Trung Nguyên, Vinacafe Biên Hòa, Nestle vốn được xem là 3 ông lớn thống lĩnh trên thị trường café hòa tan tại Việt Nam. Trong đó, chỉ có Vinacafe Biên Hòa niêm yết công khai trên sàn chứng khoán, Nestle là công ty thuộc sở hữu nước ngoài, còn riêng Trung Nguyên vẫn là một doanh nghiệp khá “bí ẩn”.
Gần đây, những mâu thuẫn trong nội bộ của café Trung Nguyên đang thu hút được rất nhiều sự chú ý. Câu chuyện xoay quanh sự tranh chấp giữa chủ tịch Trung Nguyên là ông Đặng Lê Nguyên Vũ và vợ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo từ năm 2015 đến hiện tại vẫn chưa có hồi kết. Chắc chắn những lục đục về nội bộ lãnh đạo cấp cao sẽ ít nhiều ảnh hưởng không tích cực tới tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong khi đó, đối thủ của Trung Nguyên là Vinacafe Biên Hòa trên thị trường café hòa tan vẫn đang kinh doanh khá ổn định sau khi về tay của Masan Beverage. Cuối năm 2011, Masan Beverage đã mua vào 13,3 triệu cổ phần của Vinacafe, tương đương tỷ lệ nắm giữ trên 50%. Sau đó, công ty này liên tục chi tiền để tăng sở hữu và hiện tại đã thâu tóm gần như toàn bộ cổ phần của Vinacafe.
Hoạt động sản xuất của Vinacafe Biên Hòa
Với vốn điều lệ chỉ 265 tỷ đồng, doanh thu của VCF hàng năm vẫn đạt cả ngàn tỷ đồng và lãi ròng hàng trăm tỷ đồng. VCF là một trong số những doanh nghiệp có chỉ số thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) cao nhất trên thị trường chứng khoán. Năm 2017, EPS của Vinacafe đạt hơn 14 ngàn/cổ phiếu. Còn chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, EPS của doanh nghiệp này đã đạt trên 11 ngàn đồng/cổ phiếu.
Năm |
2015 | 2016 | 2017 | 6T2018 |
Doanh thu | 3.095 | 3.394 | 3.430 | 1.465 |
Lợi nhuận sau thuế | 295 | 384 | 372 | 295 |
Kết quả kinh doanh của VCF từ 2015 đến nay. Đơn vị: tỷ đồng
Về café hòa tan, Trung Nguyên nổi bật với G7, Vinacafe Biên Hòa với Gold hay Wake up, còn Nestle là Nescafe 3 in 1. Năm 2014, Vinacafe tiết lộ một nghiên cứu của Nielsen Việt Nam, theo đó, trên thị trường café hòa tan, Vinacafe chiếm 41% thị phần, thứ hai là Nestlé (26,3%), thứ ba là Trung Nguyên (16%).
Tuy nhiên, doanh thu mảng café hòa tan của Vinacafe Biên Hòa lại đang sụt giảm khá nhanh từ 2015. Năm 2017, doanh thu dòng sản phẩm café hòa tan của Vinacafe Biên Hòa chỉ còn hơn 1.700 tỷ đồng, giảm 300 tỷ so với 2016 và giảm gần 550 tỷ so với mức đỉnh năm 2014. Mặc dù vậy, nhìn vào kết quả này, có thể thấy tỷ suất sinh lời của lĩnh vực kinh doanh café là khá cao.
Trong khi đó, Trung Nguyên vẫn tập trung chủ lực vào café khi cho ra đời thêm các mảng sản phầm khác, nổi bật là thương hiệu Trung Nguyên Legend. Ngoài café hòa tan, Trung Nguyên còn thành công với mảng café rang xay. Theo chia sẻ với báo giới, doanh thu của Trung Nguyên dao động trong khoảng 3.800 – 3.900 tỷ đồng trong giai đoạn 2015-2017.
Trong lúc Trung Nguyên vẫn còn bề bộn nhiều vấn đề nội bộ, Vinacafe Biên Hòa đã tìm lại được hướng đi mới với dòng sản phẩm nước tăng lực. Doanh thu dòng sản phẩm này đã tăng từ gần 800 tỷ đồng năm 2016 lên 1.225 tỷ đồng trong năm 2017, đóng góp tương đối lớn vào lợi nhuận của công ty này.
Bắt đầu từ năm 2017, Vinacafe Biên Hòa đã cố gắng để phục hồi lại thương hiệu café hòa tan đang dần kém đi của mình bằng cách đẩy mạnh các sản phẩm cũ chưa hiệu quả hay tung ra nhiều sản phẩm mới, ví dụ như cà phê hòa tan 3 trong 1 Wakeup Sài Gòn hay và cà phê hòa tan 3 trong 1 Wake-up Thượng Hạng.
Xây dựng được một thương hiệu nổi tiếng nhưng mâu thuẫn nội bộ đang khiến Trung Nguyên trở nên rối ren.