Đế chế công nghệ Samsung bắt đầu từ cá khô và bột mì
Samsung được thành lập bởi Lee Byung - Chull vào năm 1938 tại Taegu, Hàn Quốc. Công ty bắt đầu hoạt động như một đơn vị xuất khẩu thực phẩm, vận chuyển các mặt hàng như cá khô và bột mì sang Trung Quốc. Từ những năm 1950 – 1960, Samsung mở rộng sang các lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và dệt may.
Samsung Electronics thành lập vào năm 1969. Ban đầu, công ty chủ yếu sản xuất TV, chiếc TV đen trắng đầu tiên của Samsung được ra mắt thị trường lần đầu tiên vào năm 1970. Sau đó, Samsung mở rộng kinh doanh sang nhiều lĩnh vực khác nhau như hóa dầu, sản xuất máy giặt, tủ lạnh và lò vi sóng.
Từ những năm 1980, Samsung tập trung mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực điện tử. Công ty bắt đầu sản xuất ra các loại TV màu, máy tính cá nhân, VCRs, và máy ghi âm. Đầu những năm 1990, Samsung tiến hành sản xuất bộ nhớ và ổ đĩa cứng cho máy tính cá nhân. Lĩnh vực này đã trở thành một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh của Samsung hiện nay.
Năm 1999, Samsung cho ra mắt một trong những sản phẩm điện thoại di động đầu tiên và đây cũng là lĩnh vực mang lại lợi nhuận lớn nhất cho Samsung. Đầu những năm 2000, Samsung bắt đầu sản xuất TV HD. Đến 2010, Samsung cho ra mắt chiếc điện thoại Android cao cấp đầu tiên của mình đó là dòng Galaxy S và đang phát triển rất mạnh đến thời điểm hiện tại.
Samsung Digital City – nơi tập trung những người sáng tạo nhất trên thế giới về làm việc. Ảnh: news.samsung.com
Hiện tại Samsung là một tập đoàn đa ngành hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh đại gia công nghệ của thế giới là Samsung Electronics, các công ty con của Samsung đều có vị trí hàng đầu trên thế giới như: Samsung Life Insurance và Samsung Fire and Marine Insurance trong lĩnh vực bảo hiểm; Samsung Heavy Industries trong lĩnh vực đóng tàu; Samsung Engineering và Samsung C&T trong xây dựng; hay Cheil Worldwide trong lĩnh vực quảng cáo tiếp thị…
Điểm đáng chú ý là bên cạnh Samsung, nhiều ông lớn công nghệ cũng khởi đầu với những lĩnh vực mà ít ai ngờ tới. Ví dụ như, LG khởi đầu từ kem mỹ phẩm, Nokia bắt đầu với một xưởng gỗ làm giấy hay Panasonic bắt đầu với đuôi bóng đèn.
Vingroup đi lên từ mì gói và nét tương đồng trong chiến lược phát triển với Samsung
Nếu như khởi điểm của Samsung là trong lĩnh vực buôn cá khô và bột mì thì VinGroup của ông Phạm Nhật Vượng lại đi lên từ mỳ gói. Theo thông tin từ Vingroup, Tập đoàn tiền thân là Tập đoàn Technocom, được thành lập tại Ukraina năm 1993, hoạt động ban đầu trong lĩnh vực thực phẩm và thành công rực rỡ với thương hiệu mì Mivina.
Từ năm 2000, Technocom - Vingroup trở về Việt Nam đầu tư vào hai lĩnh vực chính là du lịch và bất động sản với hai thương hiệu ban đầu là Vinpearl và Vincom. Đến tháng 1/2012, công ty CP Vincom và Công ty CP Vinpearl sáp nhập, chính thức hoạt động dưới mô hình Tập đoàn với tên gọi Tập đoàn Vingroup – Công ty CP. Sau nhiều năm phát triển, Vingroup đang là doanh nghiệp hoạt động đa ngành và có qui mô lớn nhất trong lĩnh vực bất động sản.
Ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup
Mới đây, Vingroup đã bất ngờ thông báo chiến lược phát triển trở thành một tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ đẳng cấp quốc tế, trong đó Công nghệ chiếm tỷ trọng chính. Như vậy, với một doanh nghiệp đi lên từ một lĩnh vực khác hoàn toàn với công nghệ, Vingroup đang có những nét tương đồng với những đại gia công nghệ hàng đầu thế giới tại thời điểm hiện tại:
Thứ nhất, Vingroup đang đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm điện thông minh tiện dụng như điện thoại, tivi thông minh, nghiên cứu phần mềm và trí tuệ nhân tạo AI. Samsung hiện đang rất thành công trong lĩnh vực sản xuất phần mềm, smartphone, TV và chip.
Thứ hai, Vingroup xây dựng trung tâm VinTech City theo mô hình Thung lũng Silicon nhằm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra hệ sinh thái toàn diện để phục vụ cho các công ty khởi nghiệp về công nghệ thông tin… Samsung cũng có Samsung Digital City tại Suwon, là nơi tập trung những người sáng tạo nhất trên thế giới về làm việc.
Thứ ba, Vingroup xây dựng quỹ Đầu tư về công nghệ với nhiệm vụ tìm kiếm các cơ hội hợp tác, hỗ trợ phát triển những dự án công nghệ - trí tuệ nhân tạo có khả năng ứng dụng cao trên phạm vi toàn cầu. Samsung thì có Samsung NEXT, đơn vị tìm kiếm và thu hút những nhà sáng lập, kĩ sư và nhà xây dựng để phát triển các phần mềm và dịch vụ của họ. Nhiều thương hiệu đã được Samsung Next hỗ trợ và phát triển thành công trong lĩnh vực như AI, Digital Health, IOT, Mobility, Security…
Thứ tư, Vingroup thành lập các viện nghiên cứu như Viện nghiên cứu dữ liệu lớn hay Viện nghiên cứu công nghệ cao Vin Hi-Tech. Samsung thì có các viện nghiên cứu như Samsung Economic Research, Samsung Research…
Tuy nhiên, rõ ràng là thời điểm bắt đầu lấn sân vào lĩnh vực công nghệ của Samsung và Vingroup là hoàn toàn khác nhau. Samsung có được sự thuận lợi trong thời kì bùng nổ về công nghệ máy tính và tin học, khi cả thế giới còn trong giai đoạn lạc hậu công nghệ. Còn hiện tại, cuộc cách mạng công nghệ này đã đang dần phát triển tới mức tới hạn.
Tất nhiên, Vingroup đang hướng đến những lĩnh vực công nghệ hứa hẹn sẽ bùng nổ tiếp theo trong tương lai, vượt qua những công nghệ máy tính hay di động hiện tại, ví dụ như: dữ liệu lớn (Big Data) hay trí thông minh nhân tạo (AI).
Với nền tảng thương hiệu và tiềm lực tài chính mạnh mẽ, nhiều người đang hi vọng Vingroup sẽ tập trung được nguồn nhân lực công nghệ tài năng của Việt Nam để giúp đất nước theo kịp với sự phát triển của toàn cầu.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang chuẩn bị cho một sự chuyển hướng kinh doanh của tập đoàn Vingroup trong 10 năm tới...