11 giờ 30 trưa nay, chứng kiến bộ tứ Phạm Thị Thảo - Tạ Thị Huyền - Lường Thị Thảo - Hồ Thị Lý bước vào đường đua chung kết rowing thuyền 4 mái chèo đôi 2000m, ít người tin họ sẽ là những người mang về tấm HCV cho Thể thao Việt Nam tại ASIAD.
Nhưng cuối cùng, "song Thảo" cùng Huyền, Lý đã cán đích với thành tích 7 phút 01 giây 11, bỏ xa đội về nhì là Iran (7 phút 04 giây 38).
Chị cả Phạm Thị Thảo (ngoài cùng bên trái) hạnh phúc với tấm HCV ASIAD lịch sử của đua thuyền rowing Việt Nam. Ảnh: Thanh Niên
Chia sẻ với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ nhiệm bộ môn đua thuyền Hà Nội không giấu nổi sự nghẹn ngào:
"Đã 15 năm trôi qua từ ngày tôi trao tấm HCV giải vô địch châu Á 2003 cho VĐV Vũ Đăng Tuấn, đến nay, chúng ta mới được thỏa ước mơ đứng trên đỉnh ASIAD".
Theo ông Thắng, để có được 1 VĐV như Vũ Đăng Tuấn đã hiếm rồi, giờ chúng ta lại có tận 4 cô gái đi vào lịch sử đua thuyền nước nhà:
"Tôi nghĩ, điều đầu tiên phải cảm ơn chuyên gia người Australia Donnelly Joseph Ignatius. Đó là người đã giúp đỡ đua thuyền Việt Nam gần như vô điều kiện trong suốt gần chục năm qua".
Chuyên gia người Australia Donnelly Joseph Ignatius là người có công lớn giúp đua thuyền rowing giành được tấm HCV ASIAD 18. Ảnh: Văn Thắng
Là người gắn bó và đam mê với đua thuyền, ông Thắng bảo tấm HCV ASIAD 18 đã thỏa lòng mong mỏi của lớp lớp thế hệ HLV, VĐV đua thuyền nước nhà:
"Hai kỳ ASIAD 2010, 2014, chúng ta đều giành HCB ở nội dung này do thua Trung Quốc. Ở góc độ đó, có thể thấy một chút may mắn khi Trung Quốc năm nay không đủ lực lượng hoặc họ không chú trọng nội dung này nữa.
Dù sao khoảng cách gần 3 giây so với đội xếp thứ 2 đã thể hiện sự vượt trội, thắng thuyết phục để giành HCV của đua thuyền rowing Việt Nam. 3 giây đó nói đơn giản thôi nhưng ước tính phải rơi vào khoảng 15m đấy".
Trong số 4 VĐV giành HCV ASIAD 2018 chỉ còn Phạm Thị Thảo ở tuổi 29 là "gạch nối" giữa 2 tấm HCB Á vận hội 2010, 2014 với đứa đàn em:
"Thảo đam mê đua thuyền. Khi mới chập chững tập rowing, đã có hôm bị ngã xuống nước ở Hồ tây và suýt chết đuối vì... không biết bơi.
Bao nhiêu khó khăn không làm em nản chí và tiếp tục "cuộc đua", dù các bạn cùng lứa giờ đã nghỉ cả".
Ông Thắng cho biết thêm, trong quá trình tập huấn tại Australia chuẩn bị cho ASIAD, Thảo không đi cùng đội rowing do mới trở lại sau khi sinh con.
Tuy nhiên, cuối cùng cô đã kịp trở lại để làm nên kỳ tích:
"Hồi Olympic 2016, Thảo cũng đã dành suất dự Thế vận hội nhưng đã nhường cho đồng đội do mới sinh con và mang bầu. Tấm HCV ASIAD 2018 có thể coi là phần thưởng tuyệt vời dành cho em", ông Thắng chốt lại.