bố này, có thể thấy Vingroup đang chuyển hướng sang một hướng kinh doanh hoàn toàn khác so với lĩnh vực cốt lõi hiện tại.
Đại gia bất động sản nghỉ dưỡng FLC lấn sân sang lĩnh vực hàng không
Một doanh nghiệp đình đám khác cũng đã gây bất ngờ trong giới kinh doanh gần đây là tập đoàn FLC khi quyết định lấn sân sang lĩnh vực đang phát triển với tốc độ “vũ bão” là hàng không. Theo kế hoạch, FLC sẽ đầu tư Dự án vận tải Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tại cảng Phù Cát, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Dự án có tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu chiếm 100%. Sau đó, FLC còn ra nghị quyết tăng vốn cho hãng hàng không này lên 1.300 tỷ đồng.
FLC lấn sân sang lĩnh vực hàng không với Bamboo Airwayss
Để phục vụ cho hoạt động bay, tháng 3/2018, Tập đoàn FLC đã ký thỏa thuận mua 24 máy bay A321 NEO của Airbus. Đến tháng 6/2018, FLC tiếp tục ký kết thỏa thuận mua 20 máy bay 787-9 Dreamliner của Boeing. Tổng giá trị của các thương vụ mua bán máy bay này lên tới cả chục tỷ USD.
Ngày 9/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt dự án cho phép thành lập Bamboo Airways. Hãng dự kiến những chuyến bay đầu tiên sẽ được cất cánh vào tháng 10 năm nay, đồng thời lên kế hoạch mở 37 tuyến bay nội địa và quốc tế trong thời gian tới. Mới đây nhất, ngày 18/8, FLC đã chính thức cho ra mắt hãng hàng không Bamboo Airways.
Hoàng Anh Gia Lai và ông trùm ô tô THACO bắt tay phát triển tập đoàn nông nghiệp công nghệ cao
Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức là doanh nghiệp phát triển lớn mạnh từ lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, đến năm 2013, khi thị trường bất động sản khó khăn, bầu Đức đã dần thoái khỏi lĩnh vực này và chuyển hướng sang nông nghiệp, thủy điện, khai khoáng.
Kể từ đó tới nay, Hoàng Anh Gia Lai đã liên tục đầu tư vào các sản phẩm nông nghiệp khác nhau từ mía đường, cao su, dầu cọ cho tới bò thịt. Tuy nhiên hầu như các sản phẩm này đều chưa mang lại thành công, thậm chí khiến HAGL ngập ngụa trong nợ nần. Đến năm 2017, Hoàng Anh Gia Lai đã quyết định tập trung toàn lực vào mảng cây ăn trái.
Đến thời điểm hiện tại, hướng đi này bước đầu đã mang đến cho HAGL những kết qủa tích cực nhất định. Nhìn thấy tiềm năng ở mảng nông nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai, tỷ phú USD Trần Bá Dương - Chủ tịch THACO Trường Hải đã quyết định bắt tay với bầu Đức để phát triển lĩnh vực này.
Bầu Đức bắt tay với tỷ phú USD Trần Bá Dương để phát triển nông nghiệp công nghệ cao
HAGL và THACO đã chính thức kí kết hợp tác chiến lược vào ngày 8/8 dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đại gia ngành ô tô Việt Nam đã quyết định rót hàng chục ngàn tỷ đồng vào công ty Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai với quyết tâm tái cơ cấu và xây dựng doanh nghiệp này trở thành một tập đoàn nông nghiệp có quy mô lớn theo hướng công nghiệp hiện đại.
Như vậy, đại gia bất động sản một thời và “ông trùm” ô tô Việt đều tìm thấy điểm chung và đầu tư vào một lĩnh vực có thể nói là không mấy liên quan tới mảng sản phẩm đã đưa họ lên đỉnh cao.
Xây dựng được một thương hiệu nổi tiếng nhưng mâu thuẫn nội bộ đang khiến Trung Nguyên trở nên rối ren.