Anh Vinh bắt đầu trồng nấm rơm cách đây trên 10 năm, khi đó, anh được một người bạn ở xã Nhơn An (huyện An Nhơn) hướng dẫn. Sau những thất bại ban đầu anh đã đúc kết kinh nghiệm, muốn thành công phải tuân thủ các quy trình ủ rạ, tạo gồng, cấy meo, tưới nước, che chắn gồng nấm… hợp lý để nấm sinh trưởng, phát triển tốt.
Anh Thái Hùng Vinh kiểm tra vườn nấm sắp cho thu hoạch. |
Với diện tích đất trống trong vườn nhà rộng 7.500m2 kết hợp thuê thêm đất vườn thừa của các hộ gần nhà, anh trồng luân phiên mỗi tháng 5-6 đợt nấm để có sản phẩm thường xuyên bán vào những ngày đầu tháng và ngày rằm âm lịch. Theo anh Vinh, thường vào những ngày này giá nấm khá cao phục vụ nhu cầu ăn chay của người dân.
Hiện, mỗi tháng anh sản xuất mỗi đợt khoảng 6 mẫu rạ, thu hoạch bình quân khoảng 200kg nấm thương phẩm. Với giá nấm ổn định 50.000-60.000 đồng/kg, mỗi tháng anh thu trên 20 triệu đồng. Để có nguồn nguyên liệu rơm rạ sản xuất thường xuyên, sau mỗi vụ sản xuất lúa, anh tổ chức đi thu mua rạ ở địa phương và một số vùng lân cận để dự trữ và triển khai sản xuất dần dần.
Anh Vinh cho biết: "Ở nông thôn, sau mỗi vụ sản xuất, nguồn rơm rạ nhiều, rất lãng phí. Nếu mình biết tận dụng nguồn nguyên liệu này sẽ mang lại nguồn thu nhập đáng kể".
Ngoài sản xuất nấm rơm, anh còn tổ chức trồng mai, sanh kiểng để tăng thêm nguồn thu nhập. Mỗi năm nấm, mai kiểng đem về anh từ 250-300 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 200 triệu đồng. Không những tạo nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình, anh Vinh còn giúp đỡ nhiều hộ trong vùng kỹ thuật làm nấm rơm để tăng thêm thu nhập. Nhiều năm liền, anh được bà con bình chọn là ND sản xuất kinh doanh giỏi.
Nguyễn Quý