Chúng tôi có mặt tại làng chài An Cường vào trưa 12.12, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là một bờ vực cao hơn 4m, với chiều dài ước trên 70m kéo dọc theo khu dân cư của thôn này. Nằm chênh vênh ngay trên bờ vực là hàng chục ngôi nhà, cái nằm gần nhất cách mép vực chưa đầy 0,5m.
Gia đình anh Khanh bên ngôi nhà bị sóng đánh sập một vách. |
Trong căn chòi tạm được vây bằng bạt nylon, gương mặt vẫn chưa hết kinh hoàng, anh Võ Hồng Khanh (36 tuổi), kể: Chiều tối 9.12, do nhà nằm gần mép nước nên khi thấy sóng quá lớn anh đã đưa mẹ già, vợ và 3 đứa con nhỏ đến lánh nạn ở nhà người quen phía trong, anh và người anh ruột ngồi trông chừng.
Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, nghe tiếng đổ ầm ầm, cả hai hoảng hốt chạy ra sân. Trong ánh điện yếu ớt hắt ra từ ngôi nhà bên cạnh, anh Khanh sững sờ khi thấy gian nhà giữa, bếp và công trình phụ của mình, với chiều dài hơn 15m đã biến mất.
Cụ Nguyễn Thị Của (80 tuổi) được chính quyền địa phương xây cho ngôi nhà Tình thương gần 30 triệu đồng cách đây mấy năm. Đợt triều cường trước, sóng đã "nuốt" mất phần đất bên ngoài, “đưa” ngôi nhà đến ngay miệng vực. Một số người dân ở gần, cho biết: Cứ mỗi lần sóng lớn tràn vào, bọt nước bắn tung và phủ đầy mái nhà. Theo đó, cụ Của lại phải vào nương náu nhờ nhà con gái, vốn chẳng khá giả gì.
Ông Nguyễn Hữu Công - Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết: Xã đã cử người xuống giúp dân vận chuyển đồ đạc, dựng nơi ở tạm. UBND huyện đến kiểm tra, đồng thời cấp gạo hỗ trợ với mức 15kg/người/khẩu cho gia đình bị sập nhà.
Dù đã có đất tái định cư nhưng do gia cảnh của đa số các hộ phải di dời đều quá khó khăn nên với số tiền hỗ trợ theo quy định là 10 triệu đồng/trường hợp, họ cũng không thể làm nhà lại được. Theo thống kê của chính quyền xã Bình Hải, toàn xã hiện có khoảng 175 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở do biển xâm thực.
Công Xuân