Dân Việt

Trao quyền tự công bố sản phẩm, siết chặt kiểm tra an toàn thực phẩm

Lê Mai 28/08/2018 06:18 GMT+7
Việc doanh nghiệp được phép công bố sản phẩm khiến nhiều người lo ngại an toàn thực phẩm (ATTP) bị lơi lỏng. Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế), thay vì cấp phép trên giấy tờ, cơ quan thẩm quyền sẽ tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm, doanh nghiệp vi phạm.

Tăng cường kiểm tra, xử phạt

PGS - TS Nguyễn Thanh Phong cho biết, đầu tháng 2 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP thay thế cho Nghị định 38, trong đó giảm 90% thủ tục hành chính liên quan đến ATTP để tạo thông thoáng cho doanh nghiệp (DN). Nghị định 15 cho phép DN được tự công bố sản phẩm của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật, thay vì gửi hồ sơ công bố tới các cơ quan nhà nước để xác nhận, chỉ trừ một số sản phẩm phải công bố tại Bộ Y tế và Sở Y tế.

img

Tuyên truyền về an toàn thực phẩm cho tiểu thương ở Đà Nẵng. Ảnh: Cục ATTP

Với quy định này, cơ quan quản lý nhà nước sẽ chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm như trước sang hậu kiểm. “Chúng ta tạo điều kiện thông thoáng cho DN nhưng không buông lỏng quản lý. Thực hiện Nghị định 15, số đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm ATTP tăng lên, số cơ sở được thanh tra, kiểm tra nhiều hơn và số cơ sở bị xử lý cũng nhiều hơn” – ông Phong khẳng định.

Cũng theo ông Phong, hành lang pháp lý trong quản lý ATTP cũng như “bức tranh” ATTP đã khởi sắc hơn nhiều. Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, đã thanh, kiểm tra được 351.128 cơ sở, phát hiện 68.362 cơ sở vi phạm ATTP, chiếm 19,47%; đã xử lý 15.707 cơ sở (chiếm 22,98% số cơ sở vi phạm), trong đó phạt tiền 13.017 cơ sở với số tiền hơn 35 tỷ đồng.

Thanh tra các cấp còn đình chỉ lưu hành sản phẩm 167 cơ sở; yêu cầu 330 cơ sở có nhãn phải khắc phục; tiêu hủy sản phẩm của 2.822 cơ sở; tiêu hủy 3.121 loại thực phẩm do không bảo đảm an toàn. Các vi phạm chủ yếu về ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm; sản xuất kinh doanh thực phẩm không công bố theo quy định, vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở, về trang thiết bị dụng cụ; về con người…

Người tiêu dùng cần tỉnh táo

PGS Phong cũng nhận định, dù công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm về ATTP đã được làm quyết liệt, các vụ ngộ độc ATTP đã giảm, nhưng vẫn còn nhiều cơ sở, nhiều cá nhân vì lợi nhuận mà bất chấp pháp luật, coi rẻ sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, gian dối trong sản xuất, tuồn ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng... Đặc biệt, nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng đã được quảng cáo sai, trôi nổi trên mạng xã hội khiến cơ quan kiểm tra khó xử phạt.

Theo PGS Phong, hiện nay người tiêu dùng rất tin vào các quảng cáo, vẫn còn dễ dãi trong lựa chọn, mua bán, sử dụng thực phẩm. Nhiều người tiêu dùng sẵn sàng mua các sản phẩm liên quan tới sức khỏe qua kênh online mà không cần tìm hiểu nguồn gốc sản phẩm.

Cũng có hiện tượng nhiều người kinh doanh, kể cả các bác sĩ, dược sĩ vì không hiểu biết quy định pháp luật mà vô tình tiếp tay cho các đối tượng kinh doanh gian dối, như việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh. Cục ATTP đã nhiều lần gửi văn bản đến lãnh đạo các bệnh viện để quản lý cán bộ y tế, tránh vi phạm về quy định này.

PGS Phong khuyến cáo người tiêu dùng nên cân nhắc lựa chọn các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc, nhãn mác, không dùng sản phẩm trôi nổi, hàng xách tay, nhất là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng. Nếu sản phẩm chưa được công bố tiêu chuẩn và cũng không thông qua giám sát, cấp phép của cơ quan quản lý sẽ khó đảm bảo có an toàn với người sử dụng hay không.