Vết thương được các bác sĩ tuyến dưới khâu như... khâu bao.
"Lúc bế con, vết thương ở cổ máu chảy phun ra như suối, rơi vào trạng thái lơ mơ dần nên tôi bủn rủn tay chân ngất đi lúc nào không biết. Vợ tôi phải bế cháu đi bệnh viện", anh G nhớ lại.
Theo anh G, chiếc quạt công nghiệp cao 1m, lồng bảo vệ cánh quạt bị rơi ra mấy ngày trước, nhưng chưa lắp lại. Sau đó vợ anh G đã đưa con tới Bệnh viện huyện Phú Giáo cấp cứu, nhưng do vết thương nghiêm trọng, bệnh nhi được chuyển tiếp tới Bệnh viện 512 giường Bình Dương và sau đó chuyển lên Bệnh viện Răng hàm mặt trước khi đưa lên Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM điều trị.
TS.BS CKII Nguyễn Văn Đẩu - Trưởng khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay, bé nhập viện vào ngày 24.8 vừa qua, trong tình trạng có nhiều vết thương dài, sâu tới xương hàm dưới bên phải. Qua kiểm tra, cho thấy các bác sĩ tuyến dưới đã sơ cứu, khâu các vết thương ở xương hàm, nhưng tổn thương ở hàm có dấu hiệu nhiễm trùng nặng nề, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cháu bé.
“Cha mẹ cháu bé cho biết, các bác sĩ tuyến dưới đã giữ lại cháu bé để tiến hành mổ nhưng có lẽ nhận thấy vết thương quá nguy hiểm nên mới chuyển lên tuyến trên. Có điều nhìn vết thương được khâu, chính chúng tôi cũng cảm thấy sốc”, bác sĩ Đẩu nói thêm.
Còn với BS CK1 Nguyễn Minh Hằng, khoa Răng hàm mặt - người trực tiếp tiến hành ca phẫu thuật thì cho biết: "Khi êkíp vừa cắt 1 múi chỉ ở chỗ khâu, vết thương ở hàm của bé bung ra, có 30cc mủ, máu bầm ở trong đó. Nguyên nhân là cánh quạt ở lò gạch rất bẩn, chứa nhiều vi khuẩn, nhưng trong 1 giờ đầu khi cấp cứu, bé không được chích ngừa uốn ván khiến vết thương nhiễm trùng nặng”.
“Giá như bé được chuyển lên đây sớm thì khi đó vết thương “sống”, chúng tôi sẽ giúp bé có gương mặt hoàn thiện hơn, bây giờ dù ca mổ rất thành công nhưng tôi đánh giá chỉ đạt 50% theo yêu cầu”, BS CK1 Nguyễn Minh Hằng cho biết thêm.
Hiện bé H đã lành vết thương nhưng vẫn để lại vết sẹo dài.
Cũng theo bác sĩ Hằng, ngoài vết cắt khủng khiếp trên, cánh quạt máy còn chạm gây tổn thương xương hàm dưới. Cũng may chưa đụng vào động mạch cảnh, nếu không thì bé khó qua khỏi. Riêng vết thương mà các bác sĩ tuyến dưới khâu, bình thường thì phải khâu 4 lớp nhưng có lẽ do may để cầm máu và không có đường dẫn lưu cho vết thương nên mới biến chứng kinh khủng như thế.
Ngay khi lấy hết mủ ra ngoài, các bác sĩ đã khâu lại các vết thương ở hàm phải cho bệnh nhi. Hiện tình trạng bé đã ổn định và có thể được xuất viện trong vài ngày tới. Tuy nhiên, theo BS Đẩu, vết thương cắt sâu tới tận xương hàm, đứt dây thần kinh mặt, cảm giác và đứt tuyến nước bọt nên sẽ để lại sẹo, việc vận động cơ mặt gặp khó khăn.