Còn nhiều “lỗ hổng”
Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết, để sẵn sàng cho đợt kiểm tra, đánh giá của đoàn thanh tra EC vào đầu tháng 1.2019 sắp tới, có hai nhiệm vụ quan trọng mà ngành nông nghiệp phải thực hiện từ nay đến cuối năm để cải thiện tình hình khai thác hải sản chống IUU, gồm ngăn chặn, chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác để đưa vào chế biến, xuất khẩu.
Bộ NNPTNT chọn 3 tỉnh Bình Định, Kiên Giang và Quảng Ninh để tập trung triển khai các biện pháp thực thi IUU. Ảnh: Nguyên Vỹ
Theo VASEP, ngoài việc tiếp tục các giải pháp về chính sách, cần nâng cao hơn nữa năng lực thực thi của Ban quản lý cảng cá; nâng cao khả năng và rút ngắn thời gian xử lý các đề nghị của EU qua cổng IUU Việt Nam. Đồng thời hàng tháng Tổng cục Thủy sản cung cấp dữ liệu nguồn lợi và sản lượng khai thác cho cộng đồng doanh nghiệp với ít nhất các loài thuộc tốp 10 – 20 loài xuất khẩu chủ yếu. |
Bộ NNPTNT cũng đã xác định chọn 3 tỉnh là Bình Định, Kiên Giang và Quảng Ninh để tập trung nguồn lực, triển khai các biện pháp đồng bộ, cụ thể về chống khai thác IUU hay thực hiện các khuyến nghị của EC.
Riêng hai tỉnh Kiên Giang và Quảng Ninh, Bộ đã tổ chức đoàn đi làm việc và chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp để cả cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và ngư dân thực hiện tốt các mục tiêu đề ra.
Theo đánh giá của ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản), công tác thực thi pháp luật để đảm bảo việc kiểm soát tàu cá Việt Nam không vi phạm khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài vẫn chưa hiệu quả. Trong khi đó, trách nhiệm của quốc gia treo cờ (quản lý tàu cá) và trách nhiệm của quốc gia ven biển (bảo vệ nguồn lợi thủy sản) cũng chưa đáp ứng được yêu cầu.
“Thậm chí, các quy định của Luật Thủy sản về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, việc kiểm soát chặt tàu cá ra vào cảng, hoạt động của tàu thuyền trên biển… cũng chưa được thực hiện tốt” - ông Tuấn nhận định.
Ngoài ra, công tác xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu của châu Âu. “Việt Nam vẫn chưa kiểm soát được sản phẩm khai thác báo trên giấy tờ so với thực tế. Do vậy, cần tăng cường công tác kiểm soát tàu cá tại cảng, trên biển và sử dụng dữ liệu giám sát hành trình của tàu cá một cách hệ thống, chính xác để đảm bảo sản phẩm thủy sản xuất sang thị trường châu Âu phải truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo tính hợp pháp” - ông Tuấn nhấn mạnh.
DN lo thiếu nguyên liệu
Những tác động của thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam đã khiến xuất khẩu vào thị trường Liên minh Châu Âu (EU) gặp nhiều khó khăn. DN trong nước rơi vào cảnh thiếu nguồn nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn để chế biến xuất khẩu. Dự báo mục tiêu 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản năm nay khó “về đích” nếu IUU không được cải thiện.
Bà Lê Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm VASEP Pro (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam) cho biết, tác động từ thẻ vàng IUU đang làm chỉ số tăng trưởng xuất khẩu hàng loạt mặt hàng hải sản sụt giảm so với cùng kỳ năm 2017.
Cụ thể, tổng xuất khẩu hải sản vẫn tăng trưởng 7,4% nhưng các chỉ số tăng trưởng từng mặt hàng đều thấp hơn so với cùng kỳ. Xuất khẩu hải sản sang EU sau thẻ vàng IUU chiếm 12-15% tổng xuất khẩu của cả nước và có chiều hướng giảm liên tục trong năm 2018 (4-20%). Với cá ngừ, dù duy trì tăng trưởng dương nhưng nếu cùng kỳ 2017, tốc độ tăng trưởng qua từng tháng đạt từ 20-34% thì năm nay chỉ đạt 1-15%.
Với mực và bạch tuộc, xuất khẩu các tháng năm nay tăng không ổn định và thấp hơn năm ngoái. Năm 2017, mức tăng dao động từ 44-64% nhưng năm nay chỉ tăng 4-28%. Riêng tháng 7.2018 giảm 15% sau khi tăng chậm 1,4% trong tháng 6. Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang EU liên tục giảm sâu từ 9-40%. Tính từ tháng 1 đến tháng 7.2018, xuất sang EU giảm 27%, đạt 46 triệu USD.
Theo bà Hằng, nếu tình hình không cải thiện, xuất khẩu hải sản vào EU sẽ còn giảm nữa. Dự báo xuất khẩu hải sản nửa cuối năm 2018 chỉ đạt khoảng 1,8 tỷ USD, đưa tổng xuất khẩu cả năm lên 3,2 tỷ USD, tăng 7%. Do đó, mục tiêu đóng góp 3,3-3,4 tỷ USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm nay khó hoàn thành.
Theo bà Trần Ngọc Tươi - Giám đốc Công ty Thủy sản Vĩnh Thuận (TP.HCM), do ảnh hưởng của thẻ vàng, công ty đang thiếu 70-80% nguyên liệu so với mức thiếu hụt 30-40% cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân là do việc tìm kiếm các nguồn nguyên liệu đáp ứng yêu cầu IUU khó khăn, việc đánh bắt trong nước không đảm bảo truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của EC trong khi hàng nhập khẩu thì vướng mắc nhiều quy định hành chính phức tạp.
Một số DN phải nhập nguyên liệu từ Đài Loan, Indonesia, Thái Lan để chế biến. Tuy nhiên, do tâm lý khách hàng thường thích hải sản đánh bắt tại vùng biển Việt Nam nên các DN xuất khẩu thủy sản thường phải từ chối các đơn đặt hàng do không thể đáp ứng được yêu cầu.