Chỉ được kê thêm giường khi quá tải
Đối với việc chỉ định sử dụng dịch vụ, chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu giám đốc các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) phải tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm, đúng các quy định chuyên môn trong việc chỉ định các dịch vụ cận lâm sàng; tăng cường điều trị ngoại trú, điều trị ban ngày, chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú theo đúng quy định; nâng cao chất lượng điều trị để giảm thời gian điều trị nội trú của người bệnh.
Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện thực hiện nghiêm, đúng các quy định chuyên môn trong việc chỉ định các dịch vụ cận lâm sàng (ảnh minh họa). Ảnh: Lê Mai
Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã phát hiện một số cơ sở KCB đã kê gấp 2-3 lần số giường bệnh chỉ tiêu; chỉ định tăng bất thường một số dịch vụ kỹ thuật; tỷ lệ bệnh nhân nằm nội trú cao bất thường; giá dịch vụ kỹ thuật cao hơn sử dụng thực tế; thực hiện không đúng quy trình kỹ thuật Bộ Y tế đã ban hành… Điều này ảnh hưởng đến chất lượng KCB và gây lãng phí, lạm dụng quỹ BHYT. |
Giám đốc cơ sở KCB và người trực tiếp chỉ định phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các trường hợp chỉ định sử dụng dịch vụ kỹ thuật, chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú, kéo dài thời gian điều trị nội trú không đúng theo các quy định về chuyên môn y tế. Thực hiện nghiêm các giải pháp giảm quá tải, trường hợp quá tải phải chuyển người bệnh xuống tuyến dưới, sang các cơ sở KCB khác trên địa bàn. Chỉ được kê thêm giường để người bệnh không phải nằm ghép đối với trường hợp thực sự quá tải; Không kê thêm giường bệnh trong trường hợp không sử dụng hết số giường theo kế hoạch được giao.
Các bệnh viện cần thực hiện đúng quy định về danh mục, tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT theo quy định tại Thông tư 35/2016 của Bộ Y tế; tăng cường và thường xuyên kiểm tra để tránh các trường hợp áp dụng sai mức giá dịch vụ, giá thuốc, vật tư y tế, tính sai số ngày điều trị nội trú…
Để tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ y tế sau khi điều chỉnh giá dịch vụ và sử dụng có hiệu quả Quỹ BHYT, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/thành phố, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, các cơ sở KCB trong toàn quốc tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Quyết định số 2151 của Bộ Y tế (ban hành kế hoạch triển khai thực hiện “đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”), đào tạo, tập huấn, xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có tinh thần, thái độ phục vụ văn minh, thân thiện.
Bệnh viện cần bố trí, điều tiết nhân lực và các buồng khám, bàn khám phù hợp với nhu cầu khám bệnh của người dân, đặc biệt là vào các thời điểm cao điểm để giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, bác sĩ và nhân viên y tế có đủ thời gian để khám, tư vấn cho người bệnh…
Giám sát chặt việc chỉ định điều trị
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu Cục Quản lý KCB làm đầu mối, phối hợp với các vụ, cục và đơn vị có liên quan chỉ đạo các cơ sở KCB tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về chuyên môn, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ; tổ chức việc kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động chuyên môn liên quan đến việc chỉ định sử dụng dịch vụ, thuốc, vật tư, chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú và các hoạt động chuyên môn khác.
Thanh tra Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các vụ, cục của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất và tổ chức thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất về công tác KCB và quản lý, sử dụng Quỹ BHYT.
Đối với Sở Y tế tỉnh, thành phố, Bộ Y tế yêu cầu phối hợp chặt chẽ với BHXH địa phương và các cơ sở y tế để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc về KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT.
Ngoài ra, các Sở Y tế cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về chuyên môn y tế, về KCB, giá dịch vụ y tế, tổ chức đấu thầu, cung ứng, quản lý và sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư y tế và thanh toán chi phí KCB BHYT tại các cơ sở KCB thuộc phạm vi quản lý, xử lý nghiêm, công khai các trường hợp vi phạm.
Các đơn vị cũng cần triển khai ngay đề án y tế cơ sở theo hướng dẫn của Bộ Y tế và đầy mạnh triển khai Thông tư 39/2017 của Bộ Y tế về quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở; Phối hợp với BHXH để bảo đảm đủ thuốc cho tuyến y tế cơ sở, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn để y tế cơ sở thực hiện việc theo dõi, quản lý, điều trị đối với các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính…