Dân Việt

Thông tin mới và bất ngờ dự án Luật về đặc khu

Lương Kết 25/08/2018 06:44 GMT+7
 Ngày 25.8, theo thông báo từ Văn phòng Quốc hội, dự kiến kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV (tháng 10.2018), Quốc hội chưa xem xét Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội những vấn đề liên quan đến dự án Luật vè đặc khu (ảnh Anh Tuấn).

Việc chưa xem xét dự luật này là để tiếp tục xin ý kiến cử tri, nhân dân, các tổ chức, các chuyên gia, các nhà khoa học để hoàn chỉnh Dự án Luật thông qua vào kỳ họp sau.

Như vậy dự án Luật này chưa được xem xét và thông qua tại kỳ họp thứ 6 như kế hoạch trước đó.

img

Quốc hội chưa xem xét và thông qua dự án Luật về đặc khu tại kỳ họp thứ 6 tới (ảnh minh họa, ảnh Quochoi.vn).

Dự án Luật này ban đầu dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 6.2018), tuy nhiên do nảy sinh những vấn đề và còn nhiều ý kiến khác nhau nên kế hoạch đã thay đổi. Cụ thể vào ngày 11.6, khi trình bày báo cáo đề nghị điều chỉnh thời gian xem xét thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết:

Kết quả tổng hợp ý kiến thảo luận tại Hội trường cũng như các góp ý bằng văn bản cho thấy đa số ý kiến tán thành với việc cần thiết ban hành dự án luật và phạm vi điều chỉnh; đánh giá cao sự tiếp thu, điều chỉnh dự án luật.

Tuy nhiên, đây là dự án Luật mới, phức tạp, chưa có tiền lệ; nhiều quy định về cơ chế, chính sách trong dự thảo Luật mang tính đột phá cả về tổ chức bộ máy và quan điểm, định hướng phát triển trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp; ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và cử tri về một số nội dung của dự án Luật còn khác nhau.

Trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và cử tri, UBTVQH đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý Dự án Luật theo hướng không quy định trường hợp đặc biệt thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu có thể được kéo dài không quá 99 năm.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép lùi việc thông qua Dự án Luật này từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội, cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân; hoàn thiện dự thảo luật, đảm bảo xây dựng thành công 3 đặc khu, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia.

Cũng liên quan tới dự án Luật này, bên hành lang Quốc hội, khi trả lời báo chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói sẽ lắng nghe ý kiến của dư luận, của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia. "Chúng ta sẽ phải điều chỉnh lại vấn đề thời gian thuê đất một cách phù hợp với những nguyện vọng mà Nhân dân đã phản ánh", Thủ tướng nói.

Thủ tướng nói thêm: "Tôi xin nói rằng, đây là đất thuê, thuê theo quy trình nào, hằng năm UBND trình Hội đồng Nhân dân giá thuê đất, chứ không phải giao đất vĩnh viễn kiểu nhượng tô, nhượng địa như Hồng Kông, Ma Cao (Trung Quốc trước đây), nhiều người hiểu lầm vấn đề này".