Tổng thống Nga Putin (trái) được cho là đang cân nhắc về biện pháp trả đũa lệnh trừng phạt mới của Mỹ.
Các biện pháp trừng phạt mới Mỹ áp dụng đối với Nga vì sự liên quan của Moscow” với vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal ở Anh có hiệu lực từ hôm qua (27.8). Các lệnh trừng phạt mới của Mỹ bao gồm cấm toàn bộ việc cung cấp cho Nga các thiết bị điện tử và những sản phẩm công nghệ an ninh nhạy cảm.
Đáp lại, Bộ ngoại giao Nga cảnh báo, các biện pháp trừng phạt trên sẽ không thể ép Nga nhượng bộ và bất kỳ nỗ lực nào để trừng phạt Nga sẽ chỉ khiến các đối thoại trong tương lai với Moscow càng khó khăn hơn.
Phát ngôn viên Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng Tổng thống Putin “đã nhiều lần nói rằng ông sẽ làm những gì cần để bảo vệ quyền lợi của đất nước chúng ta sau những bước không thân thiện như vậy”.
Điện Kremlin cho biết, bất kỳ sự trả đũa nào của Tổng thống Vladimir Putin nhằm vào Tổng thống Trump và Mỹ cũng vì lợi ích quốc gia của Nga.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Pravda của Slovakia ngày 28.8, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng tuyên bố, Nga sẽ đáp trả tương xứng các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Moscow.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, Bộ Ngoại giao Nga đóng vai trò “cùng với các cơ quan khác báo cáo cho Tổng thống Putin về những diễn biến gần đây, cũng như đưa ra phân tích, dự báo và một số ý tưởng” cho nhà lãnh đạo Nga. Sau đó, ông Putin sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.
Mới đây, ông chủ Điện Kremlin cũng đã mạnh mẽ lên án các biện pháp trừng phạt của Mỹ là "vô nghĩa" và "phản tác dụng".
Mỹ, Anh và một số nước phương Tây cho rằng Nga có liên quan tới vụ tấn công nghi bằng chất độc thần kinh nhằm vào cha con cựu điệp viên Skripal tại thành phố Salisbury, Anh hồi tháng 3 sau khi xác định loại chất độc được sử dụng mang tên Novichok từng được chế tạo tại Liên Xô trước đây.
Theo đó, Washington đe dọa, có thể sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga vào tháng 11 tới. Khi đó, các biện pháp trừng phạt có thể bao gồm giảm quy mô quan hệ ngoại giao, đình chỉ các chuyến bay của hãng hàng không Nga Aeroflot tới Mỹ, hay dừng gần như hoàn toàn xuất khẩu hàng hóa Mỹ sang Nga. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Nga có thể tránh vòng trừng phạt thứ 2 này bằng cách đảm bảo sẽ không sử dụng vũ khí hóa học trong tương lai.
Về phần mình, Nga vẫn bác bỏ mọi cáo buộc, khẳng định cả Nga và Liên Xô đều không có bất kỳ chương trình nào để phát triển chất hóa học như vậy.
Cách đây hơn 4 năm, ông Putin từng nói, lý do duy nhất để Mỹ còn để mắt đến mối quan hệ với Nga chính là sức mạnh...