Bài học gắn với dân
Năm 1945, Đảng CSVN mới 15 tuổi, chưa tới 5.000 đảng viên nhưng đã tập hợp và lãnh đạo nhân dân làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám thần kỳ, theo ông giá trị cốt lõi đem tới sự thành công là gì?
- Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công phải kể từ đường lối cách mạng của Đảng CSVN đưa ra đúng. Việc đúng đắn đó thể hiện ở chỗ là giải quyết được những vấn đề của dân tộc và của thời đại, lúc bấy giờ khát vọng của người Việt Nam là giải phóng dân tộc. Sau khi giải phóng dân tộc có nhiều đảng đưa ra những chủ trương khác nhau, có người muốn dẫn dắt dân tộc ta quay trở lại con đường phong kiến, có khuynh hướng muốn đưa dân tộc đi theo con đường dân chủ tư sản, theo ánh sáng của cách mạng Tân Hợi, Công xã Paris và rất nhiều cuộc cách mạng tư sản khác. Tuy nhiên trong định hướng về chủ nghĩa xã hội người dân thấy rằng ngoài giải phóng dân tộc, khi xây dựng một xã hội mới người dân được làm chủ vận mệnh của mình. Chính quyền là của dân, do dân và vì dân, chính quyền công – nông – binh nghĩa là tất cả mọi người trong xã hội đều được tham gia vào chính quyền đó, chứ không phải là chính quyền của một nhóm người áp bức bóc lột.
Với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với sự đoàn kết của cả dân tộc đã làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ảnh tư liệu
"Hiện nay chúng ta đang hoàn thiện tất cả các chủ trương, đường lối về phát triển kinh tế - xã hội. Khi triển khai mọi người đồng thuận, đồng hành, để thực hiện thì sẽ luôn duy trì được tinh thần đoàn kết dân tộc. Chúng ta thấy sức mạnh đoàn kết sẽ làm nên những vấn đề lớn lao, ngược lại không giữ được sức mạnh đó sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường”. PGS-TS Nguyễn Minh Tuấn |
Để có Cách mạng Tháng Tám thành công khi Đảng ta mới chỉ 15 tuổi thì yếu tố đầu tiên là Đảng đưa ra đường lối đúng. Đường lối đó xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo cách mạng, chính vì thế đã hiệu triệu được rất nhiều người dân, từ nông dân đến công nhân, thậm chí cả phong kiến, tư sản. Họ nhìn thấy trong đường lối, chủ trương của Đảng CSVN có lợi ích của mình. Phân tích như vậy để thấy nếu lợi ích, khát vọng của nhân dân mà Đảng đáp ứng được ngay từ đường lối, chủ trương thì người dân theo.
Bài học quan trọng nữa theo tôi đó là việc gắn với dân, Đảng là những con người cụ thể, Đảng từ nhân dân mà ra, Đảng phục vụ nhân dân thì phải gắn với dân suốt con đường cách mạng. Đảng đồng hành với nhân dân, thậm chí hy sinh trước người dân, hy sinh nhiều hơn người dân. Chúng ta nhìn thấy rất nhiều tấm gương hy sinh của các thế hệ lãnh đạo trong những thời kỳ trước đây, từ đó người dân tin Đảng, đi theo Đảng. Đây là bài học còn nguyên giá trị, người đảng viên, người cán bộ phải biết hy sinh lợi ích của mình để thực hiện sứ mệnh cao cả hơn đó là vì hạnh phúc của nhân dân.
Đây cũng là bài học có giá trị xuyên suốt trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay thưa ông?
- Đến nay cũng vậy, Đảng cầm quyền nhưng đường lối của Đảng không dừng lại mà phải bổ sung hoàn thiện nhưng lấy nền móng, gốc gác là đem lại lợi ích cho dân. Đường lối phải làm sao cho kinh tế đất nước phát triển, đời sống của người dân không ngừng nâng cao, người dân được sống cuộc sống tự do, xã hội an toàn. Để làm được điều đó là trí tuệ của Đảng, từ xác định đường lối đúng phù hợp với đất nước, với xu thế thời đại, với hợp tác phát triển, kinh tế thị trường, cách mạng 4.0…
Khi được nhân dân tin yêu họ mới bảo vệ Đảng, sẵn sàng hy sinh cho Đảng và đi theo Đảng đến cùng. Muốn huy động được nhân dân không phải chỉ đường lối đúng đã đủ mà chỉ là một nửa, còn một nửa khác quan trọng hơn nhiều đó là tổ chức thực hiện. Trong đó tấm gương đảng viên về sự hy sinh, tinh thần phục vụ là quan trọng nhất.
Có sức dân việc gì cũng thành
Đoàn kết là một trong những truyền thống quý báu của dân tộc ta góp phần vào thành công của Cách mạng Tháng Tám, đây cũng bài học có giá trị xuyên suốt thưa ông?
- Đoàn kết phải dựa trên đường lối. Cần phải nói rằng không có sự đoàn kết nào không có cội nguồn là đường lối, chủ trương. Đường lối chủ trương đúng sẽ tập hợp được người dân, tất cả các thành phần, giai tầng trong xã hội tập hợp với nhau thành sức mạnh khi họ thấy đường lối đó có lợi ích của họ trong đó.
Ngày 19.8.1945, sau cuộc mít-tinh tại quảng trường thành phố, nhân dân thủ đô Hà Nội đánh chiếm Bắc Bộ Phủ, cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc Bộ. Ảnh: Tư liệu
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo cách mạng Việt Nam ngay từ đầu khi tập hợp lực lượng đã thể hiện bằng những chủ trương rất rõ ràng, thậm chí ngay cả địa chủ, phong kiến, một bộ phận tư sản chưa phải là lực lượng phản cách mạng Người vẫn kéo về với cách mạng. Sau này, Người còn đưa họ đồng hành trong cuộc kháng chiến.
Để phát huy hiệu quả những giá trị của lịch sử, ở góc độ nghiên cứu ông có suy nghĩ gì thưa ông?
- Bây giờ phải xem lại lợi ích thiết thực của các giới, các giai tầng là gì. Người công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân - khi Đảng lãnh đạo, đường lối của Đảng phải tạo mọi cơ hội cho họ bình đẳng, để tất cả phát huy hết khả năng của mình làm giàu chính đáng. Không vì lợi ích của một nhóm giai cấp này mà ảnh hưởng đến giai cấp khác, hay vì một nhóm người này mà ảnh hưởng đến lợi ích của dân tộc. Trong vấn đề giải quyết mối quan hệ lợi ích này phải tính toán, không để một vùng nào quá giàu vùng lại quá nghèo, quá khổ, đói kém; phải có chính sách đầu tư thế nào, đào tạo ra sao, chính sách hỗ trợ thế nào để tập hợp sức mạnh đoàn kết của các dân tộc trong nước.
Người dân lúc nào cũng mong muốn Đảng ta phải thực sự đổi mới, thực sự chỉnh đốn, lãnh đạo đất nước không chỉ đem lại kết quả về kinh tế mà còn xây dựng bộ máy trong sạch. Từ kinh nghiệm bên ngoài, có hàng loạt các đảng cộng sản trên thế giới và cả đảng không phải là cộng sản, nhiều khi đường lối của họ, sự lãnh đạo của họ giúp kinh tế đất nước phát triển tốt nhưng vẫn có thể mất vai trò cầm quyền. Vì sao? Vì vẫn còn một bộ phận cán bộ tham nhũng, suy thoái nên người dân oán ghét, uy tín giảm xuống.
Muốn có đường lối đúng, phù hợp với mong muốn của dân cần phải biết huy động sức dân thưa ông?
- Vấn đề làm sao để có đường lối đúng thì phải huy động sức dân, bản thân Đảng chỉ là bộ phận tiên tiến, còn người dân thì nhiều sáng kiến góp ý cho Đảng, góp ý cho chính sách của Nhà nước. Chính vì thế vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí rất quan trọng. Phản biện, mục tiêu là làm cho chính sách tốt hơn. Muốn có đường lối đúng phải nghiên cứu, lắng nghe phản biện, nắm tình hình trong nước và quốc tế.
Đảng ta đã có Quyết định số 217/2013 về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội. Muốn phát huy vai trò của nhân dân về xây dựng Đảng, tham gia về xây dựng đảng viên trong sạch thì phải cung cấp thông tin cho dân. Nói tóm lại muốn xây dựng Đảng được thì phải công khai với dân, công bằng với dân, dân chủ với dân, nhiều thông tin đến với dân tốt thì dân càng có điều kiện góp ý xây dựng Đảng tốt hơn.
Xin cảm ơn ông (!)